Pháp luật

Phần lớn tài sản tham nhũng bị tẩu tán, không thể thu hồi

TTO - Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Năm 2016, tỉ lệ thu hồi chỉ đạt 38,3%.

Phần lớn tài sản tham nhũng bị tẩu tán, không thể thu hồi - Ảnh 1.

Ông Phạm Sỹ Quý (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Yên Bái) chỉ bị phát hiện thiếu trung thực khi báo chí, dư luận lên tiếng mạnh mẽ về biệt phủ xa hoa này - Ảnh: TL

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, đã đề nghị làm rõ các vụ nghi vấn về tài sản quan chức.

Hơn 1,1 triệu kê khai, chỉ phát hiện 5 không trung thực?

Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2017 số người đã kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn (1.113.422 người), nhưng chỉ xác minh đối với 78 người (giảm 81,4% so với năm 2016), kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm.

Trong khi đó, phản ánh của báo chí và cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý.

"Việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận… Thực trạng trên cho thấy biện pháp phòng ngừa này còn hình thức, hiệu quả thấp", Ủy ban Tư pháp nhận định.

"Số lượng tài sản tham nhũng chắc chắn không hề nhỏ"

Phần lớn tài sản tham nhũng bị tẩu tán, không thể thu hồi - Ảnh 2.

Đại biểu Phương Hoa cho biết nhiều nước xử lý tài sản bất minh của quan chức như xử lý với tài sản tham nhũng - ảnh: Việt Dũng

Trong đa số các trường hợp thì người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi tham nhũng mà không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm thì tài sản đó được coi là tài sản tham nhũng.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) cho biết, trong báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của cả Chính phủ và Ủy ban Tư pháp đều có chung nhận định: "tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi", "nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng được phát hiện, xử lý".

"Điều này có nghĩa số lượng tài sản do tham nhũng chắc chắn là không hề nhỏ. Việc thu hồi tài sản tham nhũng trong những năm qua đều tăng nhưng còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Năm 2016, tỷ lệ thu hồi chỉ đạt 38,3%", bà Hoa nói.

Bà Hoa dẫn quy định của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành: "Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu, trả lại cho chủ sở hữu, quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ nhà nước". 

Bộ luật Hình sự (năm 1999) cũng đã quy định: "Người phạm tội có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".

Vậy trường hợp xác minh được tài sản bất minh thì nên xử lý như thế nào? 

Theo Đại biểu Phương Hoa: "Trước hết cần phân biệt tài sản bất minh (tài sản không thể chứng minh tính hợp pháp) với tài sản tham nhũng. Tài sản tham nhũng là tài sản phải được chứng minh qua quá trình tố tụng hình sự".

"Khi đã xác minh được tài sản bất minh chính là tài sản tham nhũng thông qua xử lý bằng biện pháp hình sự, cần kiên quyết thu hồi triệt để trả lại cho chủ sở hữu, quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ nhà nước".

Vẫn theo đại biểu Phương Hoa, đối với tài sản do người thân đứng tên mà nghi ngờ là tài sản tham nhũng, trước hết cần khuyến khích họ nộp lại khối tài sản đó. 

Nếu họ không nộp, để thu hồi được tài sản này, trong các vụ án tham nhũng cần phải có cơ chế cho phép cơ quan tố tụng có quyền yêu cầu người thân của người phạm tội phải chứng minh tính hợp pháp đối với những tài sản thuộc sở hữu của họ.

Nếu những người này không thể chứng minh tính hợp pháp của các tài sản bị nghi ngờ thì có thể thu hồi thông qua việc kiện dân sự.

Trường hợp tài sản không thể chứng minh tính hợp pháp, nhưng không phải là tài sản tham nhũng, theo kinh nghiệm một số nước thì không xử lý bằng biện pháp hình sự. Thay vào đó có thể xem xét thu hồi tài sản thông qua quyết định hành chính hoặc kiện dân sự.

Cử tri muốn có luật "diệt" tham nhũng

Phần lớn tài sản tham nhũng bị tẩu tán, không thể thu hồi - Ảnh 4.

Đại biểu Minh Hiền nêu mong muốn của cử tri là đổi tên Luật Phòng chống tham nhũng thành Luật "diệt" tham nhũng - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) bày tỏ như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online. Theo bà Hiền, các cử tri cảm kích trước nỗ lực đấu tranh phòng chống tham nhũng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian qua.

Tuy nhiên nhiều cử tri nhận xét là là dù đã phòng chống bao nhiêu năm nay rồi mà tham nhũng vẫn cứ ngày càng lan rộng như vi khuẩn gây bệnh, tính chất vô cùng phức tạp, nên nếu chỉ phòng và chống thì vẫn chưa đủ.

Trong khi đó, trên thực tế các biệt phủ, biệt thự, khu trang trại, đất đai, nhà ở, các công ty sân sau của một bộ phận quan chức phần lớn đều do người dân phát hiện ra, báo chí phản ánh, cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Đã là "củi" thì tươi hay khô, cành lớn hay cành bé khi đã đưa vào "lò" rồi thì cũng đều là củi cả. Tham nhũng cũng thế, những đại án, những biệt phủ, khối tài sản trăm nghìn tỉ mà báo chí phanh phui, mạng xã hội lan truyền thời gian qua đã làm ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của dân trong công tác phòng chống tham nhũng. Không có vùng cấm nhưng quá nhiều thứ "ngoài vùng kiểm soát"

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền

"Một cử tri đã nói với tôi rằng lò cháy rồi, củi không thiếu. Vấn đề là ai sẽ là người đưa củi vào lò. Nếu đấu tranh cho lối sống xa hoa lãng phí của quan chức, những biệt phủ được xây từ tiền thuế của dân thì người dân chúng tôi chẳng nề hà chi trong thân phận là người kiếm củi... ", Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quy định một cách đầy đủ, toàn diện hơn về các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản giao dịch có giá trị lớn.

Cần quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai không trung thực, hoàn thiện các quy định và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, có lộ trình, thời hạn cụ thể để hoàn thành mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt.

Đối với những vụ việc kê khai tài sản, bổ nhiệm cán bộ mà dư luận xã hội và cử tri bức xúc, cần khẩn trương vào cuộc để thanh tra, kiểm tra, làm rõ có hay không có tiêu cực, tham nhũng để sớm kết luận, trả lời công luận, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Kê khai chỉ tổ tốn công, ích gì Kê khai chỉ tổ tốn công, ích gì 'Việc kê khai tài sản của cán bộ hiện nay rất buồn cười!' Kê khai mà không xác minh sao phát hiện được tài sản bất thường? Kê khai mà không xác minh sao phát hiện được tài sản bất thường?
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        404,226       179