Pháp luật

Hỏi mua bánh mì rồi giật hàng bỏ chạy, tội gì?

TTO - Việc hai thiếu niên chuẩn bị hầu tòa bởi sau khi chơi game thâu đêm, hết tiền đã vờ mua bánh mì, chuối sấy... rồi giật chạy đã đặt ra vấn đề pháp lý về việc truy tố hành vi này.

Sau khi Tuổi Trẻ thông tin việc hai bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn (cùng 17 tuổi) bị Viện KSND huyện Thủ Đức truy tố về tội cướp giật tài sản túi đồ ăn gồm bánh mì, chuối sấy... trị giá 45.000 đồng, đã có nhiều ý kiến tranh luận về việc này.

Có ý kiến cho rằng hành vi các thiếu niên đúng là tội cướp giật nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng việc truy tố hai bị cáo này là chưa thỏa đáng.

Theo cáo trạng, khoảng 22g ngày 17-10-2015, Tuấn gặp Tân tại một tiệm Internet ở Q.9. Sau khi chơi thâu đêm đến gần trưa hôm sau thì cả hai nghỉ, chở nhau đi xin việc làm.

Trên đường đi, Tân và Tuấn đói bụng nhưng không có tiền, bèn bàn bạc và thống nhất ghé một tiệm tạp hóa thuộc quận Thủ Đức hỏi mua 2 bịch chuối sấy, 1 ổ bánh mì ngọt, 1 bịch đậu phộng rang muối, 3 bịch me trộn đường.

Sau khi người bán lấy hàng bỏ vào túi thì Tuấn giật lấy nhảy lên xe Tân chở chạy đi. Người dân bắt giữ cả hai và Tuấn, Tân bị Viện KSND quận Thủ Đức truy tố tội cướp giật tài sản.

Cần xem xét về hành vi

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ án này, ông Vương Văn Nghĩa - nguyên thẩm phán tòa hình sự, TAND TP.HCM - cho rằng có nhiều vấn đề cần phải phân tích trong vụ án này.

Thứ nhất, nếu xác định hành vi của các bị cáo là tội cướp giật thì không cần căn cứ vào giá trị tài sản để định tội. Nếu đã là hành vi cướp thì dù chỉ một chiếc bánh mì cũng vẫn bị xử tội.

"Trước đây, tôi đã xử một vụ tương tự, bị cáo này đã cướp đúng một chiếc bánh mì của một người nước ngoài. Án ấy, tôi tuyên án treo bởi cậu thanh niên ấy mới 17 tuổi, nếu vì hành vi đó mà đưa cậu ấy vào nhà tù, tôi nghĩ không có giá trị răn đe giáo dục mà có thể khiến cậu ấy hư hỏng hơn" - ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, trong vụ việc này cần phân tích xem hành vi của Tân và Tuấn đã cấu thành tội gì?

Ở đây cho thấy có sự thỏa thuận của bị cáo với người bán hàng, có thể thấy hai bị cáo đã có hành vi gian dối ngay từ đầu khi hỏi mua hàng là giật túi đồ ăn rồi bỏ chạy.

Như vậy, hành vi này có thể cấu thành một tội khác như lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Đây cũng là vấn đề mà trước đây TAND tối cao đã thảo luận một chuyên đề, tình huống đặt ra là một người vào tiệm hỏi mua vàng, người bán hàng đã tự nguyện lấy vàng và đưa cho người mua, lúc này người mua mới cầm vàng và bỏ chạy.

Đã có nhiều quan điểm được đặt ra khi phân tích tội đó là tội gì. Có người cho rằng hành vi như vậy thì là tội lừa đảo, có người cho rằng tội lạm dụng tín nhiệm, có người nói là tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. 

Theo ông Nghĩa, tại hội thảo đó đã thống nhất quan điểm là trong tình huống này phải là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng tiếc là lại không có một văn bản nào ghi nhận, hướng dẫn việc này.

"Trong vụ việc này, về lý tôi cho rằng đó là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi hai thanh niên đó đã dùng thủ đoạn gian dối để người bán hàng tin tưởng mà giao hàng.

Nếu hành vi này cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì cần phải căn cứ vào giá trị tài sản và các yếu tố khác nữa để định tội", ông Nghĩa nói.

Đã xuất hiện giao dịch dân sự

Theo luật sư Trương Thanh Đức - Đoàn luật sư TP Hà Nội, trong vụ việc này đã xuất hiện một giao dịch dân sự mua bán hàng hóa. Vì vậy, vấn đề hai thiếu niên đó phạm tội gì, có tội hay không phụ thuộc vào hai yếu tố là ý thức và hành vi của hai bị can. 

Theo luật sư Đức, nếu hai thanh niên giật lấy ổ bánh khi người bán đang đưa ra thì không phạm tội cướp giật, mà có dấu hiệu tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 

Tội này với dấu hiệu đặc trưng được mô tả tại điểm a, khoản 1, Điều 140 của Bộ luật hình sự năm 1999 là “nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó”.

Tuy nhiên, trong trường hợp này hành vi của hai thiếu niên đó cũng chỉ là có dấu hiệu, chứ không phạm tội này bởi theo quy định thì chỉ phạm tội nếu giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới mức đó “nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

Ngược lại, theo luật sư Vũ Quang Đức - Đoàn luật sư TP.HCM, trong tình huống này hành vi của Tuấn và Tân đã đủ yếu tố cấu thành tội cướp giật. Tuy nhiên cần xem xét động cơ, mục đích phạm tội của hai thiếu niên khi cướp gói thức ăn vì quá đói mà không còn tiền để mua.

Đây là tình tiết để tòa án xem xét khi lượng hình với các bị cáo. 

"Theo tôi, trong trường hợp này mức án treo là hợp tình hợp lý vì môi trường cải tạo trong trại giam không tốt bằng môi trường dưới sự giám sát của gia đình và địa phương. Mức án treo vừa đạt được tính răn đe vừa đạt được tính giáo dục", luật sư Đức nói.

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        379,768       866