Pháp luật

Một bản án tử hình thiếu thuyết phục

TTO - Việc TAND tỉnh Đắk Nông tuyên án tử hình bị cáo Đặng Văn Hiến trong vụ 3 người Công ty Long Sơn bị bắn chết khiến dư luận cho rằng bản án thiếu thuyết phục.

Một bản án tử hình thiếu thuyết phục - Ảnh 1.

Từ trái qua: Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường sau khi tòa tuyên án - Ảnh: TRUNG TÂN

Như đã thông tin, ngày 3-1, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông tuyên các mức án đối với các bị cáo trong vụ nổ súng làm 3 người chết vì tranh chấp đất giữa các hộ dân với công ty TNHH thương mại và đầu tư Long Sơn tại tại tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông.

Theo bản án, bị cáo Đặng Văn Hiến - người nổ súng bắn vào đoàn cưỡng chế đất của công ty Long Sơn khiến 3 người chết đã bị tòa kết án tử hình.

Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến của giới chuyên môn về vụ án này.

Phải xem xét nguyên nhân, điều kiện phạm tội

Một bản án tử hình thiếu thuyết phục - Ảnh 2.

TS Đinh Thế Hưng

Không ai cổ vũ cho việc dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, tuy nhiên qua vụ án này còn nhiều vấn đề cần phải bàn đến nhưng chưa được nêu ra tại tòa. Đó là nguyên nhân và điều kiện phạm tội của các bị cáo.

Vụ án xảy ra vì tranh chấp đất đai kéo dài nhưng chính quyền địa phương lại không có biện pháp giải quyết triệt để. Công ty Long Sơn có sai phạm gì hay không vẫn chưa được làm rõ. 

Việc Công ty Long Sơn cưỡng chế đất bằng cách huy động công nhân, bảo vệ mang vũ khí, xe đi ủi cây cà phê, điều trên diện tích đất gia đình ông Thắng, ông Hiến canh tác là đúng hay sai? Việc cưỡng chế này đã được chính quyền đồng ý hay chưa? 

Nếu những vấn đề này chưa được làm rõ thì không đánh giá hết được bản chất khách quan của vụ án. Từ đó dẫn đến những ý kiến băn khoăn khi lượng hình. Ngoài ra, nếu làm rõ những vấn đề nêu trên thì có thể áp dụng là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Trong vụ án này, ông Hiến và gia đình mang tâm lý bức xúc từ lâu vì tranh chấp đất đai. Tuy nhiên Công ty Long Sơn lại cho người vào cưỡng chế đất dẫn đến hậu quả vụ án xảy ra. 

Việc tìm ra tâm lý của người phạm tội là cách giải quyết để ngăn chặn kịp thời các hành vi tương tự sẽ diễn ra.

Thông qua vụ án này, tôi muốn nhấn mạnh một điều: pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do của công dân không bị xâm phạm bởi sự tùy tiện của công quyền. Công dân được tự do sở hữu những tài sản thuộc về mình. 

Ngược lại, xã hội sẽ bất an và rối loạn nếu người dân luôn cảm thấy lo lắng khi pháp luật và người thi hành pháp luật vô tình hay hữu ý đem đến cho họ sự rủi ro bất cứ lúc nào. Từ đó, xung đột chung - riêng dẫn đến sự rủi ro cho ai đó là điều khó tránh khỏi.

TS ĐINH THẾ HƯNG - Trưởng phòng pháp luật hình sự Viện Nhà nước và pháp luật, Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN

Cần xem xét tội danh phù hợp

Một bản án tử hình thiếu thuyết phục - Ảnh 3.

Ông Vũ Phi Long

Trong vụ án này, tòa cần đánh giá toàn diện, xét xử đúng pháp luật, thuyết phục, hợp lý hợp tình. Tòa án tối cao đã có hướng dẫn đánh giá về bức xúc, tích tụ, dồn nén trong quá trình mà người phạm tội phải chịu để làm cơ sở xem xét tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Tòa án cần xem xét về tội danh cho phù hợp với tính chất của vụ án. Tòa sơ thẩm đã không đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo Hiến là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do chuỗi hành vi trái pháp luật của nạn nhân.

Trong trường hợp cụ thể này, Công ty Long Sơn đã có hành vi trái pháp luật đối với bị cáo Hiến (và các bị cáo khác). Đã có 2 bị cáo thuộc Công ty Long Sơn bị tòa xét xử về tội danh hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác. 

Hành vi của Công ty Long Sơn tại thời điểm tổ chức lực lượng (đông người, trang bị khiên chắn, dao rựa...) để phá hoa màu, quyết tâm lấy đất của bị cáo Hiến rõ ràng là trái pháp luật. 

Hành vi đó thể hiện sự bất chấp, coi thường quyền bảo vệ tài sản, quyền an cư lạc nghiệp, bất chấp nguyện vọng của người dân.

Trước đó, sự tranh chấp, va chạm từ Công ty Long Sơn với gia đình Hiến đã xảy ra khiến sự bức xúc cho Hiến tích tụ, âm ỉ. Do vậy, thời điểm Long Sơn tổ chức lực lượng hùng hậu để quyết "ăn thua đủ" đã kích động các bức xúc đó bùng lên. 

Tình huống Hiến bắn cảnh cáo nhưng nhóm nhân viên Long Sơn vẫn dùng đá tấn công tới tấp khiến Hiến không thể kiềm chế, kích động tinh thần. Chính hành vi trái pháp luật của nạn nhân là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội một cách kích động, quyết liệt của bị cáo.

Ông VŨ PHI LONG - nguyên phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM

Mức án tử hình thiếu thuyết phục

Một bản án tử hình thiếu thuyết phục - Ảnh 4.

TS Phan Anh Tuấn

Mức án áp dụng cho bị cáo Hiến cần phải đánh giá nguyên nhân phạm tội, cân nhắc các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Phía Công ty Long Sơn đã có hành vi trái pháp luật là hủy hoại tài sản của Hiến và của những người khác nên phó giám đốc và nhân viên của Công ty Long Sơn đã bị tòa án kết án tù về tội này. 

Khi Hiến nổ súng bắn chỉ thiên, người của Công ty Long Sơn cầm đá (đã chuẩn bị từ trước) ném lại dẫn đến Hiến bắn vào người của công ty. 

Do đó, có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ "phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại" (điểm đ khoản 1 điều 46 BLHS năm 1999) cho bị cáo Hiến.

Bị cáo Hiến cũng không có tình tiết định khung tăng nặng "có tính chất côn đồ" như viện kiểm sát đã truy tố. Trong khi với các tình tiết của vụ án, Công ty Long Sơn chuẩn bị lực lượng (30 người, với công cụ, phương tiện...), bất chấp pháp luật, hủy hoại tài sản người khác. 

Đối diện với việc Hiến bắn cảnh cáo nhưng đám đông vẫn tấn công, rõ ràng hành xử của Công ty Long Sơn mới có tính chất "côn đồ" chứ không phải Hiến. Từ đó, việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "có tính chất côn đồ" đối với bị cáo Hiến là không có cơ sở.

Như vậy, bị cáo Hiến chỉ có một tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người". 

Trong khi Hiến lại có tình tiết giảm nhẹ "phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại", bị cáo đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải thì không cần thiết phải áp dụng hình phạt ở mức cao nhất là tử hình đối với bị cáo.

Cũng lưu ý trong vụ án này, nguyên nhân phát sinh tội phạm còn do sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương không giải quyết mâu thuẫn phát sinh từ lâu giữa người dân với Công ty Long Sơn. 

Nếu giải quyết mâu thuẫn này ngay từ đầu thì đã không thể xảy ra vụ giết người với nhiều người chết như thế. Bên cạnh đó, Công ty Long Sơn cũng có lỗi trong vụ án này.

TS PHAN ANH TUẤN - trưởng bộ môn luật hình sự ĐH Luật TP.HCM

Người bắn chết 3 bảo vệ công ty Long Sơn bị tuyên tử hình Người bắn chết 3 bảo vệ công ty Long Sơn bị tuyên tử hình Nổ súng vì công ty Long Sơn cho san ủi, phá rẫy của người dân Nổ súng vì công ty Long Sơn cho san ủi, phá rẫy của người dân Vụ bắn chết 3 người tranh chấp đất: Truy tố phó giám đốc công ty Long Sơn Vụ bắn chết 3 người tranh chấp đất: Truy tố phó giám đốc công ty Long Sơn
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        399,082       664