Xã hội

Bạn đã là người Sài Gòn khi bước chân đến Sài Gòn

PN - Với nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, một “người Sài Gòn nhập cư”, khi ở Sài Gòn, hầu như chẳng có người nhập cư nào nghĩ mình là dân nhập cư cả. Bởi, “hễ bước chân đến Sài Gòn, bạn đã là người Sài Gòn”.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu nói, yêu Sài Gòn, trước hết là yêu những gì thân thuộc với mình, như con hẻm sạch sẽ của nhà mình ở quận Phú Nhuận, dăm chỗ ăn sáng thân quen, ly cà phê nhiều đá đặc trưng ở vỉa hè hay những chốn nhậu riêng của văn nghệ sĩ.

Anh hỏi một câu mà chắc ai nghe cũng gật: “Sài Gòn có thể chưa ổn chỗ này chỗ kia, nhưng nếu ai đã sống ở đây rồi thì không muốn đi nơi khác nữa, đúng không?”.

1.   Xuất thân trong một gia đình nghèo ở Đà Nẵng, tốt nghiệp tú tài, anh ra Huế để theo học đại học. Tưởng cuộc đời gắn với Huế, nhưng con người “sống bằng cảm xúc” như anh đã không chịu nổi khi Huế mưa trắng trời, dai dẳng, thê thiết. Anh buồn quá mà bỏ Huế, tìm đường vào Sài Gòn.

Chẳng phải nhà thơ thì cần buồn, thích buồn? Anh chia sẻ: “Nhà thơ cũng cần vui để nhìn lại nỗi buồn trọn vẹn hơn. Tính tôi cũng sôi nổi, nên tôi đã tìm vào Sài Gòn”.

Phạm Sỹ Sáu cùng Lê Quang (nay là Bí thư Đảng đoàn Khối các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh), chụp ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn năm 1982, trong một chuyến về phép.

Năm 1974, anh theo học chứng chỉ lý - hóa – vạn vật ở Đại học Khoa học Sài Gòn để chuẩn bị thi vào ngành y, ngành mà anh mơ ước. Anh học giỏi, đủ tiêu chuẩn du học Úc theo học bổng Colombo nhưng có điều gì đó thôi thúc anh ở lại với Sài Gòn.

Anh kể, ngay từ những ngày đầu đến Sài Gòn, có thể là do hợp với nhịp sống ở đây nên anh cảm thấy thoải mái và tự tin như mình là người Sài Gòn đích thực. Nhà có nhiều người thân theo cách mạng, anh cũng sớm tham gia các hoạt động của sinh viên Sài Gòn, đặc biệt là công tác từ thiện ở Hội Ái hữu sinh viên - học sinh Quảng Đà.

Ngày 30/4/ 1975, anh chứng kiến cảnh ngổn ngang, nháo nhào của thành phố trong tâm trạng hào hứng xen lẫn lo lắng. Việc học sẽ dở dang, cuộc sống phải bắt đầu lại từ đầu.

Nhưng đến bây giờ nhớ lại, anh bảo “đó là thời khắc thật đặc biệt đối với tất cả mọi người. Với riêng tôi, với tâm thế của một người đứng lặng lẽ quan sát khi mọi người đang tất tả, càng thấy nó đặc biệt. Sài Gòn mở ra một bộ mặt mới, nhịp sống mới để tôi cùng sống với nó”.

Nhờ thể hiện năng khiếu văn nghệ, ngày 1/5/1975, anh được phân công về làm công tác văn hóa thông tin ở quận Hạnh Thông (thuộc quận Gò Vấp hiện nay). Trong một dịp sinh hoạt hè, anh gặp chị Mai (vợ anh bây giờ), một cô gái gốc Sài Gòn.

Dù chiến tranh đã kết thúc, nhưng hào quang vẻ vang mà những người thân trong gia đình anh tạo nên trong công cuộc đánh đuổi ngoại xâm khiến anh nuôi ý chí “mình cũng làm được như cha anh”, nên quyết định nhập ngũ.

Với cô gái Sài Gòn ấy, dù chưa phải yêu nhau “chính thức”, nhưng ngày anh lên đường, cô khóc sướt mướt. “Đến khi tôi thấy Mai khóc, tôi biết, cô gái người Sài Gòn ấy đã thuộc về mình, sẽ gắn bó với mình lâu dài”.

2.   Tháng 12/ 1977, anh lên biên giới, ở căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh). Cuộc sống khắc nghiệt và cô quạnh ở biên giới khiến anh càng nhớ Sài Gòn. “May mà có người yêu để biên thư, cũng là cách để mình có cảm giác như vẫn chưa bị rời xa Sài Gòn”.

Anh kể một câu chuyện ít người biết: “Thời đó, nhiều người vẫn nghĩ người lính nào xuất thân từ Sài Gòn cũng ăn chơi nhảy múa là giỏi, chứ đánh đấm gì! Tôi cũng được coi là lính xuất thân Sài Gòn, đã cùng với anh em Sài Gòn khác nỗ lực tập luyện và đi đầu trong chiến đấu cũng như trong các phong trào văn nghệ để "người ta nể người Sài Gòn".

Năm 1978, Phạm Sỹ Sáu cùng đồng đội trải qua những ngày tháng khốc liệt ở chiến trường biên giới Tây Nam. Anh kể: “Chiến tranh ác liệt lắm, khác xa những gì có thể thể hiện trong văn thơ, vượt xa sức tưởng tượng của những ai chỉ nghe kể mà không tận mắt chứng kiến. Đồng đội tôi ngã xuống cũng nhiều. Tôi cũng vào sinh ra tử nhiều phen, may mắn chỉ bị những vết thương nhẹ. Nhưng có một vết thương lớn mà ít người nhắc đến - vết thương tâm lý”.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu và vợ.

Vết thương tâm lý mà anh nhắc đến vẫn hằn sâu đến tận bây giờ. Năm 1987, anh trở lại Sài Gòn, làm ở báo Quân Khu 7. “Trải qua cuộc chiến, chứng kiến những mất mát quá lớn, tôi bị chai lì cảm xúc, độ nhạy cảm không còn được như xưa”.

Mang vết thương tâm lý như thế, anh có phần lặng lẽ hơn khi nhìn lại Sài Gòn, ở trong Sài Gòn và hòa vào nhịp sống Sài Gòn trong thời kỳ mới.
Vợ làm kế toán, anh cũng rời quân ngũ, về làm việc ở Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh rồi chuyển về Nhà xuất bản Trẻ. Cuộc sống êm trôi trong ngôi nhà nhỏ mà anh được quân đội cấp.

Anh bộc bạch: “Không phải tôi thấy Sài Gòn sang hơn Đà Nẵng mà tôi nhận vơ, nhưng trong sâu xa, đã từ lâu, tôi xem Sài Gòn là vùng đất của mình, là nơi mình thuộc về, còn Đà Nẵng chỉ là nơi để nhớ. Bà xã tôi là người Sài Gòn gốc nữa, nên tôi chịu ảnh hưởng phong cách, lối sống của người Sài Gòn rất nhiều”.

3.  “Làm sao tôi có đủ thời gian để kể hết được những điều thuộc về Sài Gòn mà tôi yêu, tôi nhớ, vì có quá nhiều thứ. Tôi chỉ có thể kể những điều khác biệt của Sài Gòn mà tôi yêu”- anh chia sẻ.

Dân văn chương và lại đang làm trong ngành xuất bản sách, với Phạm Sỹ Sáu, Sài Gòn là nơi có văn hóa đọc cao. Chỉ riêng người Sài Gòn đã ngốn hết gần 40% số lượng sách trên cả nước, dù tỉ lệ dân số chỉ chiếm chưa đến 10%.

Với báo chí cũng vậy. Đa số người Sài Gòn vẫn duy trì được thói quen chào ngày mới bằng tờ báo cùng ly cà phê. Báo chí ở Sài Gòn luôn sôi động nhất cả nước. Có lẽ, vì đọc nhiều nên họ cũng kiệm lời hơn.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu phát hiện, người Hà Nội đọc báo để lấy thông tin (không đọc cho riêng mình mà đọc xong thì có thông tin kể lại cho người khác), trong khi người Sài Gòn đọc báo để lấy tư liệu. Họ đọc và âm thầm cất riêng cho mình. Tất nhiên, anh cũng đọc theo cách đó.

Theo anh, không khí văn nghệ của dân Sài Gòn cũng trầm ấm, thân tình, nhã nhặn, không đao to búa lớn, không cố nổi tiếng bằng cách cố đánh bóng bản thân. Những văn sĩ TP.HCM thường có những chỗ “tụ tập” riêng để uống rượu và khá kén bạn trong một bữa nhậu. Bởi vậy, câu chuyện của họ diễn ra hiền hòa, ít khi gặp “gam chỏi” trong “bản hòa âm riêng”. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu cũng vậy, bao nhiêu năm qua, vẫn yêu cái cách nâng chén bên những người bạn văn nghệ thân tình ở một vài chốn quen.

Vợ chồng nhà thơ Phạm Sỹ Sáu.

Nhà thơ chớm tuổi lục tuần này cho rằng, chỉ cần đứng khoảng 15 phút quan sát đường phố là cảm nhận được tinh thần của đô thị Sài Gòn hiện nay. Theo anh, sau 40 năm thống nhất, người Sài Gòn đáng yêu ở những nét rất riêng. Họ chạy xe hiền hòa, gặp va quẹt cũng ít gây gổ, vừa chạy xe vừa nhìn nhau để học nhau.

Thành phố có sự ngăn nắp trong xô bồ. Ấy là việc những chị bán hàng trên hè phố, dù lúc bán thì có lần chiếm vỉa hè nhưng bán hết lại thu dọn rất sạch sẽ để trả lại hiện trạng; hay thỉnh thoảng, khi cần xếp hàng, người Sài Gòn cũng xếp hàng khá hơn các miền khác.

Anh nói: “Tôi thấy người Sài Gòn rất biết lo cho cái chung, ít chụp giật. Đa phần người Sài Gòn rộng bụng, khá hào hiệp. Mỗi khi có một nghệ sĩ hay một hoàn cảnh đáng thương nào được đưa lên phương tiện truyền thông đại chúng, lập tức có nhiều người chung tay ngay. Tôi hay để ý những điều nhỏ nhặt nhưng “rất Sài Gòn”, và tôi yêu thành phố từ những điều nhỏ ấy. Đơn cử, vào mùa nắng nóng này, ra đường, ta có thể bắt gặp những bình trà đá miễn phí, hay những quán cơm giá chỉ hai ngàn đồng để phục vụ cho người nghèo chẳng hạn. Nghĩ đến những điều đó, thấy ấm lòng ngay”.

Theo nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, một “người Sài Gòn nhập cư”, nét đặc thù đáng yêu không thể không kể đến của Sài Gòn là ở đây, hầu như chẳng có người nhập cư nào nghĩ mình là dân nhập cư cả.

Bởi, hễ bước chân đến Sài Gòn, bạn đã là người Sài Gòn.

TRẦN TRIỀU

www.phunuonline.com.vn

Sài Gòn, tình yêu và nỗi nhớ, đất lành, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, 40 năm, giải phóng miền Nam


      © 2021 FAP
        750,613       14