Pháp luật

Thêm một vụ án kinh doanh trái phép liên quan đại tá Quý

TTO - Vụ án của ông Nguyễn Văn Thành này xảy ra tại huyện Bình Chánh TP.HCM và thủ trưởng cơ quan điều tra tiến hành vụ án này cũng là đại tá Nguyễn Văn Quý.

Ông Nguyễn Văn Thành - Ảnh: G.Minh
Ông Nguyễn Văn Thành - Ảnh: G.Minh

Ông Nguyễn Văn Thành (62 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) đăng ký kinh doanh ngành nghề mua bán nông ngư cơ, cho thuê máy phát điện nhưng lại... bán máy phát điện. Sau đó bị kết án 1 năm tù (án treo), phạt 10 triệu đồng về tội kinh doanh trái phép.

Ông Thành là người có trình độ học vấn 5/12, từ nhỏ đã mê làm nghề sửa chữa cơ khí. Khi tiếp xúc với chúng tôi, ông chỉ mong muốn các cấp có thẩm quyền xem xét xử lý vụ án của ông theo trình tự giám đốc thẩm.

Ông không mong muốn được bồi thường nếu được chứng minh là oan, sai.

Thu 12 máy phát điện không căn cứ

Theo bản án phúc thẩm số 682/2015/HSPT ngày 11-11-2015 của TAND TP.HCM, ngày 19-3-2013, Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an H.Bình Chánh phối hợp với Công an xã Tân Kiên (H.Bình Chánh) kiểm tra hộ kinh doanh do ông Thành đại diện.

Tổ công tác phát hiện 12 tổ máy phát điện đã qua sử dụng nên niêm phong, tạm giữ 12 máy này với lý do: “Ông Thành khai mua lại của người khác, không có hóa đơn chứng từ để bán lại kiếm lời”. 12 tổ máy này được giám định trị giá hơn 2,7 tỉ đồng.

Ông Thành được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề mua bán máy nông ngư cơ và phụ tùng vào năm 2001, năm 2012 bổ sung ngành nghề cho thuê máy móc thiết bị xây dựng, máy phát điện và búa rung.

Dù chỉ được cấp phép cho thuê nhưng từ năm 2006, ông Thành đã mua bán hai mặt hàng này để thu lợi. Theo thống kê của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an H.Bình Chánh, ông Thành bắt đầu mua bán máy phát điện từ năm 2006 tới nay (khoảng 20 máy phát điện).

Trung bình mỗi cái lời khoảng 50 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí, tổng cộng số tiền thu lợi bất chính là 1 tỉ đồng. Kết quả điều tra cũng khẳng định ông Thành không có dấu hiệu vi phạm về thuế.

Tuy nhiên, tại bản án số 255 ngày 25-9-2015 của TAND H.Bình Chánh thể hiện: Bị cáo Thành khai nhận mua của người khác 12 tổ máy phát điện cũ không có hóa đơn chứng từ, nhằm mục đích cho thuê lại kiếm lời.

Cơ quan cảnh sát điều tra, VKS khởi tố, truy tố bị cáo nhưng không đưa ra được bằng chứng để chứng minh bị cáo đã bán và sẽ bán 12 tổ máy này. Do đó, không đủ căn cứ để buộc tội bị cáo. Tòa tuyên trả lại 12 tổ máy phát điện do không liên quan tới vụ án.

Viện KSND H.Bình Chánh kháng nghị theo trình tự phúc thẩm phần xử lý vật chứng của bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án theo hướng tịch thu sung công quỹ 12 tổ máy phát điện cũ. Bản án phúc thẩm tuyên y án, trả lại 12 tổ máy đang bị tạm giữ.

Kết tội vì 17 tổ máy đã bán

Trong quá trình điều tra bổ sung nhiều lần, Cơ quan cảnh sát điều tra, VKS thông qua lời khai của ông Thành, xác định có 58 máy khác đã được mua bán trái phép.

Kết quả trưng cầu giám định 58 máy phát điện này được định giá hơn 5 tỉ đồng. Nhưng tổng số 58 máy mà ông Thành khai đã bán, cơ quan điều tra chỉ tìm được bản sao hóa đơn, làm rõ được người mua 17 máy.

Do đó, Viện KSND H.Bình Chánh truy tố ông Thành tội kinh doanh trái phép liên quan tới hai vụ việc: một là, vụ ông khai kinh doanh trái phép 12 máy phát điện đang bị tạm giữ; hai là, 17 máy phát điện (do ông Thành khai trong quá trình điều tra) đã bán trước đó.

Tại phiên tòa sơ thẩm cũng như tại cơ quan điều tra, ông Thành thừa nhận hành vi mua bán 17 máy này là trái với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

HĐXX kết luận bị cáo Thành phạm tội kinh doanh trái phép đối với 17 máy phát điện. Bản án sơ thẩm đánh giá: “Hành vi của bị cáo Thành là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm các quy định của Nhà nước trong hoạt động quản lý kinh tế, cụ thể là hoạt động đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo khai quá trình hoạt động kinh doanh không có sổ sách, hóa đơn chứng từ thu chi nên không có căn cứ buộc bị cáo nộp lại số tiền thu lợi bất chính.

Do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo 1 năm tù cho hưởng án treo, 2 năm thử thách tính từ ngày tuyên án và buộc bị cáo nộp phạt 10 triệu đồng”.

Phần này của bản án không bị kháng nghị, bị cáo cũng không kháng cáo.

Nói về lý do không kháng cáo kêu oan, ông Thành cho rằng không hiểu biết gì về pháp luật nên rất sợ bị bắt đi tù.

Tuy nhiên, sau khi vụ án ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào, được tuyên không phạm tội kinh doanh trái phép, ông Thành cho rằng ông cũng không phạm tội và ông mong được minh oan.

Cụ thể, ngày 22-4, ông Thành làm đơn gửi TAND cấp cao tại TP.HCM đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên ông Thành tội kinh doanh trái phép. 

* Luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao):

Không cấu thành tội phạm

Ông Thành có kinh doanh khác với giấy phép đăng ký kinh doanh, từ cho thuê, thành bán. Nhưng ông Thành đóng thuế đàng hoàng, không có gì trốn tránh. Nếu ông Thành mua bán máy phát điện thì cũng nên nhớ máy phát điện không phải hàng cấm.

Trong khi đó, sự hiểu biết của ông Thành về vấn đề đăng ký kinh doanh có hạn chế. Theo tôi, trường hợp này không đáng để xử hình sự, thậm chí xử hành chính cũng không đáng.

Hành vi của ông Thành, nếu chiếu theo khoản 4, điều 8 Bộ luật hình sự quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác...”.

Như vậy có thể khẳng định hành vi của ông Thành là không nguy hiểm cho xã hội thì không cấu thành tội phạm.

* Đại tá Nguyễn Văn Quý (trưởng Công an huyện Bình Chánh): 

“Tôi nhớ không rõ lắm”

Theo tìm hiểu, đại tá Nguyễn Văn Quý - người đã khởi tố, đề nghị truy tố sai với chủ quán Xin Chào về tội kinh doanh trái phép cũng chính là người ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đề nghị truy tố ông Thành.

Ông Lê Thanh Tòng, phó viện trưởng Viện KSND H.Bình Chánh, ký cáo trạng truy tố. Riêng thẩm phán, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm là ông Trần Hữu Ngôn, thẩm phán TAND H.Bình Chánh.

Trao đổi về vụ án này, đại tá Nguyễn Văn Quý - thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra, trưởng Công an H.Bình Chánh (hiện đang bị tạm đình chỉ công tác) nói: “Vụ việc diễn ra đã lâu, tôi không nhớ rõ lắm.

Tôi nhớ mang máng là anh em kiểm tra, phát hiện, đề xuất tôi hình thức xử lý. Tôi kiểm tra các quy định pháp luật, thấy đủ căn cứ thì đồng tình với đề xuất của cấp dưới. Giờ bản án đã có hiệu lực, hỏi tôi đánh giá thế nào thì rất khó trả lời.

Nếu hỏi tôi vì sao xử lý hình sự vi phạm nhỏ, pháp luật đã quy định rồi, nếu tôi không xử lý thì có thể bị xem xét về việc bỏ lọt tội phạm. Tôi chỉ nghĩ là cần xử lý nghiêm nên phát hiện vi phạm là phải xử lý thôi”.

GIA MINH - HOÀNG ĐIỆP (giaminh@tuoitre.com.vn)
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        398,199       812