Pháp luật

Người thân bị bắt cóc, cần phải làm gì?

TTO - Việc học sinh 11 tuổi tại Bình Thuận bị một người thân quen của gia đình bắt cóc rồi giết hại đã đặt ra vấn đề gia đình nạn nhân cần xử lý ra sao trong tình huống tương tự?

Hàng trăm người dân bàng hoàng theo dõi quá trình khám nghiệm hiện trường của cơ quan công an - Ảnh: Nguyễn Nam
Hàng trăm người dân bàng hoàng theo dõi quá trình khám nghiệm hiện trường của cơ quan công an - Ảnh: Nguyễn Nam

Khi những vụ án bắt cóc trẻ em xảy ra, mục đích cao nhất của đối tượng bắt cóc là kiếm tiền.

Chúng sẽ tìm mọi cách để che giấu hành vi phạm tội, đe dọa, liên tục thay đổi địa điểm, nơi hẹn để người nhà nạn nhân rơi vào trạng thái hoang mang, hoảng loạn tột độ mà làm theo yêu cầu của chúng.

Khi vụ việc xảy ra, các đối tượng đều đe dọa gia đình không được báo công an, nếu không con tin sẽ bị sát hại. Đối tượng bắt cóc thường biết các thông tin về nạn nhân và gia đình nạn nhân như quy luật sinh hoạt ra sao, gia đình có một hay hai con, có tiền hay không…

Chúng thường sử dụng biện pháp đe dọa gia đình để kiếm được nhiều tiền nhất có thể. Có một lời khuyên rất cơ bản trong những trường hợp này là gia đình phải hết sức bình tĩnh.

Về mặt hình thức thì phải hợp tác, làm theo mọi yêu cầu của đối tượng vì yêu cầu cao nhất là phải đảm bảo an toàn cho con tin.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý không phải cứ đáp ứng tất cả yêu cầu là nạn nhân được thả, vì có trường hợp khi đối tượng lấy được tiền rồi sẽ sát hại con tin vì sợ bị lộ.

Giết người diệt khẩu là quy luật tâm lý của tội phạm. Gia đình nên tìm mọi cách hợp tác, kéo dài thời gian để tìm hiểu về đối tượng, tìm hiểu thêm thông tin về nạn nhân.

Hiện nay có một sai lầm lớn là nhiều gia đình do bị đe dọa, sợ hãi nên không báo công an. Việc cần làm ngay là bí mật báo cho công an.

Trên thực tế có nhiều trường hợp gia đình nạn nhân tự giải quyết và nạn nhân bị sát hại. Việc báo tin nếu chậm giờ nào thì nguy hiểm cho con tin giờ đó.

Đại tá, PGS.TS ĐỖ CẢNH THÌN 

(Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu

tội phạm và điều tra tội phạm,

Học viện Cảnh sát nhân dân)

TÂM LỤA ghi
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        399,324       155