Pháp luật

Em chồng không phải 'người thân' bộ trưởng: Luật còn kẽ hở

TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định không có người thân nào của mình làm ở VN Pharma trong khi phía công ty xác nhận em chồng của bà Tiến là phó tổng giám đốc công ty này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Ảnh: VIỆT DŨNG

Trao đổi xung quanh dư luận Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có người thân làm trong công ty VN Pharma, ông Nguyễn Minh Hùng - nguyên tổng giám đốc VN Pharma, vừa bị TAND TP.HCM kết án 12 năm tù trong vụ nhập lậu thuốc ung thư giả tại công ty này khẳng định: em ruột của chồng bà Tiến là phó tổng giám đốc công ty.

Trong cuộc họp báo của Chính phủ hôm qua, 30-8, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Theo luật Phòng chống tham nhũng, liên quan các lĩnh vực mà người thân của người đứng đầu không được tham gia thì người thân bị hạn chế gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con. Em chồng không phải là đối tượng bị cấm theo luật.

Em chồng không phải "người thân"

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - Luật khiếu nại và tố cáo, luật phòng chống tham nhũng đã có những quy định cụ thể về người thân thích của cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước và hệ thống chính quyền.

"Luật không quy định em chồng là người thân thích, nhưng rõ ràng đôi khi em chồng còn gần gũi, thân thiết hơn cả những người thuộc trực hệ 3 đời", bà Thu nói.

Theo bà Thu, giữa luật và quan hệ thực tế với đời sống thì luật còn có những lỗ hổng cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

"Khi tôi tham gia góp ý sửa đổi luật khiếu nại tố cáo thì thấy nội hàm của cụm từ người thân thích rất hẹp nhưng nếu chiếu theo quy định của Bộ luật Dân sự thì phạm trù này lại rất rộng.

Theo bà Thu, cần vận dụng định nghĩa người thân thích theo luật nào để có thể vừa tạo điều kiện cho xã hội phát triển mà cũng ngăn ngừa được những hành vi, tác động tiêu cực của những người thân thích của người có chức vụ quyền hạn gây ra.

"Tôi thấy bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã vội vàng khi trả lời không có người thân nào làm việc ở VN Pharma. Nếu thực sự bộ trưởng không quan tâm, không biết về việc đó thì có thể xác minh lại xem có thực sự em chồng không làm ở VN Pharma hay không", bà Thu nói.

Cùng quan điểm với bà Nguyễn Thị Hoài Thu, ông Bùi Đặng Dũng - đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cho rằng vụ nhập lậu thuốc ung thư kém chất lượng của công ty VN Pharma đã được Chính phủ yêu cầu thanh tra toàn diện.

Tuy nhiên, đối với vấn đề liên quan đến việc em trai chồng của Bộ trưởng Bộ Y tế tham gia vào ban lãnh đạo của công ty, nhưng lại không được coi là người thân của Bộ trưởng thì đúng là luật còn có những kẽ hở.

Cụ thể, điều 37 luật Phòng chống tham nhũng hiện hành quy định tại khoản 4: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp”.

Nếu căn cứ vào quy định của luật này, thì em ruột chồng không phải là đối tượng cấm tham gia kinh doanh trong lĩnh vực mà người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu quản lý.

Mà đã không phải là điều cấm thì công dân có quyền làm, và là quyền tự do của công dân thì cũng cần phải xem xét lại việc điều chỉnh của luật.

Cần xem lại điều luật này bởi không chỉ vợ chồng con, bố mẹ mới là đối tượng mới có thể trục lợi từ những mối quan hệ của người đứng đầu.

Sẽ bịt lỗ hổng của luật

Đó là ý kiến của một cán bộ thuộc Thanh tra Chính phủ khi nói về quy định của luật phòng chống tham nhũng hiện hành. Theo vị này, giữa luật thực định và những quan hệ thực tế giữa con người và con người vẫn còn khoảng cách.

Trong quan hệ xã hội, không cần nói đến người thân như con cái, vợ chồng cha mẹ của người làm cán bộ mà bạn bè thân thiết, hoặc thậm chí đến giúp việc cũng có những vị trí ảnh hưởng nhất định đối với cán bộ đó.

“Pháp luật thực định đang bị vướng. Nếu căn cứ theo luật thì lãnh đạo Bộ Y tế nói cũng không sai. Tuy nhiên, sắp tới nếu sửa luật thì sẽ có hướng giải quyết cái vướng đó.

Thực tế cần anh em, mà chỉ cần có quan hệ thân quen với ai đó, đôi khi ảnh hưởng của người ấy đối với mình còn thân thiết hơn cả anh em ruột. Đây là vấn đề mà luật phòng chống tham nhũng cần phải tính đến” - vị này nói.

Anh em trong nhà chưa chắc thân bằng người ngoài

“Đó là những câu chuyện mà luật không thể điều chỉnh được, bởi nếu không cẩn thận thì bóp nghẹt hết các giao dịch dân sự. Nhưng nếu không chặt chẽ thì lại tạo ra những lỗ hổng xảy ra những việc nọ việc kia.

Đây chính là hướng chỉnh lý trong thời gian tới và để có tính chất phòng ngừa từ xa”. Vị cán bộ Thanh tra Chính phủ cho biết.

Dự kiến dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sẽ được báo cáo và họp thẩm tra sớm trong tháng 9-2017.

Trích điều 37 Luật phòng chống tham nhũng

Những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm

2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.

...

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        399,806       477