TTO - Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết TAND tối cao đang xem xét lại trường hợp bà Lê Thị Hường - người được chuyển hình phạt từ tử hình còn 20 năm tù - do có nhiều dấu hiệu sai phạm.
Bị cáo Lê Thị Hường tại phiên tòa sơ thẩm tháng 3-2014 - Ảnh ĐÔNG HÀ
Vụ án bà Lê Thị Hường (42 tuổi, ngụ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - vợ bí thư xã Kim Long, huyện Châu Đức - từng gây xôn xao dư luận bởi những khuất tất chưa thể làm rõ. Năm 2014, bà Hường lần lượt bị hai cấp tòa tuyên án tử hình về tội giết người.
Cụ thể, bà Lê Thị Hường dùng dao chém hàng chục nhát vào vợ chồng ông Nguyễn Chí Hùng và bà Phan Ngọc Nga (đều là chủ nợ của bà Hường). Ông Hùng bị tỉ lệ thương tật gần 80%, bà Nga thương tật gần 30%.
Khi bà Hường bị bắt trong vụ án nêu trên thì cơ quan điều tra lại làm sáng tỏ thêm một vụ án khác: bà Dương Thị Thủy Bình Hà (nguyên thủ quỹ UBND xã Kim Long) - người được cho là bị mất tích lâu nay - chết tại vườn nhà bà Hường. Theo điều tra, ngày 14-5-2012, bà Hường hẹn bà Hà (cũng là chủ nợ) đến nhà mình.
Tại đây, bà Hường nhờ bà Hà ra vườn đóng cầu dao điện để bơm nước nhưng bà Hà bị điện giật chết. Bà Hường đưa xác bà Hà đi đốt.
Trong lúc hốt tro cốt, bà Hường lấy chiếc lắc vàng và điện thoại di động của nạn nhân đem bán. Tháng 12-2014, bà Hường bị tòa tuyên phạt 5 năm tù về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
Tháng 1-2017, phó chánh án TAND tối cao ký quyết định chuyển hình phạt cho bà Hường từ tử hình còn 20 năm tù nhờ áp dụng các điều khoản có lợi của Bộ luật hình sự 2015 với lý do: hành vi của bà Hường là "phạm tội chưa đạt".
Tuy nhiên, quyết định này gây nên những ý kiến trái chiều.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online tại TAND tối cao cho biết việc chuyển hình phạt cho bà Hường có hai vấn đề có dấu hiệu sai phạm: Thứ nhất, hành vi của bà Hường không thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt, mà là tội phạm đã hoàn thành, hậu quả chưa đạt là ngoài ý muốn của bị cáo.
Thứ hai, nếu bà Hường được chuyển hình phạt cũng là từ tử hình xuống chung thân, chứ không phải xuống 20 năm tù.
Nguồn tin này còn cho hay việc bà Hường gọi chủ nợ đến nhà để trả nợ, sau đó chủ nợ bị điện giật chết, bị đốt xác, phi tang, bị chôn ngay trong vườn nhà bà Hường nhưng tòa án các cấp lại xử bà này về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là có dấu hiệu sai phạm.
TAND tối cao đang xét lại quyết định và bản án theo trình tự của pháp luật.