Việc nữ hộ sinh lấy nhầm thuốc phá thai cho sản phụ làm chết bào 6 tuần tuổi ở Quảng Ngãi nhưng nữ hộ sinh chỉ bị kỷ luật, kiểm điểm và tạm đình chỉ chuyên môn khiến dư luận băn khoăn về trách nhiệm hình sự đối với nữ hộ sinh này.
Loại thuốc mà nữ hộ sinh đã phát cho thai phụ
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, nên chăng cần bổ sung tình tiết định tội là gây chết bào thai, chứ không chỉ dựa vào mức tổn hại sức khỏe của người mẹ bao nhiêu mới chịu trách nhiệm hình sự như quy định hiện hành.
Chưa có quy định để xử lý hình sự
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, trong trường hợp có kết luận từ cơ quan chức năng là do sai qui trình.
Cụ thể, thay vì đến khoa dược nhận thuốc, kiểm tra lần cuối tên tuổi bệnh nhân, tên thuốc, liều lượng và đường đưa thuốc vào cơ thể, kiểm tra nhân thân và chỉ định thuốc trước khi cấp thuốc thì nữ hộ sinh tự ý lấy thuốc ở tủ cấp cứu của khoa phát cho bệnh nhân, lại còn nhầm lẫn thuốc của 2 bệnh nhân nằm cạnh nhau.
Đây là một việc làm cẩu thả, vô trách nhiệm với nghề nghiệp. Làm ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ của bệnh nhân, hậu quả ở đây đã xảy ra là làm chết bào thai 6 tuần tuổi.
"Mà theo qui định của pháp luật, quyền con người chỉ được pháp luật công nhận và bảo vệ từ khi được sinh ra cho đến khi chết đi. Qua rà soát, đối chiếu các qui định pháp luật hình sự về hành vi làm chết bào thai, tôi thấy vẫn chưa có quy định để truy cứu trách nhiệm hình sự những người thực hiện hành vi đó.
Mà chỉ xử lí khi là người nghĩa là đã được sinh ra, được đăng ký giấy khai sinh", luật sư Thảo nói.
Cần bổ sung vào luật
Bổ sung thêm, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Giảng viên bộ môn Hình sự Học viện Tư Pháp tại TP.HCM) cho rằng, bệnh viện phải đứng ra chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường tổn thất về tinh thần khi người nhà có khởi kiện, yêu cầu bồi thường.
Về trách nhiệm hình sự thì dựa vào hậu quả hành vi quy định tại điều 315 bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
Tại điểm a, điểm b khoản 1 điều luật này quy định, nếu hậu quả làm chết một người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc dưới mức đó nhưng đã bị xử phạt kỷ luật hành chính hoặc tiền án về tội này trước đó, sẽ bị tù từ 1 tới 5 năm.
Trong trường hợp này, không thể là hậu quả gây chết người, vì thai nhi chưa được sinh ra, chưa đăng ký khai sinh nên lúc này, phụ thuộc vào tỷ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe của người mẹ.
Nếu trên 61% thì người gây hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Và thiệt hại sức khỏe này thì cần có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn.
"Có kết luận giám định mà tỷ lệ thương tật quá thấp, không đủ căn cứ xử lý hình sự nhưng kết quả đó so với thực tế mất mát của người nhà là quá lớn, quá chênh lệch.
Theo tôi, cần thiết phải bổ sung vào quy định trong bộ luật hình sự, không chỉ là mức tổn hại sức khỏe người mẹ từ 61% trở lên nữa mà là gây chết bào thai.
Sự mất mát ở đây không chỉ là mức tổn hại sức khỏe người mẹ bao nhiêu phần trăm mà là thai nhi có ý nghĩa cực kỳ lớn, quan trọng đối với một gia đình, một người mẹ, đặc biệt những người mẹ khó sinh.
Đó là mức thiệt hại, hậu quả rất lớn, không tính được từ kết quả giám định", luật sư Quân nói.