Giáo dục

Sở GD- ĐT Hà Nội nói gì về kỳ tuyển sinh 'nóng', nhiều bất thường?

TTO - Các trường tư thu tiền 'giữ chỗ' là sai, làm khó phụ huynh rút hồ sơ, không trả lại tiền là thiếu nhân văn... Sở GD-ĐT Hà Nội hứa sẽ chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

Sở GD- ĐT Hà Nội nói gì về kỳ tuyển sinh nóng, nhiều bất thường? - Ảnh 1.

Ông Lê Ngọc Quang - Phó giám đốc sở GD-ĐT Hà Nội, tại buổi trao đổi với báo chí chiều 10-7 - Ảnh: VĨNH HÀ

Nhiều trường ngoài công lập đã trả tiền 'giữ chỗ' cho phụ huynh - đây là một trong những thông tin được lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết trong cuộc trao đổi với báo chí khi đề cập đến những vấn đề 'nóng' trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay.

Thu tiền "giữ chỗ" là sai quy định

Bày tỏ quan điểm của Sở GD-ĐT Hà Nội về câu chuyện "giữ tiền của phụ huynh khi rút hồ sơ cho con" đã diễn ra ở nhiều trường ngoài công lập trong thành phố, ông Lê Ngọc Quang - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành thì trong các khoản thu được phép không có một khoản nào gọi là tiền "giữ chỗ", "ghi danh" hay "đặt cọc". Vì thế các trường tự ý thu các khoản này của cha mẹ học sinh là sai.

Bên cạnh đó, ứng xử của các trường khi gây khó khăn cho phụ huynh rút hồ sơ, không trả lại tiền là thiếu tính nhân văn. Nhất là việc các trường biện minh bằng cách áp đặt việc này như thỏa thuận mua bán với cách dùng từ "hợp đồng", "đặt cọc"… không phù hợp với môi trường giáo dục.

"Khi học sinh thay đổi lựa chọn nơi học mà 'mất tiền, muốn có chỗ học phải 'đặt cọc' thì các nhà trường cũng khó có thể giáo dục nhân cách học sinh", ông Quang nói.

Giải thích về dư luận từng cho rằng Sở GD-ĐT Hà Nội im lặng trước việc trường và phụ huynh giằng co chuyện tiền giữ chỗ, ông Lê Ngọc Quang cho biết ngay đầu tháng 7, sở đã có một văn bản chỉ đạo chung các trường ngoài công lập phải chấn chỉnh cách tổ chức tuyển sinh để không gây phiền hà cho phụ huynh, không giữ hồ sơ của những học sinh muốn chuyển nguyện vọng nhập học và không thu các khoản tiền giữ chỗ, ghi danh.

Những trường để xảy ra tình trạng này được báo chí nêu, sở có văn bản riêng yêu cầu thực hiện.

Sở GD- ĐT Hà Nội nói gì về kỳ tuyển sinh nóng, nhiều bất thường? - Ảnh 2.

Phụ huynh đến Trường Lương Thế Vinh yêu cầu trả lại tiền nhưng bị chặn ngoài cổng - Ảnh: V.HÀ

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, đến ngày 10-7, đã có nhiều trường ngoài công lập trả lại tiền hoặc đích danh người đứng đầu nhà trường thông báo sẽ trả tiền phụ huynh. Cụ thể là trường Marie Curie, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ, Tạ Quang Bửu, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Newton…

Ông Quang cũng cho biết lãnh đạo thành phố Hà Nội và lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Nội phải chỉ đạo các trường giải quyết dứt điểm việc trả lại tiền đã thu trái quy định.

Nói thêm về điều này, ông Quang cho biết theo quy định, các trường ngoài công lập phải công khai thông tin về trường trước mùa tuyển sinh bao gồm tiền học phí, lịch tuyển sinh, điều kiện tuyển sinh…

"Trong các khoản thu, học phí là bắt buộc nhưng có những khoản như đồng phục cũng không nên bắt buộc mà tùy thuộc vào tự nguyện của cha mẹ học sinh", ông Quang nêu quan điểm.

Sẽ có văn bản quy định về công bố điểm chuẩn

Trao đổi về những điểm nóng của mùa tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho rằng nguyên nhân chủ yếu do số lượng học sinh dự tuyển vào lớp 10 tăng đột biến.

Việc cho phép các trường ngoài công lập và trường công lập tự chủ tuyển sinh bằng xét học bạ và tuyển sinh sớm là một cách để giảm áp lực.

Nhưng theo ông Quang, có một số trường đã gây bức xúc do cách hành xử trong việc công bố tuyển sinh. Điển hình như trường Tạ Quang Bửu công bố nhiều mức điểm chuẩn khác nhau khiến phụ huynh lo lắng.

"Sở sẽ ban hành quy định về công bố điểm chuẩn đối với trường tư. Theo đó các trường chỉ nên công bố một mức điểm chuẩn. Nếu có các mức khác nhau thì mức sau phải hạ so với mức trước và chỉ tuyển đủ chỉ tiêu thì ngừng", ông Lê Ngọc Quang cho biết.

Tại cuộc trao đổi, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng việc công bố phổ điểm cũng khó để phụ huynh hình dung mức điểm của con.

Nhưng sở cũng sẽ cân nhắc việc này nhân việc năm nay điểm thi của Hà Nội giảm mạnh dẫn tới tâm lý phụ huynh hoang mang, xảy ra việc nháo nhào nộp đơn nhập học ở một số nơi.

Điểm thi giảm mạnh là do… bỏ cộng điểm

Trả lời chất vấn của báo chí về hiện tượng điểm thi giảm mạnh, ông Lê Ngọc Quang cho rằng năm nay bỏ quy định cộng điểm khuyến khích nên tổng điểm để xét tuyển của nhiều học sinh giảm. Và đây là dấu hiệu tốt.

Theo ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT Hà Nội, điểm thi của Hà Nội năm nay chỉ giảm số điểm từ 8 trở lên. Nhưng "như thế phổ điểm còn đẹp hơn năm trước và đánh giá thực chất hơn do bỏ cộng điểm khuyến khích".

"Phổ điểm đẹp nhưng có thực chất không khi nhiều học sinh được đánh giá học lực tốt ở trường THCS thì chỉ đạt mức điểm thấp, còn học sinh được đánh giá học lực trung bình, khá lại có điểm cao?"

"Nhiều giáo viên THCS ở Hà Nội bức xúc khi Sở GD-ĐT bố trí giám khảo chấm thi chủ yếu là giáo viên THPT, mỗi trường THCS chỉ có 1 giáo viên tham gia chấm. Vì thế việc chấm thi không hợp lý".

"Hướng dẫn chấm thi cứng nhắc, không phát huy sáng tạo của học sinh khiến nhiều học sinh có năng lực môn Văn bị rớt điểm".

Những băn khoăn trên chưa được lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội trao đổi cụ thể nhưng ông Lê Ngọc Quang khẳng định sẽ rút kinh nghiệm toàn bộ các khâu sau khi việc tuyển sinh đầu cấp kết thúc, trong đó có khâu ra đề, chấm thi.

Việc rút kinh nghiệm này cũng để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm sau có nhiều đổi mới về phương thức.

Trường khăng khăng không trả tiền phụ huynh, sở vẫn im lặng Trường khăng khăng không trả tiền phụ huynh, sở vẫn im lặng

TTO - 'Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm là không trả lại tiền và không có trách nhiệm phải hoàn trả tiền', phó hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội, tuyên bố.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        136,200       26