Pháp luật

Chết 5 năm mới được minh oan tội giết vợ

TTO - Bị bắt với cáo buộc giết vợ, phải ngồi tù 11 năm dù không có xét xử, ông Mưu Quý Sường mang thân phận bị can ròng rã 36 năm rồi phải ôm nỗi oan giết vợ xuống mồ.

Chết 5 năm mới được minh oan tội giết vợ - Ảnh 1.

Vợ con ông Mưu Quý Sường đặt các quyết định lên bàn thờ để thông báo cho ông Sường biết ông đã được minh oan - Ảnh: THÂN HOÀNG

Đó là câu chuyện hy hữu của ông Mưu Quý Sường, sinh năm 1944, trú thôn Gốc Vối, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang.

Ngày 3-1, Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án giết người xảy ra tại thôn Gốc Vối từ năm 1977 và quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Mưu Quý Sường.

Thượng tá Dương Thanh Nghị - phó chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra đã đại diện Công an tỉnh Bắc Giang trao các quyết định cho anh Mưu Văn Lợi - con trai ông Sường.

Bị bắt về tội giết vợ

Theo hồ sơ vụ việc, 41 năm trước, khoảng tháng 9-1977, sau khi làm việc tại hợp tác xã, ông Sường trở về nhà nhưng không thấy vợ đâu. Tìm kiếm cả buổi, ông Sường đau đớn phát hiện thi thể bà Hoàng Thị Múi dưới con suối gần nhà.

Cho rằng trong lúc gánh phân ra đồng, khi qua cầu tre bắc ngang con suối có thể vợ mình đã ngã và thiệt mạng, ông Sường cùng người thân đưa thi thể bà Múi về lo hậu sự.

Nhưng khi thi thể vợ chưa được khâm liệm, đám tang chưa kịp tổ chức thì bất ngờ công an ập đến đọc lệnh bắt ông Sường vì nghi ông là thủ phạm giết vợ. Lúc này con gái lớn của ông mới lên 5 tuổi, con trai bé mới 6 tháng tuổi.

Sau đó ông Sường được đưa đến trại giam Kế giam giữ. 

Ông Sường bị giam tại đây suốt 7 năm 4 tháng nhưng cơ quan công an không ra kết luận điều tra và không có một phiên tòa nào diễn ra.

Trong thời gian ở tù, ông Sường được phân làm buồng trưởng buồng F3. Sau khi bị giam hơn 7 năm, trong buồng giam của ông Sường xảy ra vụ phạm nhân đánh nhau và ông Sương bị khởi tố và bị xử 4 năm tù giam.

Không được giải oan vì hết thời hiệu?

Sau khi bị giam hơn 11 năm, ông Sường được thả ra mà không biết mình có phạm tội giết vợ hay không. Ông trở về quê thì nhà cửa, đất đai trước đây đã không còn, 2 đứa con của ông được người thân mang sang Trung Quốc nuôi dùm.

Ông Sường quay trở lại cuộc sống với hai bàn tay trắng và tội danh giết vợ lơ lửng trên đầu. Ông sống trong cảnh lang thang, không nhà cửa, không tiền, không người thân bên cạnh và chịu sự ghẻ lạnh của người đời.

Sau những ngày sống vất vưởng khổ cực, ông Sường may mắn gặp được người phụ nữ đem lòng yêu thương mình là bà Vi Thị Cú, trú xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn. 

Bà Cú cũng có hoàn cảnh éo le, chồng mất sớm và một mình nuôi bốn đứa con nhỏ.

"Lúc đấy tôi cũng chỉ nghĩ thôi thì cùng cảnh khổ, hai cuộc đời gá lại về ở với nhau để chung lưng nuôi con. Gia đình nhà tôi, nhà chồng cũ của tôi phản đối kịch liệt. 

Bố mẹ tôi còn dọa từ mặt con vì tôi lấy một người bị đi tù về tội giết vợ. Nhưng lúc đấy ông Sường khóc nhiều lắm và khẳng định mình bị oan, tôi tin ông ấy nên bỏ qua hết miệng đời đay nghiến cay nghiệt để đến với nhau", bà Cú nhớ lại.

Năm 2008, vợ chồng ông Sường gặp được một người đang làm ở Viện KSND huyện Lục Ngạn và được hướng dẫn làm đơn kêu oan. 

"Nhà lúc đấy nghèo lắm, vay mượn được đồng nào là ông ấy lại làm đơn rồi bắt xe xuống tỉnh kêu oan. Có lúc tôi định khuyên chồng bỏ cuộc nhưng cứ thấy ông ấy hằng đêm day dứt không ngủ được rồi uất hận ôm vợ khóc là tôi lại cố", bà Cú kể.

Mòn mỏi chờ đợi, tháng 8-2008 ông Sường nhận được văn bản trả lời của Công an tỉnh Bắc Giang. 

Bao hi vọng cho việc được giải oan của ông như bị dội gáo nước lạnh. Công an tỉnh Bắc Giang trả lời rằng theo quy định, vụ việc của ông Sường đã hết thời hiệu để xem xét yêu cầu giải quyết bồi thường.

Ông Sường tiếp tục đội đơn gõ cữa khắp các cơ quan tố tụng kêu oan. 

Tháng 11-2008 Viện KSND tỉnh Bắc Giang tiếp tục có văn bản trả lời. Nội dung văn bản này nêu việc ông Sường cho rằng năm 1977 bị Công an tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang) bắt giam oan sai vì tình nghi giết vợ là có cơ sở vì kết thúc điều tra mà cơ quan điều tra không có đủ căn cứ để kết luận ông phạm tội giết người.

Tuy nhiên Viện KSND tỉnh Bắc Giang cũng khẳng định việc bồi thường cho ông đã hết thời hiệu xem xét với lý do: Trường hợp oan sai của ông xảy ra trước ngày 1-7-1996, theo quy định tại nghị quyết 388  của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI thì để áp dụng nghị quyết này trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại do bị oan sai thì đơn yêu cầu bồi thường của ông phải được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày nghị quyết có hiệu lực (tức là trước ngày 1-4-2003) nhưng chưa được giải quyết.

Từ khi được trả tự do đến ngày 27-5-2008 ông mới gửi đơn đến Viện KSND tỉnh Bắc Giang đề nghị giải quyết việc ông bị bắt, giam oan sai nên không có cơ sở giải quyết.

Chết 5 năm mới được minh oan

Chết 5 năm mới được minh oan tội giết vợ - Ảnh 2.

Công an tỉnh Bắc Giang trao các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can cho con trai ông Sường - Ảnh: THÂN HOÀNG

Ròng rã kêu oan mà không được giải quyết, ông Sường buồn chán và sinh bệnh tật. Sau một thời gian dài mắc bệnh ung thư, ông Sường qua đời vào năm 2013. Ông chết vào đúng ngày cưới đứa con gái út của mình. Ông chết khi nỗi oan giết vợ thấu trời vẫn chưa được giải.

"Những ngày cuối đời, chồng tôi sống trong nỗi day dứt và đau đớn vì không được minh oan. Khi nhắm mắt, ông còn cố dặn dò tôi tiếp tục kêu oan và mong một ngày nào đấy sẽ thực hiện được để các con, các cháu sau này không phải mang tiếng với người đời", bà Cú nhớ lại.

Tưởng chừng nỗi oan sẽ theo ông Sường vùi sâu dưới nấm mồ thì đến tháng 9-2016, bà Cú xem ti vi và biết đến trường hợp của tử tù Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh mang thân phận tử tù đã 43 năm mà vẫn được minh oan. 

Thấy vụ việc giống câu chuyện của chồng, bà Cú mò mẫm nhờ người tìm đến nhà ông Thêm để hỏi cách kêu oan.

Nhờ ông Thêm chỉ dẫn, bà Cú tìm đến ông Nguyễn Văn Hòa - phó giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi và được ông Hòa nhận lời đi kêu oan miễn phí giúp ông Sường.

Ông Hòa đã gửi đơn đến Bộ Công an, Công an tỉnh Bắc Giang, Viện KSND tỉnh đề nghị minh oan cho ông Sường. 

Sau gần 1 năm chờ đợi, ngày 3-1, Công an đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can vì "hành vi của bị can Mưu Quý Sường không cấu thành tội phạm giết người".

Giá như ông Sường được minh oan khi còn sống

Nhận các quyết định minh oan cho bố, anh Lợi rưng rưng: "Giá như bố tôi còn sống để nhận những quyết định này thì ngày hôm nay sẽ hạnh phúc hơn biết bao. Cả cuộc đời ông khốn cùng vì nỗi oan giết vợ không được giải.

Tôi về sẽ đặt các quyết định lên ban thờ thắp hương rồi đốt cho ông để nỗi oan sẽ tan ra và thấm vào đất, để ở thế giới bên kia ông được mỉm cười và không còn buồn khổ vì oan ức nữa".

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        399,239       115