Pháp luật

Cần làm rõ vì sao Vũ 'Nhôm' có 3 hộ chiếu

TTO - Theo Bộ Nội vụ Singapore, Phan Văn Anh Vũ bị bắt giữ khi dùng hộ chiếu mang tên giả trong khi còn mang 2 hộ chiếu khác, trong đó có 1 hộ chiếu mang tên thật. Vì sao?

Cần làm rõ vì sao Vũ Nhôm có 3 hộ chiếu - Ảnh 1.

Một xe biển xanh rời khỏi sân bay quốc tế Nội Bài bằng cổng VIP sau khi chiếc máy bay số hiệu VN 662 hạ cánh và ông Vũ "nhôm" (ảnh nhỏ) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH - TRƯỜNG TRUNG

Sau 14 ngày phát lệnh truy nã, chiều qua 4-1, Bộ Công an chính thức thông báo Cơ quan an ninh điều tra đã tiếp nhận, bắt bị can Phan Văn Anh Vũ và tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Lúc 15h40, chuyến bay mang số hiệu VN662 của Vietnam Airlines xuất phát từ sân bay Changi (Singapore) chở Phan Văn Anh Vũ đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội).

Bị bắt giữ vì dùng hộ chiếu giả

Ngày 4-1, trả lời Tuổi Trẻ qua email, Bộ Nội vụ Singapore xác nhận đã trục xuất Phan Văn Anh Vũ về Việt Nam. Bộ Nội vụ Singapore cho biết ông Vũ bị bắt vào ngày 28-12-2017 với cáo buộc vi phạm đạo luật nhập cư Singapore. 

Ông Vũ nhập cảnh vào Singapore với hộ chiếu Việt Nam nhưng không đúng tên thật của mình. Trong khi ông Vũ cũng mang theo trong người một hộ chiếu Việt Nam với tên thật của mình. Ông Vũ lúc đó còn mang theo một hộ chiếu thứ ba.

Theo Bộ Nội vụ Singapore, so sánh với lần nhập cảnh gần nhất vào Singapore cũng như những lần nhập cảnh vào Singapore trước đây, ông Vũ đã khai gian dối với ICA và cơ quan này đã hoàn tất các điều tra riêng của mình.

"Phan Văn Anh Vũ cũng đã bị cảnh cáo nghiêm khắc thay cho việc khởi tố. ICA đã hủy quyền du lịch và trục xuất ông Phan Văn Anh Vũ ra khỏi Singapore theo quy định của đạo luật nhập cư Singapore. 

ICA đã yêu cầu Phan Văn Anh Vũ quay về Việt Nam, nơi đầu tiên ông rời khỏi trước khi nhập cảnh vào Singapore cũng là nơi cấp hộ chiếu mang tên ông", Bộ Nội vụ Singapore trả lời Tuổi Trẻ.

Hộ chiếu bị hủy

Trước đó, trang web của ICA ngày 2-1 cho biết nước này đã bắt giữ một người có tên Phan Van Anh Vu vào ngày 28-12-2017. Thông báo chỉ có một dòng cho hay người tên Phan Van Anh Vu bị bắt vào ngày 28-12-2017 vì vi phạm đạo luật nhập cư Singapore.

Ngày 3-1, luật sư Reme Choo Zheng Xi đã được cấp phép gặp ông Phan Van Anh Vu, người đang bị ICA tạm giữ. Cung cấp thông tin cho Tuổi Trẻ, luật sư Reme Choo Zheng Xi xác nhận ông Phan Van Anh Vu chính là Vũ "nhôm".

Theo ông Reme, khoảng 11h ngày 28-12, khi ông Vũ đang làm thủ tục xuất cảnh từ Singapore qua Malaysia tại cửa khẩu tiếp giáp với bang Johor của Malaysia thì bị ICA giữ lại. 

Ông Reme cho biết hộ chiếu của ông Vũ đã bị Việt Nam hủy nên không còn hợp pháp vào trước thời điểm ông Vũ làm thủ tục sang Malaysia.

Như đã thông tin, ngày 21-12, Bộ Công an đã ra lệnh khởi tố bị can ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") về hành vi "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước", đồng thời triển khai lực lượng khám xét nhà của Vũ "nhôm" tại Đà Nẵng nhưng ở thời điểm này Vũ không có mặt.

Sau đó, cơ quan công an đã phát lệnh truy nã quốc tế để truy bắt Phan Văn Anh Vũ.

Về thông tin của cơ quan chức năng Singapore việc Vũ "Nhôm" bị phát hiện đang mang 3 hộ chiếu khi bị bắt giữ tại nước này, tiến sĩ Trần Thăng Long - Trường đại học Luật TP.HCM nói: Cơ quan điều tra cần làm rõ các hộ chiếu của Vũ là thật hay giả. 

Theo thông tin từ phía Singapoer, trong 3 hộ chiếu của Vũ có 1 hộ chiếu mang tên thật là Phan Văn Anh Vũ, 1 hộ chiếu mang tên khác nhưng cũng vẫn là hộ chiếu từ Việt Nam. 

Ngoài ra, Vũ còn một hộ chiếu khác nhưng phía nước bạn không cung cấp rõ hộ chiếu này mang tên gì, do quốc gia nào cấp.

Theo quy định, mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp hộ chiếu với chính tên mình, vậy tại sao Vũ lại có đến 2 hộ chiếu? Hộ chiếu này là thật hay giả? Do cơ quan nào cấp? Đó là những vấn đề mà cơ quan điều tra cần phải làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Vũ ‘nhôm’ đã bị bắt, việc điều tra tiến hành ra sao? Vũ ‘nhôm’ đã bị bắt, việc điều tra tiến hành ra sao? Singapore có thể đơn phương trục xuất Vũ Singapore có thể đơn phương trục xuất Vũ 'nhôm' Tại sao Vũ Tại sao Vũ 'nhôm' mua được nhiều đất công?
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        399,058       597