Pháp luật

Cô giáo bị trường cho nghỉ việc vì sinh dày thua kiện

TTO - Do tuyên hợp đồng mà trường Phạm Văn Đồng ký với cô Hồ Thị Hằng là vô hiệu nên tòa đã bác yêu cầu của cô Hằng đề nghị trường này nhận lại làm việc.

Cô Hằng ở nhà trồng rau sau khi bị nhà trường cho nghỉ việc
Cô Hằng ở nhà trồng rau sau khi bị nhà trường cho nghỉ việc

Ngày 17-5, TAND huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận mở phiên tòa xét xử vụ cô giáo Hồ Thị Hằng - nhân vật trong bài “Bị nghỉ dạy vì... sinh dày” (Tuổi Trẻ ngày 13-10-2015) - khởi kiện Trường THPT Phạm Văn Đồng.

Tại tòa, cô Hằng cho biết được nhà trường ký ba hợp đồng làm việc, trong đó hợp đồng lần ba không thể hiện là hợp đồng không xác định thời hạn theo quy định của Luật viên chức.

“Khi tôi sinh con mới 6 tháng tuổi thì trường ký quyết định chấm dứt làm việc khiến cuộc sống gia đình tôi vô cùng khó khăn” - cô Hằng nghẹn ngào nói.

Cô Hằng yêu cầu tòa hủy quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc mà trường đã ký, nhận cô vào làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn và trả tiền lương, phụ cấp, chế độ bảo hiểm từ ngày không làm việc đến nay hơn 145 triệu đồng.

Trả lời tòa, ông Nguyễn Văn Biên (hiệu trưởng cũ của trường) - người ký các hợp đồng - thừa nhận đã dùng mẫu hợp đồng làm việc dành cho viên chức để ký với cô Hằng mà không dùng mẫu hợp đồng dành cho người lao động là sai.

Sau phần tranh luận, tòa nhận định việc Trường Phạm Văn Đồng ký ba hợp đồng làm việc với cô Hằng khi chưa qua thi tuyển, xét tuyển viên chức là không đúng quy định pháp luật về pháp lệnh viên chức, Luật viên chức. Do đó các hợp đồng trên là vô hiệu.

Tòa cũng bác toàn bộ nội dung khởi kiện của cô Hằng đối với trường về việc nhận cô trở lại làm giáo viên và trả các khoản tiền lương, trợ cấp, bảo hiểm.

Lý do mà tòa đưa ra là tuy hợp đồng không đúng pháp luật nhưng thời hạn hợp đồng đã hết, trường cũng đã trả các khoản lương, phụ cấp, chế độ thai sản. Các khoản trợ cấp thất nghiệp đã được bảo hiểm xã hội chi trả.

Ông Ngô Văn Thương, chi hội luật gia - Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận, cho rằng: “Nếu tòa tuyên các hợp đồng là vô hiệu thì phải truy trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị gây ra lỗi để bồi thường thiệt hại cho 
người lao động”.

Cô Hằng cho biết sẽ kháng cáo lên tòa phúc thẩm.

MINH TRÂN
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        403,625       294