TTO - Nhiều người dùng mạng xã hội có thói quen vội vã chia sẻ ngay lập tức nhưng "tin nóng" mà không cần suy nghĩ khiến những thông tin giả, tin thất thiệt được lan truyền chóng mặt trên mạng khiến dư luận hoang mang.
Người phụ nữ bán tăm bị người dân ở xã Mai Đình vây đánh ngất ra đất - Ảnh cắt từ clip
Với tốc độ lan truyền gần như "ngay lập tức" của mạng xã hội, nhiều vụ việc tưởng chừng như "nóng bỏng" đã được nhiều người vội vàng chia sẻ khiến thông tin nhanh chóng được hàng triệu người tiếp cận, bàn luận sôi nổi nhưng sau đó mới phát hiện chỉ là "tin vịt".
Nhiều hình ảnh chỉ là cắt ghép, clip cũ "xào lại" hay cố tình gán sự kiện xảy ra ở nước ngoài thành sự việc ở tỉnh thành nào đấy khiến cư dân mạng vẫn sôi sục săn tìm thông tin tiếp theo hay sôi nổi bàn luận với trăm ngàn ý kiến, chửi bới mắng mỏ thậm tệ nhưng sau một hồi lùng sục mới biết chỉ là... tin giả.
Nhiều tin đồn sai sự thật sau khi được lan tuyền chóng mặt đã gây hoang mang cho người tiếp nhận thông tin và biến không ít người thành nạn nhân.
Nhìn nghi nghi giống tin đồn, bắt đánh ngay tại chỗ!
Thời gian qua, mạng xã hội lan truyền nhiều câu chuyện, clip về việc đề phòng bị tội phạm thôi miên, rồi bắt cóc trẻ em để bán qua Trung Quốc.
Những lời đồn về việc bắt cóc thôi miên này gây lo lắng và hoang mang trong xã hội và đồng thời nó thực sự đã gây ra những hậu quả cho nạn nhân.
Trưa 22-7, trên mạng xã hội đăng tải một đoạn clip về vụ việc hai người phụ nữ bị hàng chục người dân ở xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, vây đánh. Người dân đánh vì nghi ngờ hai người phụ nữ này đi bắt cóc trẻ em.
Theo đó, 2 người phụ nữ đi bán tăm, tới ngõ một nhà thì thấy có trẻ em nên gọi ra hỏi thăm. Từ đây, người thân và hàng xóm của em bé nghi ngờ 2 người phụ nữ này bắt cóc trẻ em nên hô hoán xóm làng vây bắt.
Bị vây bắt, 2 người phụ nữ van xin nhưng không được tha. Lý do để những người dân lao vào đánh đập 2 người này chính là do trước đó trên mạng xã hội đã có nhiều tin đồn về việc bắt cóc trẻ em.
Do đó, vừa với tinh thần đề cao cảnh giác, vừa cho mình quyền thực thi pháp luật nên người dân xã Mai Đình đã đánh đập 2 phụ nữ lạ mặt trên.
Và, mặc kệ cho 2 người phụ nữ ra sức thanh minh rằng mình chỉ đi bán tăm nhưng không ai nghe. Vụ việc chỉ dừng lại khi chính quyền xã Mai Đình vào cuộc xác minh.
Và từ thông tin xác minh từ công an Mai Đình sau đó cho thấy, không có cơ sở nào khẳng định hai người phụ nữ bán tăm có hành vi bắt cóc trẻ em.
Tuy nhiên, 2 phụ nữ nghèo khổ đó đã bị đánh và bị thương tích khá nặng, buộc phải vào bệnh viện điều trị.
Vì tin đồn, người bị phá xe, kẻ bị khởi tố.
Chỉ 2 ngày trước khi vụ việc hai phụ nữ bán tăm bị vây đánh trên, ngày 20-7, trên mạng xã hội cũng xuất hiện một clip về việc người dân xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đập phá và châm lửa đốt một chiếc xe ôtô vì nghi người đi trong xe thôi miên một người dân trong làng.
Chiếc ôtô bị người dân châm lửa đốt cháy trong đêm 20-7 - Ảnh: TRỊNH KHƯƠNG
Theo đó, khoảng 18h ngày 20-7, anh Trịnh Mạnh Hải (là Giám đốc kinh doanh của một công ty) cùng lái xe Lê Văn Nam đi ôtô về nhà vợ ở xã Tân Việt (Thanh Hà, Hải Dương) chơi.
Trên đường về, hai người này đã ghé vào cửa hàng bán đồ gỗ tại thôn Đồng Hởi để xem và mua đồ gỗ. Trong khi trao đổi, chủ nhà cảm thấy chóng mặt và mệt mỏi nên nghĩ mình bị thôi miên như một số thông tin đã đọc trên mạng xã hội nên đã tri hô mọi người đến cứu.
Dù được nghe giải thích và gọi người quen trong xã đến giải thích nhưng anh Hải vẫn bị một số người quá khích lật xe xuống ruộng, đốt cháy hoàn toàn bởi họ cho rằng anh Hải có mục đích thôi miên, cóc trẻ con trong làng.
Sau khi cơ quan chức năng làm việc, xác minh đã kết luận anh Hải không liên quan gì đến việc bắt cóc hay thôi miên, mà bản thân anh Hải là người có nhân thân tốt, lý lịch rõ ràng.
Còn thực tế, chiếc xe ô tô của anh Hải đã hủy hoại.
20 ngày sau (vào ngày 9-8), công an huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã khởi tố và bắt tạm giam 3 bị can đã tham gia đập phá đốt xe của anh Hải. Cơ quan điều tra cho rằng hành vi của các bị can trên là hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng.