Pháp luật

Đại án Phạm Công Danh: lương 3 triệu vẫn vay được mấy trăm tỉ

TTO - Trong vụ làm giả hồ sơ vay 4.700 tỉ đồng, có người lương chỉ 3 triệu đồng nhưng đứng tên vay hàng trăm tỉ và cho biết "bảo ký thì ký chứ có biết sao đâu".

Đại án Phạm Công Danh: lương 3 triệu vẫn vay được mấy trăm tỉ - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Công Danh trong phiên toà sáng nay - Ảnh: HỮU THUẬN

Sáng 12-01, Hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi các bị cáo liên quan tới việc lập hồ sơ giả để vay các ngân hàng hàng ngàn tỉ đồng.

Lương ba triệu đồng, đứng tên vay trăm tỉ

Hội đồng xét xử hỏi nhóm các bị cáo đứng tên doanh nghiệp vay 4.700 tỉ, hầu hết các bị cáo khẳng định chỉ biết ký tên, không biết nội dung gì, không được hưởng lợi gì.

Có bị cáo lương hơn 3 triệu/tháng, được bị cáo Danh nhờ đứng tên chủ doanh nghiệp, ký tên vay hàng trăm tỷ đồng.

Chủ toạ hỏi: "Lương của bị cáo có hơn 3 triệu, vay mấy trăm tỷ thì biết bao giờ trả được nợ?

Một bị cáo trả lời: "Bị cáo chỉ được nhờ đứng tên, bảo ký thì ký chứ có biết sao đâu!".

Tại tòa, đại diện Viện kiểm soát cũng đã hỏi điều tra viên của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an lý do chưa thu hồi khoản tiền 6.100 tỉ đồng theo yêu cầu của VKSND Tối cao.

Điều tra viên cho rằng, văn bản của VKSND Tối cao chưa có nêu cơ chế thu hồi cụ thể nên chưa thể thực hiện.

Nhóm bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới ngân hàng BIDV, khi được hỏi đều trả lời "làm đúng" quy định và cho rằng "có thiếu sót cũng chỉ là sơ suất chứ không cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng". 

Các bị cáo thuộc nhóm này khẳng định, hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp mà Phạm Công Danh đứng sau "giật dây" đều có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định. 

"Tại sao theo quy định phải có kiểm tra, thẩm định hồ sơ vay vốn, phương án trả nợ và kiểm tra tiền giải ngân có được thực hiện theo phương án hay không, các bị cáo không thực hiện?", chủ tọa hỏi.

Các bị cáo trong nhóm này mỗi người có câu trả lời khác nhau, nhưng cơ bản đều khẳng định họ "Làm đúng, chỉ hơi chủ quan, thiếu sót".  

Ông Đoàn Ánh Sáng, Phó tổng giám đốc BIDV, được tòa mời lên trả lời về vai trò liên quan tới các khoản vay của các bị cáo tại BIDV. 

Ông Sáng cho rằng mình chỉ trả lời về vai trò cá nhân, còn vai trò của BIDV sẽ do người đại diện được ủy quyền.

Ông Sáng khẳng định mình chưa từng tiếp xúc riêng với các bị cáo Danh và Mai để bàn bạc hay thống nhất gì về các khoản vay liên quan, và mọi hoạt động vào thời điểm đó "theo quy trình được thống nhất, thoả thuận trên nguyên tắc hợp tác giữa các ngân hàng và khách hàng".

Ông Sáng cho biết mình chỉ giữ vai trò Thành viên Phân ban rủi ro, làm mọi việc theo quy trình, quy định pháp luật.

"Tôi chưa đọc kỹ nên cũng chưa khẳng định chắc chắn. Nhưng tôi nhận thấy mình có trách nhiệm chưa kiểm tra, giám sát việc giải ngân cho VNCB theo quy định", ông Sáng nói về vai trò của mình trong vụ án. 

Đại án Phạm Công Danh: lương 3 triệu vẫn vay được mấy trăm tỉ - Ảnh 3.

Bị cáo Trầm Bê thường ngó tìm người thân mỗi khi được dẫn giải trong phiên toà - Ảnh: HỮU THUẬN

Phạm Công Danh: Đúng nhưng chưa đủ

Khi được chủ tọa phiên toà hỏi về trách nhiệm trong việc làm giả hàng loạt hồ sơ để vay 4.700 tỉ đồng của BIDV, bị cáo Phạm Công Danh xác nhận: "Cáo trạng truy tố đúng nhưng chưa đủ".

Theo bị cáo Danh, vào thời điểm tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín, tình trạng của ngân hàng này đã rất xấu, "mỗi ngày lỗ 5-7 tỉ đồng".

Trong các cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước, Phạm Công Danh khai rằng mình đã xin giãn tiến độ tăng vốn điều lệ, để có thời gian xử lý, giúp ngân hàng thoát khỏi tình trạng thua lỗ triền miên và vực dậy hoạt động nhưng không được chấp thuận.

"Tôi đã trình bày, cung cấp chứng từ trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh 2.700 tỉ đồng và nêu ra nhiều khó khăn khác để xin giãn tiến độ, nhưng đại diện Ngân hàng Nhà nước chỉ trả lời: 'Phải tăng vốn điều lệ, còn làm thế nào là việc của doanh nghiệp, của ngân hàng'. Từ sự thúc ép, áp lực đó dẫn tới các hành động sai lầm về sau. Tới nay, việc chi trả lãi ngoài cho ông Thanh cũng không được làm rõ", bị cáo Phạm Công Danh trình bày.

Theo đó, để có tiền nâng vốn điều lệ cho VNCB và trả lãi ngoài lên tới hàng ngàn tỉ đồng cho ông Trần Quý Thanh, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã làm giả nhiều bộ hồ sơ, gặp lãnh đạo các ngân hàng BIDV, Sacombank… để thuyết phục, vay hàng ngàn tỉ đồng.

Dù liên tục phải đưa ra ngoài để chăm sóc y tế trong các phiên xử trước đó, cũng như trong buổi sáng 12-01, nhưng bị cáo Danh vẫn một mực xin trình bày những bức xúc về việc phải chi trả lãi ngoài cho nhóm ông Trần Quý Thanh và sự thúc ép của ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử liên tục ngắt lời, yêu cầu bị cáo trả lời đúng câu hỏi và để… đảm bảo sức khỏe.

Nguyên Tổng giám đốc VNCB Phan Thành Mai xác nhận những nội dung liên quan tới việc "hiểu là bị thúc ép, buộc phải tăng vốn" như lời khai của ông Danh "là đúng".

"Phương án tái cơ cấu có chủ động đề xuất tăng vốn hay do bị ép?", chủ tọa hỏi.

"Đúng là ngân hàng chủ động đề xuất tăng vốn điều lệ, nhưng lúc này tăng vốn cũng chết, mà không tăng vốn cũng chết, đều dẫn tới phá sản. Phương án anh Danh đưa ra, là xin hoãn tiến độ nhằm cứu vãn hoạt động của ngân hàng bên bờ phá sản nhưng không được chấp nhận", bị cáo Mai trả lời. 

Khi được hỏi lại, bị cáo Danh tiếp tục khẩn thiết xin trình bày: "Lúc đó tôi có xin để cho tôi cứu ngân hàng, vì những người làm sai, làm lỗ là từ trước đó chứ không phải tôi thì đều không được chấp thuận".

Chủ tọa gọi bị cáo Phan Thành Mai hỏi: Có sự thúc ép từ Ngân hàng Nhà nước hay không?

"Theo cách hiểu thì đúng như vậy, các sự kiện đúng như anh Danh nói. Trong cuộc họp đó, anh Danh trình bày xin chia nhỏ giai đoạn tăng vốn điều lệ, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn yêu cầu phải thực hiện đúng theo phương án tái cơ cấu", bị cáo Mai đáp. 

Đại án Phạm Công Danh: lương 3 triệu vẫn vay được mấy trăm tỉ - Ảnh 4.

Đại diện Viện Kiểm sát thẩm vấn các bị cáo trong phiên toà - Ảnh: HỮU THUẬN

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        398,219       820