TTO - Đây là vấn đề nhiều người băn khoăn đặt ra từ câu chuyện xe cứu hộ của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội đi ngược chiều khi làm nhiệm vụ trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã va chạm với xe khách.
Xe khách đã tông vào xe phòng cháy chữa cháy chạy ngược chiều trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Nguồn: FB
Chiều 19-3, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có công điện gửi Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải về khắc phục hậu quả, phòng ngừa các vụ tai nạn xảy ra trên các tuyến đường cao tốc.
Trong đó, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tăng cường công tác diễn tập, phối hợp giữa các cơ quan hữu trách trong quá trình xử lý các vụ tai nạn tương tự.
Trước đó, như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, vào khoảng 16h30 chiều 18-3, một xe cứu hỏa của Phòng cảnh sát PCCC số 12 đang đi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn một vụ tai nạn trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chạy ngược chiều theo hướng Hà Nội - Ninh Bình, đến Km 192 thì tông phải xe khách 45 chỗ chạy hướng ngược lại.
Cú va chạm mạnh khiến 9 người bị thương nặng, trong đó có 5 người trên xe khách và 4 cán bộ chiến sĩ của Phòng cảnh sát PCCC số 12.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông giữa xe cứu hộ và xe khách trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chiều 18-3 - Ảnh: GIANG LONG
Theo thông tin ban đầu, do hai xe đều đang di chuyển với tốc độ cao trên đường mưa phùn làm hạn chế tầm quan sát và đường trơn trượt dẫn đến hai bên đều không làm chủ được tốc độ.
Sau khi tai nạn xảy ra, trên mạng xã hội có nhiều ý kiến bình luận trái chiều về tình huống xe cứu hộ cứu nạn đi ngược chiều trên đường cao tốc dẫn đến tai nạn khiến nhiều người bị thương.
Tài khoản Facebook Hoang Linh cho rằng mặc dù theo luật định xe của Cảnh sát PCCC Hà Nội có quyền đi ngược chiều khi làm nhiệm vụ và các phương tiện khác phải có trách nhiệm nhường đường, nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tài xế xe đang đi với tốc độ cao nhận ra xe ưu tiên đang đi ngược chiều để tránh?
"Luật giao thông đường bộ 2008 quy định xe cứu hỏa được quyền đi vào làn đường ngược chiều khi làm nhiệm vụ, phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định.
Luật này cho biết ngoài quyền được đi vào đường ngược chiều, xe còn được phép đi vào các đường khác có thể đi được, kể cả khi tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông" - Facebook Hoang Linh viện dẫn.
Song, tác giả Hoang Linh cũng đặt câu hỏi: "Về hiện trường, các camera đều cho thấy xe khách không giảm tốc độ, không nhường quyền ưu tiên theo luật định nên mới xảy ra tai nạn thương tâm nêu trên.
Tuy nhiên, có vẻ như tất cả đều thiếu chuyên nghiệp với các tình huống được đặt ra: Vì sao không có cảnh sát giao thông phân luồng? Phải chăng xe khách không thể nhận được tín hiệu cảnh báo bằng còi từ xe PCCC và không có cách nào xử lý kịp khi đang đi với tốc độ cao?".
"Chúng ta làm rõ những chuyện này không phải để đổ lỗi cho một tai nạn không ai mong muốn mà là để hạn chế những chuyện tương tự sẽ xảy ra khi mà luật cho phép xe ưu tiên đi vào đường ngược chiều trên cao tốc, gây ra tình huống nguy hiểm cho các phương tiện giao thông vì không thể xử lý kịp như trên đường bộ thông thường", anh Hoang Linh chia sẻ.
Theo quan điểm cá nhân của anh Linh, qua tai nạn này nên chăng đề nghị xem xét loại bỏ quyền đi ngược chiều vào đường cao tốc của các xe ưu tiên, vì đã là cao tốc thì việc các xe chạy cao tốc sẽ rất khó giảm tốc độ khi gặp tình huống xe ngược chiều thế này.