Pháp luật

Người gần nửa đời mang thân phận bị can sẽ được xin lỗi

TTO - Sau gần 33 năm kể từ khi ông Nguyễn Lâm Sáu bị giam oan rồi được tạm tha, đến nay Công an tỉnh Đắk Lắk thống nhất sẽ tổ chức buổi xin lỗi công khai tại nơi ông cư trú.

Người gần nửa đời mang thân phận bị can sẽ được xin lỗi - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Lâm Sáu và tờ lệnh tạm tha, ký ngày 24-11-1985 - Ảnh: B.D.

Đại tá Nguyễn Thế Lực - phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk xác nhận với phóng viên Tuổi Trẻ như vậy sáng 9-1.

Ông Nguyễn Lâm Sáu (78 tuổi, trú phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) là nhân vật trong bài viết "Gần nửa đời mang thân phận bị can". 

Sau gần 33 năm kể từ khi ông Sáu bị giam oan rồi được tạm tha, đến nay Công an tỉnh đã thống nhất sẽ tổ chức buổi xin lỗi công khai tại nơi ông cư trú.

Theo đó, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk giao nhiệm vụ cho phòng An ninh Kinh tế và An ninh Điều tra chuẩn bị để tổ chức buổi xin lỗi công khai, dự kiến diễn ra vào tuần sau. 

Cũng theo đại tá Lực, Công an tỉnh đang làm các bước chuẩn bị xin lỗi theo đúng quy định, đảm bảo tính công khai và minh bạch. 

"Sau đó giữa công an tỉnh và ông Sáu mới tiến hành các bước thương lượng về bồi thường vật chất, tinh thần thời gian ông bị oan sai" - đại tá Lực nói.

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, sau khi đi học ở Liên Xô về, ông Sáu được điều động vào Đắk Lắk công tác tại nông trường Ea Kao (hiện nay đã giải thể). Ông phát hiện nhiều sai phạm, tiêu cực nên đã làm đơn tố cáo đến các cấp chính quyền... 

Thanh tra tỉnh Đắk Lắk sau đó đã kết luận nội dung tố cáo của ông là đúng sự thật. Tuy nhiên, ông không được biểu dương mà cuộc sống gia đình, công việc lại càng trở nên sóng gió. Ông bị cho nghỉ việc, vợ bị cắt lương...

Ngày 14-11-1985, cơ quan Công an tỉnh Đắk Lắk đã khám xét và thu giữ tại nhà ông một chai dầu cam 65ml (đã hỏng). Ông Sáu bị bắt vì phạm tội buôn bán hàng cấm. Mười ngày sau, tức ngày 24-11-1985, ông Bùi Văn Nhị, quyền trưởng phòng an ninh kinh tế - văn hóa Công an tỉnh Đắk Lắk, ký lệnh "tạm tha" đối với ông Sáu.

Lệnh ghi rõ: bị can Nguyễn Lâm Sáu phải trình lệnh này với địa phương và khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị can phải đến đúng ngày giờ quy định. Từ đó đến nay không một lần cơ quan công an triệu tập để làm rõ hành vi phạm tội hoặc trả tự do cho ông.

Từ năm 2006 đến nay, ông Sáu đã gửi hàng ngàn lá đơn kêu cứu. Cũng đã có hàng chục văn bản của các cơ quan trung ương như Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Trung ương Đảng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội... gửi UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc của ông Nguyễn Lâm Sáu. Đích thân phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã hai lần gửi công văn, thư tay vào năm 2008 và 2010 đến chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk lúc bấy giờ yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ khiếu nại này.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã ra văn bản khẳng định Công an tỉnh Đắk Lắk đã có những sai sót trong việc bắt ông Sáu và yêu cầu công an tỉnh phải tổ chức gặp gỡ đối thoại, ra văn bản chính thức xin lỗi, bồi thường thiệt hại...

Đến nay, Công an tỉnh Đắk Lắk thừa nhận thủ tục "tạm tha" khiến ông Sáu mang thân phận bị can hơn 30 năm qua là sai và quyết định sẽ xin lỗi…

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        342,440       1,633