Xã hội

Khơi lại ký ức một thời hoa lửa của phụ nữ Sài Gòn

PN - Thế hệ sau cảm phục biết bao khi biết ám hiệu trong chiến đấu của các má, các dì là những cử chỉ giàu nữ tính như tiếng rao, lời ru, câu đồng dao, tiếng gọi con về ăn cơm...

Các má, các dì tại buổi giao lưu. Đây là những nhân vật trong tuyến bài Phụ nữ Sài Gòn - một thời hoa lửa trên Báo Phụ Nữ

Má Hồ Thị Nhung (Út Nhung) - một trong những “Người mẹ 18 thôn vườn trầu” tiêu biểu kể: “Chiến tranh khốc liệt đến mức, khi làm nhiệm vụ nuôi giấu bộ đội, tôi đã xác định mình có thể chết bất cứ lúc nào. Tôi còn nghĩ, nếu chết, mình còn may mắn vì được chết trên mặt đất, chứ đồng đội của mình có thể phải hy sinh dưới lòng đất”.

Thế hệ sau khó tưởng tượng được, má Sáu Nhung đã mưu trí, sáng tạo trong việc bảo vệ bộ đội như thế nào. Bà và bộ đội đã thống nhất ám hiệu với nhau. Có lần, một tiểu đội nghi ngờ, tìm đến nhà bà để kiểm tra, bà ra ám hiệu bằng cách hét to “con chạy đi kêu em về ăn cơm”, rồi bà báo cho chồng để chồng ra ám hiệu bằng cách đập 5 nhát cuốc. Nhờ vậy, đồng đội thoát chết trong gang tấc.


Má Nhung kể chuyện nuôi giấu cán bộ

Tại cuộc giao lưu, có những câu chuyện khiến khán giả không kìm được xúc động, như chuyện của chị Nguyễn Thị Anh Thư. Trước năm 1975, chị Thư mới là học sinh cấp 3 nhưng đã hoạt động cách mạng. Chị được “Bà mẹ Bàn Cờ” Trần Thị Ngọc Sương nuôi giấu.

Chị kể: “Việc đào hầm để giấu vũ khí và nuôi bộ đội trong nội ô là không đơn giản. Để tránh địch phát hiện, chúng tôi phải đào từ từ, chuyển đất ra bãi rác từng lon nhỏ. Hàng xóm hỏi sao phải đi đổ đất, tôi bảo rằng nhà có chuột phá ống cống, không có tiền thuê thợ nên phải tự đào lên sửa chữa. Có lần, quân cảnh đi hai xe xuống kiểm tra, mang cả máy dò mìn. Má Ngọc Sương bị bắt, bị tra tấn nhưng quyết không khai. Công việc nuôi giấu cán bộ cách mạng trong nội ô rất nguy hiểm vì ở đâu cũng thấy tai mắt của địch. Giờ nhìn lại, tôi càng thấy nể phục các cán bộ cách mạng”.

Dì Đoàn Thị Bích Hoàn - chủ một đại lý kinh doanh che giấu cán bộ cách mạng

Địch cũng không ngờ được rằng những doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố cũng là “bức bình phong” che giấu cán bộ cách mạng. Có mặt tại cuộc giao lưu, dì Đoàn Thị Bích Hoàn (một trong những chủ đại lý phân phối bột Bích Chi) chia sẻ: “Tôi được cách mạng giao nhiệm vụ làm chủ một doanh nghiệp để mở rộng mối quan hệ với những người làm kinh doanh. Với vỏ bọc là chủ doanh nghiệp, tôi có điều kiện tiếp xúc với những thương nhân hàng đầu của thành phố để vận động họ ủng hộ tài lực cho cách mạng. Trong cửa hàng có người của cách mạng, hoạt động hiệu quả một thời gian dài”.

Cũng là chủ một đại lý của bột Bích Chi, dì Nguyễn Thị Ngọc Mai tự hào: “Thời đó tôi tự lái xe tải đi giao hàng và điều hành kinh doanh, nhưng thực chất là vận chuyển vũ khí và nuôi bộ đội trong nhà. Đến bây giờ, khi cách mạng thành công, đất nước thống nhất, tôi tự hào nhất là bản thân đã hoàn thành biết bao nhiệm vụ cách mạng mà cấp trên giao phó nhưng chưa một lần bị địch phát hiện”.

Bà Lê Huyền Ái Mỹ - Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ phát biểu tại cuộc giao lưu

Nhiều cánh tay của học sinh trường THPT Hồng Hà giơ lên để hỏi thêm các má, các dì về những điều mà trên sách giáo khoa chưa chuyển tải được. Có lẽ, hiếm khi các em được dự một “giờ học lịch sử” sống động và ý nghĩa đến vậy.

Bà Lê Huyền Ái Mỹ (Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM) chia sẻ: “Với mong muốn khơi dậy tinh thần trung thành, tận hiến cho Tổ quốc, chúng tôi rất tâm huyết khi tổ chức những cuộc giao lưu với các nhân chứng lịch sử như thế này, nhất là tổ chức cho các em học sinh tham dự. Chiến tranh thật khốc liệt, và càng khốc liệt hơn khi trực tiếp đặt gánh nặng lên đôi vai của phụ nữ. Thế hệ sau cảm phục biết bao khi biết ám hiệu trong chiến đấu của các má, các dì là những cử chỉ giàu nữ tính như tiếng rao, lời ru, câu đồng dao, tiếng gọi con về ăn cơm…”.

Hình ảnh ghi từ chương trình:

Quang cảnh cuộc giao lưu Phụ nữ Sài Gòn - một thời hoa lửa

Dì Nguyễn Thị Ngọc Mai kể chuyện lái xe đi giao bột đồng thời làm công việc vận chuyển vũ khí

Hai nữ nhà báo Nghi Anh - Hồng Phương cùng các nhân vật trong loạt bài Phụ nữ Sài Gòn - một thời hoa lửa

Cả khán phòng dậy tiếng vỗ tay theo lời hát của dì Mai

Các em học sinh trường THCS - THPT Hồng Hà chăm chú nghe các má, các dì kể chuyện...

... và hào hứng đặt câu hỏi giao lưu

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM tặng hoa cho các má, các dì

Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ, bà Lê Huyền Ái Mỹ tặng hoa cho má Nhung

Những người phụ nữ một thời hoa lửa ôn lại kỷ niệm

Trò chuyện, dặn dò thế hệ sau

Các thế hệ hội ngộ trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

TRẦN TRIỀU
Ảnh: V.TIẾN - TR.TRIỀU

www.phunuonline.com.vn

một thời hoa lửa, phụ nữ Sài Gòn, nuôi giấu chiến sĩ, đào hầm, cách mạng, thống nhất, giải phóng, 40 năm


      © 2021 FAP
        769,000       33