Pháp luật

Cho trò tự học từ phiên xử án

TTO - Có một trường THPT dạy học trải nghiệm khá độc đáo: cho học sinh tham dự phiên xử tại tòa án tỉnh để các em hiểu rõ hơn về luật, cũng như rút ra bài học cho mình.

Cho trò tự học từ phiên xử án - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Lưu Văn Liệt, TP Vĩnh Long dự phiên xử của tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: MINH TÂM

Đó là Trường THPT Lưu Văn Liệt, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Nhiều cung bậc cảm xúc

Sáng sớm, 560 học sinh khối 12 cùng 19 giáo viên Trường THPT Lưu Văn Liệt có mặt tại TAND tỉnh Vĩnh Long dự phiên xử một vụ án giết người. 

Bị cáo 22 tuổi, trẻ măng, ngồi băng ghế đầu. Bị hại và nhân chứng cũng trạc tuổi bị cáo ngồi băng ghế phía bên kia. Chuông reo, giờ xử bắt đầu.

Khi chủ tọa làm thủ tục xét hỏi, học sinh chăm chú lắng nghe và ghi chép. Kế đó kiểm sát viên đọc cáo trạng. Có thể tóm tắt như sau: Hồ Bình Minh Luân cho rằng khi anh Trần Thanh Nhã chạy xe ngang qua đã nhìn "đểu" mình nên chửi: "Nhìn gì đồ chó!". 

Anh Nhã nghe vậy tức giận đánh vào mặt Luân khiến xe Luân loạng choạng. Sau đó anh Nhã tấp xe vào lề, hỏi Luân tại sao chửi mình, Luân xuống xe, rút dao trong cốp rượt theo anh Nhã đâm nhiều nhát (gây thương tích 22%). Lúc đó, bạn Luân chạy đến ôm ngăn Luân lại...

Nghe xong, nhiều học sinh lộ vẻ bàng hoàng. Đâu đó có tiếng thốt: "Trời, chỉ một cái nhìn mà xảy ra vụ án!". Nhiều biểu hiện cảm xúc hiện trên gương mặt các học trò áo trắng. 

Không khí căng thẳng theo lời thẩm vấn của hội đồng xét xử. Luật sư bào chữa cho bị cáo nói rằng: bị cáo vốn là công nhân siêng năng làm lụng, phụ giúp gia đình, lại không có tiền án tiền sự gì. Chỉ vì hôm đó có rượu nên mới hành xử như vậy.

Bị cáo quay xuống nói lời xin lỗi với bị hại. Bị hại cũng xin giảm án cho bị cáo và nói: "Lỗi một phần cũng do tôi. Phải chi hôm đó tôi bình tĩnh thì không đến nỗi. Xin tòa giảm án cho bị cáo". 

Nhiều tiếng xuýt xoa: "Phải chi ngay từ đầu hai anh ấy hành xử như vầy thì đâu xảy ra cơ sự". Một bạn gật gù: "Ừ, chắc có lẽ tại cơn giận đã làm hai bạn ấy mù quáng, đánh mất lý trí"...

Cứ vậy, 560 học sinh vừa theo dõi vừa ghi chép cho buổi học trải nghiệm của mình. Có khi lặng đi, vừa ghi chép, vừa chùi nước mắt. Đó là khi nghe bị cáo nói lời sau cùng trước giờ nghị án: "Bị cáo xin cảm ơn bị hại vì đã tha thứ cho bị cáo và xin giảm án cho bị cáo. 

Bị cáo cũng xin các bạn học sinh đang ngồi dự phiên tòa hôm nay đừng giống như bị cáo, chỉ vì một phút ứng xử nông nổi mà hành động hồ đồ để rồi gây thương tích cho người khác, đẩy mình vào tù và còn làm buồn khổ cho cha mẹ".

Học được nhiều điều

Chăm chú ghi ghép, bạn Linh, học lớp 12, cho biết: "Tụi em học được nhiều điều mà đôi khi trong thực tế mình vô tư không để ý đến. Chẳng hạn nếu giao xe cho bạn lái mà bạn không có bằng lái, khi có tai nạn giao thông thì chủ xe cũng phải chịu liên đới trách nhiệm".

Còn bạn Đức (lớp 12) thổ lộ dự phiên tòa từ đầu đến khi kết thúc khiến bạn cảm thấy sờ sợ vì thấy bị tù tội là mất nhiều thứ quý giá trong cuộc sống. Đó là sự tự do, tuổi thanh xuân phải trải qua những tháng ngày dài trong tù. 

Rồi với lý lịch có những "vết mực đen" như vậy khi mãn hạn tù trở về không biết có hòa nhập được cộng đồng không, áp lực để bạn ấy bắt đầu cuộc sống mới". 

Bạn Trâm thì thổ lộ: "Dự tòa, càng thương cha mẹ hơn, cực nhọc lo cho mình ăn học. Khi mình lỡ gây ra điều lầm lỗi thì chính cha mẹ là người đau khổ nhất".

Dự tòa cùng trò, thầy Lê Văn Hoàng, tổ trưởng chuyên môn tin - giáo dục công dân Trường THPT Lưu Văn Liệt, nói: "Việc cho học sinh trải nghiệm thực tế tại phiên tòa là một trong các phương pháp dạy học mới của trường. 

Đây là năm thứ hai trường tổ chức hoạt động này giúp các em hiểu hơn về pháp luật; hiểu hơn hoạt động xét xử của ngành tòa án, trình tự các bước tiến hành của phiên tòa. Nếu vi phạm pháp luật hình sự thì phải chịu trách nhiệm ra sao. 

Ngoài ra, nhiều em thích làm thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư thì đây là cơ hội để hiểu thêm thực tế hoạt động xét xử để chọn lựa ngành mình yêu thích".

"Phải chi kiểm soát được bản thân"

Tòa tuyên án 8 năm tù. Tiếng khóc của người thân bị cáo vỡ ra. Còn bị cáo đưa đôi tay bị còng lên chùi nước mắt. Khi bị cáo được dẫn giải ra xe chuyên dụng, người thân cố chạy theo động viên: "Ráng cải tạo tốt để ra tù sớm nghe con".

Trước cảnh tượng đó, ai nấy đều bồi hồi, thương cảm pha lẫn trách móc, có bạn thở dài: "Phải chi bạn ấy kiểm soát được bản thân thì đâu có chuyện như vầy".

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        404,216       173