TTO - Ông Trần Tiến Bình, giám đốc Công ty TNHH ôtô Thái Hòa (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), vừa có đơn tố cáo ông Huỳnh Văn Thiện (60 tuổi) - cán bộ pháp chế Công ty TNHH mua bán nợ Tích Tắc (TP.HCM) - có hành vi đe dọa để đòi nợ.
Ông Thiện (đứng giữa) dùng tay đánh ông Bình tại văn phòng luật sư - Ảnh: cắt từ clip ông Bình cung cấp
Theo bản án phúc thẩm ngày 21-1-2015 của TAND tỉnh Đắk Lắk, Công ty TNHH Thái Hòa phải trả cho bà Lê Thị Tám (36 tuổi, trú TP Buôn Ma Thuột) số tiền gần 1,2 tỉ đồng, trong đó tiền gốc (của hai khoản vay) là 1 tỉ đồng.
Bản án có hiệu lực, bà Tám làm đơn yêu cầu thi hành án nhưng Công ty Thái Hòa không thực hiện nên ngày 1-10, bà Tám bán khoản nợ trên cho Công ty Tích Tắc. Công ty này ra thông báo gửi đến Công an phường Tân An (TP Buôn Ma Thuột, nơi Công ty Thái Hòa đặt trụ sở), rồi đến gặp ông Bình.
"Tôi nợ bà Tám và đang khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm thì bỗng ông Thiện đến thông báo đã mua nợ. Do không hiểu biết hết pháp luật nên tôi đề nghị công ty sang văn phòng luật sư mà tôi ủy quyền để làm việc. Trong lúc đang nói chuyện thì ông Thiện đánh, đe dọa để buộc tôi trả nợ" - ông Bình nói.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Thiện thừa nhận có "bợp tai" ông Bình nhưng việc thu hồi nợ của đơn vị là đúng quy định của pháp luật. "Việc đánh nhau đúng sai ra sao có công an giải quyết. Hiện công ty mua nợ lại từ bà Tám nên chúng tôi là chủ nợ. Trong quá trình thương lượng, nói chuyện, ông Bình có thái độ xúc phạm, tôi có bợp tai một cái để cảnh cáo" - ông Thiện cho biết.
Theo ông Thiện, hiện Công ty Tích Tắc yêu cầu bà Tám rút đơn xin thi hành án từ chi cục thi hành án, việc thu hồi nợ sẽ do công ty thực hiện vì "cơ quan thi hành án làm quá chậm, không hết trách nhiệm".
Luật sư Tạ Quang Tòng - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Đắk Lắk - khẳng định khi một bản án có hiệu lực thì các đương sự có quyền thỏa thuận hoặc nhờ cơ quan thi hành án. Việc Công ty Tích Tắc rút đơn thi hành án là họ từ bỏ quyền của mình.
Theo luật sư Tòng, mọi bản án phúc thẩm đều có hiệu lực pháp luật ngay, việc khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm là việc riêng. Các đương sự phải có trách nhiệm thi hành bản án có hiệu lực pháp luật.
"Riêng việc đơn vị thu hồi nợ có hành vi đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để lấy tài sản thì sẽ bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản hoặc các tội phạm hình sự khác. Ông Bình và Công ty Thái Hòa chỉ có nghĩa vụ phải thi hành án (trả nợ) đối với cơ quan thi hành án. Còn các tổ chức, cá nhân khác thực hiện đòi nợ phải trên tinh thần thỏa thuận, tự nguyện" - luật sư Tòng phân tích.