TTO - Công ty Võ Trần, đại diện pháp lý của Công ty Apple tại VN, vừa gửi văn bản đến các cửa hàng điện thoại ở TP.HCM và Hà Nội khuyến cáo việc sử dụng một số nhãn hiệu của thương hiệu này.
Một cửa hàng điện thoại di động có logo của Apple trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Công ty Võ Trần cho biết các cửa hàng nhận được thư khuyến cáo đều không phải là đơn vị được ủy quyền của Apple để bán, bảo hành, sửa chữa các sản phẩm của Apple.
Tuy nhiên, các cửa hàng này vẫn sử dụng nhãn hiệu quả táo khuyết, Apple, iPhone, iPad... trên biển hiệu của cửa hàng.
“Tối hậu thư” của Apple
Theo Công ty Võ Trần, dựa theo Luật sở hữu trí tuệ thì việc sử dụng bất kỳ nhãn hiệu nào của Công ty Apple trên biển hiệu của cửa hàng, trên các giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh mà không được sự đồng ý của Apple đều là hành vi sử dụng bất hợp pháp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Apple.
Từ đó, đơn vị này yêu cầu các cửa hàng nhận được văn bản trong thời hạn 7 ngày phải chấm dứt việc sử dụng các nhãn hiệu của Apple trên biển hiệu của cửa hàng, trên các giấy tờ kinh doanh, đồng thời chấm dứt việc bán hàng giả mạo nhãn hiệu Apple.
Chiều 9-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Võ Thị Minh Tâm - giám đốc Công ty Võ Trần - cho biết Công ty Võ Trần là đại diện ủy quyền của Apple và nhiều công ty khác trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại VN nhiều năm nay.
Đây là đợt hoạt động phối hợp với quản lý thị trường tập trung vào các cửa hàng ở Hà Nội và TP.HCM.
Bà Tâm thừa nhận Công ty Võ Trần có gửi thư thông báo và khuyến cáo đến các cửa hàng với nội dung như đã nêu.
Có thể vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Phân tích về cơ sở pháp lý của nội dung thông báo trên, các chuyên gia pháp lý cho rằng Công ty Apple có cơ sở khi ra yêu cầu buộc các cửa hàng kinh doanh chấm dứt việc sử dụng bất hợp pháp các nhãn hiệu của Apple.
Theo luật sư Trần Thị Miền, điều 129 Luật sở hữu trí tuệ quy định các hành vi sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ bị xem là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
Do các nhãn hiệu trái táo khuyết, Apple, iPhone... của Công ty Apple thỏa mãn được yêu cầu nêu trên nên chúng được bảo hộ.
Theo đó, nếu đúng là đại diện pháp lý bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Apple, Công ty Võ Trần được phép yêu cầu các cửa hàng chấm dứt việc tự ý sử dụng các nhãn hiệu được bảo hộ của Công ty Apple.
Còn luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho rằng việc các cửa hàng đang sử dụng các nhãn hiệu của Apple liên quan đến hoạt động quảng cáo, giao dịch... khi chưa được phép của chủ sở hữu thì bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo Luật sở hữu trí tuệ.
Theo luật này, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền “sử dụng, cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu” và “ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu”...
Vì vậy, khuyến cáo của đơn vị đại diện Apple là đang thực hiện theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 198 Luật sở hữu trí tuệ: “Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, bồi thường thiệt hại”.
Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không đáp ứng yêu cầu của họ thì họ có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Tòa án có quyền tuyên buộc cá nhân vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc bồi thường thiệt hại...
Yêu cầu của Apple là hoàn toàn hợp pháp Ông Lê Ngọc Lâm (phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN) đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Ông Lâm cho biết: - Apple đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trên lãnh thổ VN tại Cục Sở hữu trí tuệ đối với tất cả các nhãn hiệu sản phẩm, dịch vụ, hình ảnh có liên quan đến sản phẩm. Khi đã đăng ký nhãn hiệu, Apple có toàn quyền sở hữu đối với việc sử dụng nhãn hiệu, hình ảnh, dịch vụ của họ. * Việc Công ty Võ Trần gửi thông báo đến các cửa hàng để đưa ra yêu cầu phải dừng sử dụng hình ảnh, nhãn hiệu về sản phẩm của Apple có đúng luật không, thưa ông? - Apple hoặc nhà đại diện pháp luật hợp pháp của Apple hoàn toàn có quyền đưa ra yêu cầu không được sử dụng nhãn hiệu, hình ảnh, tên sản phẩm và dịch vụ của họ vì họ có toàn quyền sở hữu trên lãnh thổ VN. Khi đã đăng ký nhãn hiệu trên lãnh thổ VN theo đúng Luật sở hữu trí tuệ, Apple và nhà đại diện hợp pháp có quyền cho phép hoặc không cho phép các cá nhân, tổ chức khác sử dụng những nhãn hiệu này. Chỉ những đại lý chính thức, đơn vị được ủy quyền, được họ cho phép mới được sử dụng logo, hình ảnh, tên sản phẩm hoặc dịch vụ của Apple trên bảng hiệu, quảng cáo. Đối với những cơ sở, cá nhân kinh doanh không được họ ủy quyền, không được sự chấp thuận phù hợp với quy định về bảo hộ nhãn hiệu và sở hữu trí tuệ hoặc không phân phối sản phẩm chính hãng, thậm chí còn bán hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc... thì thông qua đại diện hợp pháp, Apple có quyền yêu cầu tháo dỡ, dừng sử dụng biển hiệu có vi phạm, chấm dứt sử dụng những nhãn hiệu mà Apple đã đăng ký... Yêu cầu này là chính đáng, phù hợp với pháp luật. * Nếu yêu cầu của Apple là hợp pháp thì các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải thực hiện như thế nào mới là đúng quy định của pháp luật? - Tất cả các cửa hàng, cá nhân, tổ chức không được phép từ Apple hoặc đại diện hợp pháp của họ sẽ phải dừng ngay việc sử dụng nhãn hiệu, hình ảnh vi phạm Luật sở hữu trí tuệ. Sau khi đã có yêu cầu chính thức từ phía Apple hoặc đại diện hợp pháp cho Apple, các cửa hàng có vi phạm phải tháo dỡ, thay đổi... Nếu quá thời gian họ đưa ra, các cửa hàng vẫn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu, hình ảnh liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của Apple, phía Apple có quyền yêu cầu cơ quan chức năng hỗ trợ, vào cuộc để đảm bảo việc thực thi pháp luật. Các hành vi cố tình vi phạm nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ sẽ bị xử phạt hành chính theo các mức độ vi phạm được pháp luật quy định. Apple cũng có thể thông qua đại diện hợp pháp để khởi kiện ra tòa đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm nhãn hiệu họ đã đăng ký. |
Các chủ cửa hàng nói gì? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông chủ hai cửa hàng điện thoại ở đường Nguyễn Sơn và Thoại Ngọc Hầu (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết cửa hàng của ông có bán và bảo hành một số sản phẩm của Apple, tuy nhiên chủ yếu các sản phẩm này đều là hàng xách tay. “Nếu không thay biển hiệu, có thể chúng tôi sẽ bị kiện. Vì vậy, trước mắt chúng tôi sẽ thay biển hiệu, sau đó tìm hiểu thủ tục đăng ký làm đơn vị được ủy quyền, phân phối các sản phẩm của Apple” - ông chủ cửa hàng cho biết. |