TTO - Bị các bị cáo khai đã chi "chăm sóc" cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia - PVN hàng trăm tỉ đồng, đại diện của tập đoàn này phủ nhận và đề nghị tòa khi xây dựng bản án không được dùng các từ ngữ gây hiểu nhầm.
Ông Ninh Văn Quỳnh trả lời tại phiên tòa - Ảnh: TÂM LỤA
Chiều 21-9, phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) tiếp tục làm việc.
Ông Ninh Văn Quỳnh (phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN, đã bị khởi tố, bắt tạm giam) được lực lượng công an dẫn giải đến tòa để tham gia xét xử. Ông Quỳnh được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.
Xin sớm được khắc phục hậu quả
Với dáng vẻ mệt mỏi, ông Quỳnh đã xin các cơ quan tố tụng sớm cho ông dùng tài sản khắc phục hậu quả nhằm hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Ông Quỳnh cho biết cũng đã khai rõ về mối quan hệ giữa ông và Nguyễn Xuân Sơn - nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, phó tổng giám đốc OceanBank, tại cơ quan điều tra.
Trong các ngày xét xử trước đó, ông Quỳnh thừa nhận đã nhận “chăm sóc” khoảng 20 tỉ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn.
Luật sư Đỗ Ngọc Quang (người bảo vệ cho ông Ninh Văn Quỳnh) đã đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung hành vi chi tiền của Nguyễn Xuân Sơn và ông Ninh Văn Quỳnh. Luật sư Quang cho rằng hồ sơ vụ án có rất nhiều lời khai khác nhau về vấn đề này.
Sau khi các bị cáo, luật sư và người liên quan kết thúc phát biểu, tòa đã tạm nghỉ để đại diện viện kiểm sát chuẩn bị bài đối đáp.
Chiều mai 22-9, phiên tòa tiếp tục làm việc.
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: T.L.
PVN đề nghị tòa buộc người gây thất thoát bồi thường
Trước đó, trong phiên xử buổi sáng, các nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã trình bày đề nghị của mình.
Trong vụ án này, PVN tham gia với tư cách là nguyên đơn dân sự.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho PVN, luật sư Nguyễn Văn Thái đã đề nghị với hội đồng xét xử: "Nếu có cá nhân, tổ chức nào trong vụ án vi phạm pháp luật, gây ra thiệt hại cho PVN thì đề nghị tòa căn cứ quy định của pháp luật để tuyên buộc cá nhân, tổ chức đó phải bồi thường cho PVN".
Luật sư Trần Văn Thái cũng đề nghị tòa khi xét xử cần xem xét loại bỏ các thuật ngữ có hàm ý để cho rằng PVN có nhận lãi ngoài, có tiếp nhận khoản "chăm sóc lãi ngoài" từ OceanBank.
"PVN hoàn toàn không nhận tiền lãi ngoài. Trong quá trình xây dựng bản án, đề nghị tòa tránh dùng những từ đó để tránh dư luận hiểu nhầm, lệch lạc, ảnh hưởng đến uy tín của PVN" - luật sư Thái đề nghị.
Theo ông Hoàng Văn Dũng (đại diện PVN), tập đoàn này đã góp 800 tỉ đồng (tương đương 20% vốn điều lệ) vào OceanBank. Trong vụ án này, OceanBank bị xác định đã thiệt hại 1.576 tỉ đồng nên "PVN có liên quan đến thất thoát này".
Trong những ngày xét xử vừa qua, nhiều bị cáo khai đã chi "chăm sóc" cho PVN và các công ty con của tập đoàn này hàng trăm tỉ đồng.
Liên quan đến vụ án này, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt một số đối tượng về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVN.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã khởi tố 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro); Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí.
Trong sáng 21-9, khi được tòa gọi nêu ý kiến, luật sư và đại diện ủy quyền của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, lãnh đạo Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) cho rằng họ không phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên họ không tranh luận.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục với phần tranh luận.