TTO - Trong vụ tranh chấp tờ vé số độc đắc 1,5 tỉ đồng, tòa tuyên buộc đại lý Triều Phát phải trả thưởng nhưng lại không làm rõ việc có hay không hành vi đánh tráo vé số này liệu có bỏ lọt tội?
Ảnh chụp tờ vé số cắt dán 2 số đầu và cuối thành “9” và “8”, trong khi dòng chữ in bên trên vẫn còn giữ nguyên là “bảy” và “hai” - Ảnh: K.Nam |
Vụ tranh chấp tờ vé số trúng giải đặc biệt giữa bà Nguyễn Thị Tuyết và đại lý vé số Triều Phát (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) kéo dài gần 5 năm đã được tòa án phán quyết bằng bản án dân sự ngày 4-4, buộc đại lý phải bồi thường 1,5 tỉ đồng.
Trước đó, cơ quan công an đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi đánh tráo tờ vé số độc đắc này nhưng rồi lại đình chỉ vụ án, chuyển sang cho tòa dân sự giải quyết.
Nhùng nhằng tranh chấp dân sự - hình sự rồi lại dân sự
Diễn biến vụ việc tranh chấp hi hữu này như sau: ngày 21-7-2011, bà Tuyết nhận được điện thoại của con trai là Nguyễn Thành Được - làm nghề bán vé số dạo - báo tin mình trúng số độc đắc.
Sáng 22-7-2011, bà Tuyết và người thân đã mang tờ vé số có dãy số “938368” do Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh An Giang phát hành đến đại lý vé số Triều Phát tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đổi thưởng.
Ông Ngô Xương Phúc - chủ đại lý vé số - đã tiếp nhận vé số, kiểm tra rồi nói cho bà Tuyết biết tờ vé số đã trúng giải đặc biệt 1,5 tỉ đồng.
Ông Phúc tự tay ghi số chứng minh nhân dân và họ tên bà Tuyết lên mặt sau tờ vé số rồi đưa lại cho cậu ruột bà Tuyết là ông Trần Thanh Phương ký tên.
Hai bên thỏa thuận sau khi trừ thuế thu nhập cá nhân, tiền hoa hồng mà đại lý được hưởng thì số tiền mà bà Tuyết được nhận là 1,344 tỉ đồng, trả bằng 20 lượng vàng 24k và tiền mặt.
Tuy nhiên, sau đó cháu ruột của ông Phúc là Ngô Xuân Bình tri hô rằng 2 số đầu của dãy số đã bị cắt dán chồng lên nên gọi công an đến can thiệp.
Sau khi tiếp nhận vụ việc, lấy lời khai các bên liên quan, xem lại camera tại đại lý vé số, Công an TP Rạch Giá kết luận không đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. Vụ việc được chuyển sang TAND TP Rạch Giá thụ lý để giải quyết tranh chấp theo thủ tục dân sự.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự này, ông Ngô Xương Phúc cho rằng mình đã có sai sót, chủ quan trong khi kiểm tra vé số nên đã thỏa thuận đổi vé thưởng cho bà Tuyết, khẳng định mình không đánh tráo tờ vé số của bà Tuyết.
Tuy nhiên, sau đó Viện Khoa học hình sự thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an đã giám định và kết luận: tờ vé số mà người nhà bà Nguyễn Thị Tuyết đưa cho ông Ngô Xương Phúc và tờ vé số mà ông Trần Thanh Phương ký tên vào không phải cùng một tờ vé số.
Từ kết quả giám định trên, TAND TP Rạch Giá đã chuyển hồ sơ đề nghị Cơ quan CSĐT công an khởi tố vụ án hình sự vì cho rằng vụ việc có dấu hiệu tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Viện KSND TP Rạch Giá đã ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự trước đó, đồng thời giao cơ quan CSĐT khởi tố điều tra vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, 9 tháng sau đó, cơ quan điều tra lại kết luận: không có việc đại lý Triều Phát tráo đổi vé số trúng giải đặc biệt, không có căn cứ để khởi tố bị can đối với ông Ngô Xương Phúc về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vụ việc lại được chuyển về TAND TP Rạch Giá để giải quyết theo thủ tục dân sự.
Ngày 4-4 vừa qua, hội đồng xét xử đã tuyên án cho bà Tuyết thắng kiện, buộc chủ đại lý vé số Triều Phát phải bồi thường cho bà 1,5 tỉ đồng. Do bà Tuyết không có yêu cầu nên các khoản thiệt hại phát sinh không được tính đến.
Theo hội đồng xét xử, kết luận giám định tờ vé số mà người nhà bà Tuyết đưa cho ông Ngô Xương Phúc và tờ vé số mà ông Trần Thanh Phương ký tên vào không phải cùng một tờ vé số - kết luận này là chứng cứ trực tiếp.
Về nguyên tắc giao dịch dân sự, ông Phúc đã tiếp nhận tờ vé số từ tay bà Tuyết, sau khi kiểm tra bằng mắt thường và máy soi, ông Phúc đã kết luận tờ vé này trúng giải 1,5 tỉ đồng, đồng thời thỏa thuận chi tiết việc đổi thưởng cho bà Tuyết, như vậy giao dịch dân sự đã được xác lập.
Nghĩa vụ chứng minh sự tồn tại hay không tồn tại tờ vé số được ông Phúc kết luận đã trúng giải đặc biệt là của ông Phúc, bà Tuyết không có nghĩa vụ phải chứng minh việc này.
Bà Tuyết cùng con trai vui mừng sau khi nghe tòa tuyên án - Ảnh: K.Nam |
Cần khôi phục điều tra vụ án hình sự
Về vụ án này, luật sư Võ Xuân Trung - Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết mấu chốt của vụ án là việc một bên (bà Tuyết) khẳng định vé số của mình là thật, không phải tờ vé số bị cắt dán trong khi bên kia (đại lý vé số Triều Phát) lại đưa ra 1 tờ vé số bị cắt dán và cho rằng đó là vé số của bà Tuyết.
Trong vụ án này, TAND TP Rạch Giá đã tuyên cho bà Tuyết thắng kiện, tức thừa nhận tờ vé số mà bà Tuyết đem đến đổi là vé số thật. Điều này cũng có nghĩa là tờ vé số mà đại lý Triều Phát đưa ra không phải là tờ vé số mà bà Tuyết đem đến, tức đã có dấu hiệu hành vi gian dối trong vụ việc này.
Do đó, việc bản án sơ thẩm tuyên cho bà Tuyết thắng kiện mà không đề nghị cơ quan điều tra xem xét làm rõ dấu hiệu lừa đảo hay làm giả giấy tờ có giá khác (làm giả vé số) là để bỏ lọt tội phạm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi tuyên cho bà Tuyết thắng kiện, thẩm phán Huỳnh Thị Út Mẫn - chủ tọa phiên tòa - giải thích rằng trước đây tòa đã đề nghị khởi tố vụ án hình sự nhưng các cơ quan tố tụng đã không thể làm rõ nên mới đưa vụ việc ra giải quyết theo hướng dân sự.
Nay muốn xử lý theo hướng hình sự thì tòa không còn quyền đề nghị nữa, mà đương sự trong vụ án khiếu nại thì mới được xem xét.
Luật sư Đoàn Công Thiện - chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang - cũng cho rằng vụ việc từ chỗ có yếu tố tội phạm hình sự được chuyển thành dân sự và xử thua cho một phía là rất khó thuyết phục.
Đến thời điểm này, bản án dân sự sơ thẩm vẫn chưa có hiệu lực thi hành, do đó nếu xét thấy mình bị ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp thì các bên có thể khiếu nại để trưng cầu giám định lại băng ghi hình, cũng như khiếu nại khôi phục điều tra vụ án hình sự.