TTO - Các nhân viên BIDV được chỉ đạo từ cấp trên xuống là phải xử lý hồ sơ cho các đơn vị do Phạm Công Danh lập ra chứ không phải đi từ cán bộ tín dụng trình lên theo quy trình.
Bị cáo Phạm Công Danh được dẫn giải sau khi phiên toà kết thúc - Ảnh: HỮU THUẬN
Trong phiên xử ngày 12-1, ngoài việc thẩm vấn điều tra viên thụ lý vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng đồng phạm ở giai đoạn hai về việc thu hồi khoản tiền gần 1.700 tỉ đồng mà BIDV hưởng lợi từ VNCB, các doanh nghiệp do bị cáo Phạm Công Danh lập ra, tòa tập trung làm rõ các sai phạm cũng như việc xác định nguồn tiền trả cho BIDV là tiền vi phạm pháp luật, hướng tới việc phải thu hồi khoản tiền này.
Màn trả lời gay cấn
Trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử (HĐXX), bà Nguyễn Thị Phương - giám đốc ban pháp chế BIDV, người được ủy quyền đại diện của ngân hàng này tại tòa - khẳng định:
"Đây là tài sản đảm bảo cho khoản vay là tiền gửi, đó là biện pháp cầm cố chứ không phải bảo lãnh cho bên thứ ba vay tiền. Hợp đồng cụ thể cũng ghi là cầm cố tiền gửi. Nội dung hợp đồng là theo mẫu chung của BIDV, bên cầm cố, bên nhận tài sản cầm cố, các quyền, nghĩa vụ và phương pháp xử lý đều được thỏa thuận cụ thể".
Chủ tọa hỏi về dòng tiền vay, dịch chuyển của VNCB và các công ty "ma" của Phạm Công Danh đổ về chính BIDV - nếu yêu cầu thu hồi, BIDV có ý kiến thế nào?
"Tiền là tài sản cùng loại, ngân hàng không có nghĩa vụ phải tìm hiểu nguồn gốc, mà tiền về tài khoản là tiền sở hữu hợp pháp của chủ tài khoản nên ngân hàng tự động thu lãi. Nếu suy diễn theo cách này, phải truy rõ nguồn gốc tiền gửi vào tài khoản thì cách áp dụng pháp luật đầy nguy hiểm cho các tổ chức tín dụng", bà Phương đáp.
Chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh: Nếu BIDV biết nguồn tiền là phạm pháp mà có, vẫn thu lãi suất thì đã bị xử lý với tư cách khác, chứ không phải với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Không dừng lại, bà Phương đối đáp: "Chúng tôi giao dịch với pháp nhân VNCB, không quan hệ giao dịch với cá nhân ông Danh, ông Mai để nói nguồn tiền có phạm pháp hay không".
Bị cáo Trầm Bê tìm người thân tới dự trong phiên tòa chiều 12-1 - Ảnh: HỮU THUẬN
HĐXX và đại diện VKS trong chiều 12-1 đã hỏi các bị cáo về từng trường hợp cụ thể trong 12 bộ hồ sơ mà nhóm bị cáo Phạm Công Danh và các bị cáo từng làm tại VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh.
Theo đó, hầu hết hồ sơ vay được làm rõ là không có hồ sơ giấy tờ thực, chỉ là các loại giấy tờ ảo, photocopy cho có. Các cán bộ của BIDV có liên quan đều khẳng định làm đúng quy định, quy trình, chỉ sơ suất chứ không cố ý làm trái quy định.
Điểm nhấn được xác định rõ trong phiên xử này là quy trình xử lý hồ sơ ngược. Tức là các bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan thuộc BIDV đều được chỉ đạo từ cấp trên xuống là phải xử lý hồ sơ cho các đơn vị do Phạm Công Danh lập ra chứ không phải đi từ cán bộ tín dụng trình lên theo quy trình.
Trong đó, có hồ sơ được làm giả toàn bộ có liên quan tới Công ty Number One Hà Nam. Những người có liên quan khẳng định chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Phạm Công Danh, vì ông Danh đã có liên hệ với ông Trần Quý Thanh và ông Thanh báo sẽ giúp hoàn thiện hồ sơ.
Bị cáo Phan Huy Khang rời phiên tòa chiều 12-1 - Ảnh: HỮU THUẬN
Trả lời HĐXX, một cán bộ của BIDV xác nhận: "Nếu không có chỉ đạo từ trên xuống, các hồ sơ vay của 12 doanh nghiệp này sẽ không được xử lý như vậy".
Liên quan tới các vi phạm trong việc xử lý hồ sơ vay, bà Phương khẳng định với HĐXX: "BIDV đã có văn bản thể hiện có những thiếu sót cụ thể, có rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, đây là các vi phạm không trọng yếu, chỉ vi phạm nội bộ quy định của BIDV. Các quy định này nhằm bảo vệ, phòng ngừa rủi ro, có điều khoản khác thay thế đảm bảo và các khách hàng có đầy đủ, đáp ứng được quy định này.
Sau đó, theo yêu cầu của C46 về xử lý kỷ luật, chúng tôi đã tổ chức hội đồng kỳ luật và thi hành kỷ luật những cá nhân có liên quan".