Pháp luật

'Có dấu hiệu công an làm ngơ cho các sới bạc'

TTO - Đó là thông tin được đại tá Phạm Văn Tám - phó cục trưởng Cục cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an) - cho biết tại hội nghị tổng kết cao điểm tấn công tội phạm trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên.

Có dấu hiệu công an làm ngơ cho các sới bạc - Ảnh 1.

Đại tá Phạm Văn Tám – phó cục trưởng Cục Cảnh sát Hình Sự, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) - Ảnh: TRUNG TÂN

Hội nghị do Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tổ chức tổ chức chiều 30-10 tại Đắk Nông với sự tham dự của thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an.

Theo đại tá Tám, tại Tây nguyên không có các băng nhóm, ổ sới, nhóm cờ bạc lớn nhưng hoạt động cũng hết sức phức tạp. Nếu công an các tỉnh không tập trung triện phá cũng sẽ xuất hiện những ổ nhóm cơ bạc lớn. 

Ví dụ như ở Đắk Lắk, ngày 29-6 vừa rồi, Bộ công an cũng đã triệt phá ổ cờ bạc trong rẫy cà phê, bắt hàng chục đối tượng…

Ông Tám thông tin, đến nay chưa có tài liệu chứng cứ để chứng minh nhưng chúng tôi thấy có dấu hiệu làm ngơ cho tội phạm cờ bạc nên nó tồn tại trong suốt cả thời gian dài. 

"Cũng có sới bạc hoạt động cố định nhưng cũng có sới hoạt động lưu động, đưa vào rừng thực hiện, trốn tránh sự phát hiện. Nhưng phần lớn là có sự làm ngờ của lực lượng công an, chúng tôi xin thẳng thắn đánh giá như thế" - ông Tám khẳng định.

Có dấu hiệu công an làm ngơ cho các sới bạc - Ảnh 2.

Theo Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an, tại Tây nguyên xuất hiện nhiều tội phạm bảo kê việc phá rừng để làm nương rẫy dẫn đến sự tranh chấp, đánh nhau và nhiều diện tích rừng bị tàn phá. Trong ảnh: Vụ tranh chấp đất tại tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, Tuy Đức, Đắk Nông dẫn đến việc Công ty Long Sơn sử dụng gậy gộc trấn áp để phá cây trồng, còn người dân chuẩn bị súng để chống trả. Hậu quả khiến 3 người chết, 13 người bị thương trong vụ đụng độ sáng 23-10-2016 - Ảnh: TRUNG TÂN

Ông Tám nói thêm, một trong những loại tội phạm tại Tây nguyên là tín dụng đen núp bóng các công ty tài chính, chủ yếu là phụ nữ đứng tên để cho vay nặng lãi. 

Ngoài ra, C45 thấy nổi lên ở các tỉnh Tây nguyên còn có các loại tội phạm như bảo kê thu mua và tranh chấp thu mua các loại nông sản; bảo kê cho việc lấn chiếm, phá rừng trái phép để làm nương rẫy...

Việc tranh chấp này phát sinh mâu thuẫn giữa các băng nhóm với nhau và sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết. Khi có mâu thuẫn cần giải quyết thì các đối tượng đã có hẹn, tập trung hàng chục đối tượng mỗi bên để giải quyết mâu thuẫn. 

"Ví dụ như vụ ở Di Linh, Lâm đồng lên đến 120 người cả hai bên, hay vụ ở thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông cũng lên tới hơn 20 người từ Đồng Nai kéo lên gây án…" - ông Tám nói.

Có dấu hiệu công an làm ngơ cho các sới bạc - Ảnh 3.

Theo Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an, tại Tây nguyên xuất hiện nhiều tội phạm bảo kê việc phá rừng để làm nương rẫy dẫn đến sự tranh chấp, đánh nhau và nhiều diện tích rừng bị tàn phá - Ảnh: TT

Không báo cáo các băng nhóm tội phạm vì… sợ trách nhiệm

Theo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, thời gian qua công an các tỉnh Tây nguyên phát hiện, triệt phá 862 vụ án lớn, bắt vận động được 105 đối tượng truy nã nguy hiểm, triệt phá 52 băng nhóm tội phạm...

Tuy nhiên, trong công tác phòng chống tội phạm vẫn còn một số tồn tại như lên kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm chung chung; chưa có kế hoạch cụ thể, nhưng địa bàn trọng điểm, những vấn đề xã hội nổi lên về trật tự an toàn xã hội nên kết quả tấn công trấn áp tội phạm đạt thấp.

Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, đấu tranh phòng chống tội phạm hiệu quả thấp và mang tính hình thức; còn để tồn tại những xưởng sản xuất, chế tạo súng, nhất là súng tự chế, vũ khí thô sơ…

Theo Tổng cục cảnh sát, các tồn tại nêu trên là do công an các địa phương chưa làm tốt công tác tham mưu, nhất là việc phân công, phân cấp về việc bảo vệ rừng, mở cửa biên giới phụ để nhập khẩu gỗ…

Có nơi vì sợ trách nhiệm, bệnh thành tích không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ các băng nhóm tội phạm tại địa phương.

Theo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, để giảm thiểu các vụ án nghiêm trọng tại Tây nguyên, công an các tỉnh phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong công tác giải tỏa, thu hồi đất rừng; giải quyết kịp thời các vụ xâm lấn đất rừng, tranh chấp đất đai, khiếu kiện phức tạp, không để phát sinh các điểm nóng nhất là tại Đắk Lắk, Đắk Nông…

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        404,227       160