TTO - Lái xe, thư ký... bỗng chốc được khoác lên mình những chức danh tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị. Các chức vụ “hữu danh vô thực” ấy đã đưa họ ra đứng trước vành móng ngựa trong cay đắng.
"Bị cáo mới học hết lớp 7, chỉ là lái xe cho tập đoàn, được thuê làm tổng giám đốc với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Bị cáo không biết gì về các hợp đồng vay hàng trăm tỉ đồng như cáo trạng quy kết" - bị cáo Trần Văn Bình (51 tuổi) trình bày tại phiên xét xử đại án Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đang diễn ra ở TAND TP Hà Nội.
Lái xe vướng 3 đại án
Hằng ngày, Bình được lực lượng an ninh dẫn giải đến phiên tòa xét xử đại án OceanBank. Đi giữa những bị cáo từng là các đại gia ngân hàng, từng là lãnh đạo tập đoàn với quần áo bảnh bao thì cái dáng cao gầy, khuôn mặt khắc khổ trong màu áo tù của Trần Văn Bình càng như rõ nét.
Vòng tù tội xuất phát từ việc liên quan đến đại án Ngân hàng Xây dựng được đưa ra xét xử cách đây đúng một năm. Bình vốn được tuyển là lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh (do Phạm Công Danh - chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - sáng lập).
Do cần tiền cho những khoản đầu tư và nợ nần hàng ngàn tỉ đồng nên Phạm Công Danh thành lập 12 công ty để đứng tên cho các khoản vay tại Ngân hàng Xây dựng cũng như một số ngân hàng khác.
Danh phân công Bình và các nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh giữ chức vụ chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc của 12 công ty này. Các tổng giám đốc chỉ có nhiệm vụ duy nhất là ký tên vào giấy tờ, hồ sơ vay tiền.
Bình được chỉ định làm tổng giám đốc Công ty Trung Dung. Thực chất các công ty đều chẳng có hoạt động kinh doanh, không có trụ sở, không có nhân viên, mà chỉ có tổng giám đốc để ký hồ sơ.
Cho đến khi Phạm Công Danh bị bắt với cáo buộc gây thất thoát 9.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Xây dựng, Trần Văn Bình và 11 tổng giám đốc bù nhìn cũng bị vướng vòng lao lý. Họ bị cáo buộc vi phạm quy định cho vay, cố ý làm trái để tiếp tay cho Phạm Công Danh.
Với cương vị là tổng giám đốc Công ty Trung Dung, Bình ký các hợp đồng tín dụng vay hơn 200 tỉ đồng của Ngân hàng Xây dựng. Số tiền này được Bình chuyển sang các tài khoản cho Phạm Công Danh.
Tháng 9-2016, Trần Văn Bình ra tòa và lãnh án 4 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đại án OceanBank đang diễn ra, Bình lại bị cáo buộc ký khống các hợp đồng vay 500 tỉ đồng của OceanBank, đến nay chưa thể thu hồi.
"Bị cáo không biết công ty ở đâu, không biết chức danh của mình để làm gì. Cũng không biết được việc ký tên trên các hợp đồng lại mang đến cho mình nhiều hệ lụy đến thế..." - Trần Văn Bình khai trước tòa.
Lời khai tại tòa của Bình không khỏi làm những người dự khán cảm thấy xót xa: "Bị cáo học hành chẳng tới đâu.
Khi được nhờ làm tổng giám đốc với mức lương 10 triệu đồng thì bị cáo liền nhận lời, chứ không biết làm tổng giám đốc để làm gì. Khi nào có hồ sơ cần ký thì các lãnh đạo sẽ đưa cho bị cáo ký...".
Vị đại diện viện kiểm sát đề nghị tòa xử phạt Trần Văn Bình 5 - 6 năm tù. Cộng với bản án trước, Bình phải đối diện mức án 9-10 năm tù. Mọi thứ vẫn chưa dừng lại.
Ngoài phiên tòa này, Bình vẫn đang là bị can trong vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 cũng với vai trò tổng giám đốc Công ty Trung Dung...
Người đẹp và nước mắt
Cũng là giám đốc bù nhìn giống như Bình, bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ (34 tuổi) nhiều lần khóc nghẹn trước vành móng ngựa.
Tứ tốt nghiệp Trường đại học Sân khấu điện ảnh, tham gia đóng một số phim truyền hình để lại dấu ấn. Mọi việc bắt nguồn từ khi Tứ quen biết Hà Văn Thắm (chủ tịch HĐQT OceanBank).
Có lẽ bởi ngoại hình ưa nhìn, lối nói chuyện nhẹ nhàng, Tứ được Hà Văn Thắm tuyển vào làm thư ký và giúp việc cho HĐQT. Khi thành lập Công ty BSC, Thắm nhờ Hoàng Thị Hồng Tứ làm chủ tịch HĐQT.
Chức danh ấy đẩy Tứ đến vành móng ngựa, khi BSC chỉ là công ty "sân sau" do Thắm lập ra để thu phí trái quy định của khách hàng vay tiền tại OceanBank. Ở công ty này, Tứ ký gần 100 hợp đồng dịch vụ, thu về hàng chục tỉ đồng cho Hà Văn Thắm.
"Anh Thắm nhờ bị cáo đứng tên đại diện trong lúc chờ tuyển người. Bị cáo không biết Công ty BSC có địa chỉ ở đâu, có bao nhiêu người, làm lĩnh vực gì... Hồ sơ do mọi người soạn sẵn, khi đến tay bị cáo thì đã có đầy đủ chữ ký của mọi người, bị cáo chỉ việc ký tên vào..." - Tứ nức nở trước vành móng ngựa.
Cơ quan điều tra và những người có liên quan đều khẳng định Bình, Tứ đều không được hưởng lợi gì thêm ngoài tiền lương hằng tháng. Thế nhưng cả hai bị cáo đang phải đối diện với hình phạt nghiêm khắc.
Không chút đắn đo
Trong đại án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng, có 12 tổng giám đốc bù nhìn là nhân viên bảo vệ, lau dọn vệ sinh, nhân viên rửa xe, nhân viên phụ trách kinh doanh của Tập đoàn Thiên Thanh... được cử làm.
Tất cả họ đều không có năng lực, không có kinh nghiệm về kinh doanh, không được quyết định bất cứ điều gì.
Cho đến khi phải đứng trước vành móng ngựa, họ mới ý thức được chữ ký tưởng như "vô thưởng vô phạt" của mình có giá trị như thế nào.
Đứng trước tòa, tất cả đều khóc nức nở. Họ cho biết lương nhân viên chỉ vài ba triệu đồng nên khi được nhờ làm tổng giám đốc với mức lương 10 triệu đồng/tháng, họ liền nhận lời mà không chút đắn đo.