TTO - Ông Đinh La Thăng tiếp tục nhận trách nhiệm về sai phạm, xin hội đồng xét xử đánh giá lại thiệt hại của vụ án và xem xét cho những bị cáo cấp dưới.
Bị cáo Đinh La Thăng trong phiên xét xử ngày 9-1 - Ảnh: TTXVN
Ông Đinh La Thăng tiếp tục nhận trách nhiệm về sai phạm, xin hội đồng xét xử đánh giá lại thiệt hại của vụ án và xem xét cho những bị cáo cấp dưới - Clip: DƯƠNG LIỄU
Cuối ngày xét xử thứ 2 (9-1) vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm là một cuộc tranh cãi giữa các luật sư và giám định viên về quyết định giám định thiệt hại đối với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) khi tạm ứng cho Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) tiền nhưng bị PVC sử dụng sai mục đích.
Trả lời luật sư về kết luận giám định, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định khi nhận kết luận giám định thì ông không có thời gian để nghiên cứu kỹ vì đang ở trong trại giam.
Ông Đinh La Thăng tiếp tục nhận trách nhiệm về mình đối với những sai phạm đã xảy ra. Ông cũng nghẹn ngào khi nói lời đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) đánh giá lại thiệt hại của vụ án từ các hành vi của mình mà xem xét cho những bị cáo là cấp dưới của ông thời kỳ đó.
Ông Đinh La Thăng sáng 9-1 nhận trách nhiệm về những sai phạm trong việc chỉ định PVC làm tổng thầu - Video: HOÀNG ĐIỆP - NGUYỄN HIỀN - DƯƠNG LIỄU
Thiệt hại là tiền lãi!
Trước đó, luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng đã thẩm vấn giám định viên xác định thiệt hại của hành vi Cố ý làm trái của các bị cáo. Theo luật sư, bản kết luận giám định này xác định số tiền 1.115 tỉ đồng mà PVC được tạm ứng rồi mang đi trả nợ và đầu tư (sử dụng không đúng mục đích) đã được thu hồi toàn bộ tiền gốc.
Bản kết luận giám định của đại diện giám định viên Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư khẳng định, thời gian chiếm dụng số tiền của PVC này đã khiến cho số tiền không phát huy được tác dụng tối đa đối với doanh nghiệp. Do đó, kết luận giám định đã tính thiệt hại trên cơ sở tiền lãi huy động vốn do ngân hàng huy động tại thời điểm đó (tương đương 15%/năm).
Trước đó, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đặt câu hỏi với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (phó tổng giám đốc phụ trách kế toán - tài chính của PVN) về tiền trước khi chuyển cho PVC để trong tài khoản nào. Ông Sơn khẳng định tiền này để trong tài khoản thanh toán chứ không phải tài khoản tiền gửi.
Ông Sơn cũng khẳng định, tài khoản tiền gửi thanh toán thì lãi suất thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tài khoản tiền gửi. Cụ thể, ông Sơn cho biết, lãi suất với đồng đô la Mỹ là khoảng 0,2% còn tiền Việt Nam là 2%. Trong khi đó lãi suất tiền gửi là từ 12% trở lên.
Luật sư cũng hỏi bị cáo này về kết luận của giám định viên, việc tài khoản thanh toán có được coi là tài khoản tiền gửi không, có phù hợp với tư duy kinh doanh không. Ông Sơn nói kết luận như vậy không đúng bản chất về kinh tế.
Trong khi đó, giám định viên khẳng định việc tính toán mức lãi suất này là dựa trên nhiều căn cứ khác nhau, trong đó mức lãi suất thiệt hại là mức lãi suất trung bình. Trả lời luật sư Phạm Công Hùng về cơ sở pháp lý tính thiệt hại, giám định viên nói dựa vào Luật Doanh nghiệp.
Tiếp tục làm tổng thầu sao gọi là không có năng lực?
Đây là câu hỏi mà luật sư Nguyễn Huy Thiệp đặt ra đối với đại diện nguyên đơn dân sự - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Sở dĩ ông Thiệp đặt câu hỏi này là bởi, trong cáo trạng và quá trình xét xử một số bị cáo đều xác định PVC không đủ năng lực để thực hiện dự án và "nợ nần đầm đìa". Luật sư Thiệp đã hỏi đại diện PVN về tổng thầu sau đó của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 thì không nhận được câu trả lời của đại diện PVN.
Ông Thiệp cho rằng căn cứ trên hồ sơ mà ông có, sau đó PVC tiếp tục làm tổng thầu của dự án này. "Như vậy, nếu xác định PVC không đủ năng lực thì có thể tiếp tục làm tổng thầu được không?"
Luật sư này khẳng định sẽ tiếp tục nêu vấn đề này trong phần tranh luận.
Về điểm này, cáo trạng xác định các bị cáo tại PVN đã cố ý làm trái khi chỉ định thầu dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đối với đơn vị thiếu năng lực là PVC dẫn đến PVC nhận tiền tạm ứng 1.115 tỉ đồng và sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, sau đó PVC đã hoàn trả lại số tiền này.