TTO - Cựu chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm nói đã đi tìm đối tác để giúp PVN thoái vốn khỏi OceanBank nhưng sau đó có văn bản yêu cầu dừng.
Ông Hà Văn Thắm - cựu chủ tịch HĐQT OceanBank được triệu tập đến tòa làm nhân chứng - Ảnh: NAM TRẦN
Sau khi kết thúc phần xét hỏi của hội đồng xét xử (HĐXX) và VKS, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho ông Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN) đã tham gia thẩm vấn các bị cáo, người liên quan trong vụ góp vốn vào OceanBank khiến PVN mất 800 tỉ.
Nội dung mà ông Hoài tập trung thẩm vấn là việc đầu tư 800 tỉ của PVN vào OceanBank có đúng không, quy trình thoái vốn diễn ra thế nào.
PVN gặp nhiều ngân hàng trước khi đầu tư vào OceanBank
Luật sư Phan Trung Hoài đã có phần thẩm vấn đối với ông Nguyễn Ngọc Sự, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng giám đốc PVN) và ông Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) về việc lựa chọn đầu tư vào OceanBank.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sự thì sau khi PVN đề xuất thành lập ngân hàng Hồng Việt không được chấp nhận, thì có hơn 100 lao động là nhân sự trù bị của ngân hàng này không có việc làm.
Do đó, HĐQT của PVN yêu cầu phải tìm việc làm cho những người này bằng việc thông qua việc góp vốn và đầu tư vào các ngân hàng phù hợp với tiêu chí của PVN.
Theo ông Sự, nhiều ngân hàng lúc ấy được khảo sát và xem xét "Tôi nhớ lúc ấy có vài ngân hàng được tiếp cận nhưng cuối cùng các ngân hàng đều không đáp ứng được yêu cầu của PVN với các lý do: giá cổ phiếu quá cao, cổ đông góp vốn không được tham gia điều hành ngân hàng.
Lúc đó, PVN sợ bất lợi nên không tham gia. Việc đánh giá OceanBank có giao cho ban trù bị Hồng Việt đánh giá".
Ông Sự cũng cho biết thời điểm đó rất nhiều ngân hàng khó khăn và có nhu cầu tìm cổ đông chiến lược để đầu tư, OceanBank được đánh giá là ngân hàng thuộc mức trung bình khá. Đánh giá này là đánh giá của ban trù bị của ngân hàng Hồng Việt sau khi nghiên cứu OceanBank.
Sau đó ông Sự đã có báo cáo nêu, OceanBank là ngân hàng có quy mô nhỏ, đang tìm cổ đông chiến lược tầm cỡ.
Luật sư Phan Trung Hoài (bìa trái) thẩm vấn các bị cáo, nhân chứng trong vụ án - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Xác nhận về việc PVN đã dành nhiều thời gian tìm các ngân hàng phù hợp để đầu tư, ông Hà Văn Thắm nói rằng bản thỏa thuận đầu tư góp vốn của ông Thắm ký với ông Thăng thì trước đó nó đã được mang đi trao đổi, gặp gỡ với nhiều ngân hàng khác.
"Sau khi gửi cho các ngân hàng mà không tìm được sự đồng thuận thì bản thỏa thuận này được đưa cho tôi. Bằng chứng là bản thỏa thuận đó chưa được sửa hết, vẫn còn sót lại tên các ngân hàng mà các anh ấy gặp gỡ lúc đó" - ông Thắm nói.
Luật sư hỏi ông Thắm thỏa thuận này có phải là mang tính nguyên tắc không, ông Thắm bảo "đúng". HĐXX nhắc nhở luật sư Phan Trung Hoài chỉ được đặt câu hỏi không được giải thích.
Tuy nhiên, trong phần trả lời luật sư Phan Trung Hoài, bà Phan Thị Hòa, Thành viên HĐQT và trưởng ban kiểm soát của PVN cho rằng việc đồng ý góp vốn vào OceanBank là có điều kiện.
Cụ thể, bà Hòa nói rằng khi HĐQT xem xét tờ trình của ông Nguyễn Ngọc Sự kèm theo báo cáo tài chính đánh giá sơ bộ thì nghị quyết đồng ý góp vốn có ghi rõ: "điều 1 đồng ý chủ trương góp vốn và điều 2 giao tổng giám đốc báo cáo về tài chính OceanBank, nghĩa là đồng ý có điều kiện".
Nếu thoái vốn được thì PVN không mất 800 tỉ
Khẳng định OceanBank không yếu kém, ông Hà Văn Thắm nói việc các chuyên gia ban trù bị ngân hàng Hồng Việt kết luận OceanBank yếu kém là không chính xác, bởi lúc các chuyên gia đánh giá thì OceanBank chỉ thiếu khoảng 60 tỉ để trích lập quỹ dự phòng.
Sau khi tăng vốn điều lệ thì số tiền trích lập quỹ dự phòng sẽ không còn thiếu nữa. Thực tế, ông Thắm khẳng định việc góp vốn của PVN vào OceanBank khiến ngân hàng này đã phát triển rất tốt.
Liên tiếp trong mấy năm liền các cổ đông đều được chia cổ tức, PVN cũng được chia. Chỉ đến lần tăng vốn điều lệ lần thứ 3 thì OceanBank đã họp đại hội cổ đông và thống nhất tiền cổ thức không chia cho cổ đông nữa mà làm tiền tăng vốn.
Liên quan đến việc PVN thoái vốn ở ngân hàng để bảo tồn vốn đầu tư và không vi phạm Luật các tổ chức tín dụng (một cổ đông là tổ chức không nắm vượt quá 15% vốn điều lệ của ngân hàng), cả ông Phùng Đình Thực (nguyên Tổng giám đốc PVN) và ông Hà Văn Thắm đều nói việc thoái vốn gặp khó khăn không phải do PVN không muốn thoái vốn hay không thực hiện việc thoái vốn mà do vướng quy định.
Theo ông Hà Văn Thắm, có nhiều lý do nhưng cơ bản là vướng theo luật Các tổ chức tín dụng.
Luật này quy định nếu cổ đông có tham gia HĐQT thì không được phép bán vốn mà phải thông báo trước 6 tháng. Do đó không thoái vốn ngay được. Thứ 2, đại diện vốn góp của PVN nói không chỉ thoái vốn 5% mà thoái vốn hết.
Ông Thắm cũng khẳng định, ông Thắm đã đi tìm đối tác để thoái vốn cho PVN nhưng sau đó thì không thực hiện việc thoái vốn được do có chỉ đạo khác từ Ngân hàng Nhà nước.
Nói cụ thể về việc thoái vốn này, ông Phùng Đình Thực, cho biết, vào thời điểm từ 2013 đến 2015 thì PVN đã tìm cách thoái vốn, thuê cả tư vấn để thoái vốn.
"Đến 2014 tìm được đối tác nước ngoài sẵn sàng mua với giá 800 tỉ, đến đầu tháng 5-2014 chúng tôi xin thoái vốn hoàn toàn, thì được Chính phủ đồng ý bằng cách đấu giá và báo cáo Thủ tướng.
Tuy nhiên, đến ngày 25-6-2014 Văn phòng Chính phủ có văn bản yêu cầu dừng thoái vốn để thực hiện chủ trương mới của Chính phủ, và giao việc này cho Ngân hàng nhà nước.
Do đó việc thoái vốn không thực hiện được. Thời điểm này PVN vẫn còn còn 1 năm rưỡi nữa cho việc thoái vốn" ông Thực nói.
Đồng thời ông Thực cũng khẳng định: Nếu thực hiện được kế hoạch thoái vốn thì PVN không mất 800 tỉ.