TTO - Trong khi VKS đề nghị phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh án chung thân, luật sư bào chữa cho rằng không đủ chứng cứ buộc bị cáo Thanh hành vi tham ô.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa - Ảnh: TTXVN
Trong ngày xét xử thứ 5 (12-1) vụ án "Cố ý làm trái" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên chủ tịch HĐQT PVC) đưa ra lập luận bào chữa cho bị cáo.
Luật sư: Bị cáo Trịnh Xuân Thanh có chứng cứ ngoại phạm?
Theo cáo trạng, đối với tội tham ô tài sản, ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc chủ trương, chỉ đạo và cùng các bị cáo khác tại PVC lập quỹ ban điều hành để chi tiêu đối ngoại. Bị cáo Thanh còn bị cho là yêu cầu các bị cáo khác rút tiền để bản thân ông chiếm hưởng 4 tỉ đồng tiêu Tết.
Luật sư Nguyễn Quốc Hùng - người bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh về tội tham ô tài sản - lập luận rằng các yếu tố cấu thành của tội tham ô phải thỏa mãn điều kiện đó là người có chức vụ quyền hạn (có trách nhiệm quản lý tài sản) và có hành vi chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, điều lệ tại PVC cho thấy ông Trịnh Xuân Thanh không trực tiếp quản lý tiền.
Đồng thời, luật sư khẳng định các bị cáo Nguyễn Anh Minh (phó tổng giám đốc PVC) cùng các bị cáo khác có lập một quỹ đối ngoại, nhưng ông Thanh luôn khẳng định nghiêm cấm việc lập quỹ tại PVC.
Luật sư cho rằng khi thẩm vấn 2 nhân chứng là thủ quỹ và nhân viên văn phòng của PVC cũng có lời khai nói ông Thanh không chỉ đạo lập quỹ.
Luật sư Nguyễn Quốc Hùng bào chữa cho bị cáo Trịnh xuân Thanh - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Luật sư cũng cho rằng cần đánh giá lại việc bị cáo Thanh tham ô 4 tỉ đồng: Trước đó, 2 lái xe (của các bị cáo Nguyễn Anh Minh và Trịnh Xuân Thanh) đều khai không nhớ gì. Nhưng đến đầu tháng 12-2017 thì bỗng nhiên nhớ lại tất cả và rất chi tiết về ngày 13-1-2012.
"Tuy nhiên, bằng chứng đã chứng minh ngày đó ông Thanh đi công tác tại TP.HCM, và thời gian ông Thanh nhận tiền như lời khai của các nhân chứng là thời gian ông Thanh đang trên đường ra sân bay. Đây chính là chứng cứ ngoại phạm của bị cáo Thanh", luật sư lập luận.
"Tại sao cơ quan điều tra không truy xuất các cuộc gọi của các lái xe với nhau và giữa lái xe của và bị cáo Thanh?"
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh còn suy đoán và cho rằng có thể chứng minh chính ông Nguyễn Anh Minh là người chỉ đạo rút tiền, lấy tiền và giao cho người khác đưa tiền trực tiếp cho mình.
Luật sư cũng chia sẻ rằng trong quá trình điều tra, bị cáo Thanh có tâm sự rằng không loại trừ khả năng bị cáo Minh đổ lỗi cho mình vì thời gian đó bị cáo Thanh đang bỏ trốn.
Do đó, luật sư đề nghị tòa xem xét cẩn trọng các cáo buộc của VKS, đề nghị tuyên bị cáo Trịnh Xuân Thanh không phạm tội tham ô tài sản.
Sai phạm của bị cáo Trịnh Xuân Thanh theo cáo trạng truy tố - Thực hiện: TTO
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh có quyền im lặng
Trước đó, bào chữa cho tội cố ý làm trái khi PVC không đủ năng lực để làm tổng thầu của dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, luật sư cũng cho rằng bản luận tội của VKS với hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh là không đủ căn cứ.
Theo luật sư, điều lệ PVC quy định ông Thanh không đủ thẩm quyền đề nghị ông Vũ Đức Thuận (nguyên tổng giám đốc PVC) ký hợp đồng 33. Việc ký thì ban tổng giám đốc buộc phải có tờ trình, mà ban quản trị có tới 5 thành viên, nên cáo buộc ông Thanh là người chỉ đạo là không đúng theo điều lệ.
Luật sư một lần nữa nhắc lại việc các điều tra viên kết luận ông Thanh "quanh co chối tội" trong quá trình điều tra.
"Quy định về suy đoán vô tội đã quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng. Người bị buộc tội không có trách nhiệm chứng minh minh vô tội và người bị buộc tội có quyền im lặng", luật sư nói.
Trước đó trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát khẳng định việc truy tố bị cáo Trịnh Xuân Thanh 2 hành vi là có căn cứ, dù bị cáo Thanh không thừa nhận chỉ đạo và chiếm đoạt tiền của PVC nhưng những tài liệu thu thập được cho thấy có việc này.
VKS cũng đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Thanh án tù chung thân cho hai tội danh tham ô và cố ý làm trái.
* Phiên tòa vẫn đang tiếp tục