Pháp luật

​Một hành vi, hai bản án khác nhau

TTO - Cùng một hành vi bị cáo Nguyễn Văn Tâm nhờ làm chứng thư bảo lãnh và chứng thư này được xác định là giả nhưng TAND tinh Long An và TAND quận Thủ Đức có 2 nhận định khác nhau.

Các bị cáo tại tòa sáng 22-4 -Ảnh: Hoàng Điệp

Ngày 22-4, HĐXX TAND cấp cao tại TP.HCM đưa vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Văn Tâm (ấp Mỹ Long, xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) và đồng phạm ra xét xử. Số tiền được cho là ông Tâm chiếm đoạt là 1,3 tỉ đồng.

Điều đặc biệt, cùng một hành vi nhờ làm chứng thư bảo lãnh của Nguyễn Văn Tâm nhưng TAND tỉnh Long An và TAND quận Thủ Đức, TP.HCM đã có 2 nhận định khác nhau.

Nhờ nhân viên ngân hàng làm chứng thư bảo lãnh: Bị kết án 14 năm tù!

Tháng 10-2012, cần tiền để mua thức ăn cho cá, ông Nguyễn Văn Tâm nhờ người môi giới để tìm ngân hàng làm chứng thư bảo lãnh đối với doanh nghiệp bán thức ăn cho cá.

Lần thứ nhất, ông Tâm bị một nhân viên ngân hàng giao cho một chứng thư giả với giá 350 triệu đồng. Chứng thư bị phát hiện giả, ông Tâm báo công an và nhân viên ngân hàng đó bị khởi tố, kết án.

Do cần tiền mua thức ăn cho cá, ông Tâm tiếp tục nhờ người quen giới thiệu ngân hàng nào có thể cấp được chứng thư bảo lãnh. Lần này, ông được giới thiệu gặp Trần Quốc Việt, nhân viên giao dịch của ngân hàng Hàng Hải Việt Nam.

Lần này, nhân viên ngân hàng xuống tận nhà để đánh giá tài sản, thỏa thuận mức tiền “hoa hồng” là 350 triệu đồng. Sau đó ông Tâm được giao một chứng thư. Nhưng chứng thư này cũng bị phát hiện là giả khi ông Tâm mang tới công ty Deachan (Bến Lức, Long An). Ông Tâm tiếp tục đi báo công an nhưng không được thụ lý.

Thức ăn cho cá ông đã lấy về, doanh nghiệp bán thức ăn đòi tiền không được đã tố cáo, công an bắt Việt, Việt khai ông Tâm nhờ làm chứng thư giả để lừa đảo. Ông Tâm bị khởi tố sau đó và bản án của TAND tỉnh Long An tuyên ông Tâm 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Không chỉ ông Tâm bị đi tù, mà những người giới thiệu giúp ông làm chứng thư như: Lê Đức Minh, Bùi Sơn Đông cũng bị kết án trong bản án sơ thẩm và cả ba người kháng cáo kêu oan.

Trong phiên tòa sơ thẩm, ông Tâm khai không biết chứng thư đó là giả. Vì không còn tài sản thế chấp nên ông Tâm tìm kiếm một cách nào đó hợp pháp để có được chứng thư bảo lãnh.

Cũng trong phiên tòa này, bị cáo Minh, Đông cho rằng mình không bàn bạc giúp sức cho Việt làm chứng thư giả và cũng không biết chứng thư đó là giả.

Tại phiên tòa ngày 22-4, Trần Quốc Việt không có mặt tại tòa do đang thi hành bản án (Việt bị kết án 9 năm tù).

Luật sư bào chữa cho các bị cáo Tâm, Minh, Đông đề nghị hoãn phiên tòa vì nếu vắng Việt, luật sư không thể xét hỏi và làm rõ các vấn đề liên quan nhưng HĐXX cho rằng việc vắng Việt  không ảnh hưởng đến phiên xử nên vẫn tiếp tục phiên tòa.

Cùng hành vi, TAND quận Thủ Đức tuyên ông Tâm là bị hại

Liên quan đến hành vi làm chứng thư giả, bản án sơ thẩm hình sự ngày 25-9-2015 (đã có hiệu lực pháp luật của TAND quận Thủ Đức) đã xác định ông Tâm là bị hại.

Theo đó, ông Tâm là chủ doanh nghiệp Tâm Thịnh có nhu cầu làm hợp đồng bảo lãnh trị giá 5 tỉ đồng trong thời hạn 2 tháng để vay vốn mua thức ăn cho cá.

Người quen của ông Tâm đã đến gặp Nguyễn Vũ Hồng Minh (nhân viên phòng giao dịch thuộc ngân hàng TMCP Công thương Sài Gòn), Minh cho rằng có thể làm được. Những người môi giới và Minh đã yêu cầu ông Tâm đưa 350 triệu đồng để thực hiện.

Sau đó Minh tự soạn hợp đồng, tự ký và đóng dấu tên của trưởng phòng giao dịch, sau đó giao chứng thư bảo lãnh cho ông Tâm ở quán cà phê.

Có được chứng thư trong tay, ông Tâm mang đến công ty bán thức ăn cho cá để lấy thức ăn, nhưng tại đây, phát hiện chứng thư giả nên ông Tâm đi tố cáo với công an. Minh bị bắt và bản án của TAND quận Thủ Đức xử Minh 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo vì “làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”. Ông Tâm được hoàn trả lại số tiền đã bị chiếm đoạt.

HOÀNG ĐIỆP
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        397,583       1,266