Xã hội

Chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng

PN - Từ cuộc vận động “Phụ nữ thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng” do Trung ương Hội phát động, nhiều mô hình thiết thực đã ra đời,

Tránh thói quen gây hại sức khỏe

Dù gian hàng phở của dì Trần Kim Loan tại chợ Tân Hương (P.Tân Quý, Q.Tân Phú) khá nhỏ, nhưng dì vẫn đăng ký tham gia mô hình “Thực phẩm sạch - tiêu dùng sạch”, có giấy chứng nhận VSATTP. Dì Loan vui vẻ: “Bán hàng ăn gần 20 năm, nhưng chỉ sau khi được tập huấn VSATTP, tôi mới biết có những thói quen thường ngày vô tình gây hại đến sức khỏe. Những lúc vắng khách, tôi tranh thủ dọn dẹp vệ sinh mặt bằng để hạn chế vi khuẩn phát sinh gây ô nhiễm. Tuyệt đối không để lẫn các thực phẩm chín - sống và phải tách biệt dụng cụ chế biến dùng cho từng loại thực phẩm…”.

Cô Phạm Thị Tuyết cũng kinh doanh hàng ăn uống tại chợ. Các món bánh đa cua, canh bún, bún riêu của cô được nhiều người biết đến bởi chất lượng ATVSTP. Nguyên liệu nấu chính như xương hầm, thịt cua… cô lấy ngay tại chợ, chọn loại tươi, nguồn gốc rõ ràng. Các loại gia vị màu điều, ớt sa tế… do cô tự làm. “Chịu cực xíu, nhưng đảm bảo chất lượng vì mua bên ngoài rất dễ có phẩm màu, hại sức khỏe người ăn”, cô Tuyết chia sẻ.

Từ năm 2012, Hội Phụ nữ (PN) Q.Tân Phú xây dựng mô hình “Thực phẩm sạch - tiêu dùng sạch”. Nhờ đó, ngay khi mở quán ăn, gia đình chị Lê Thị Tuyết Vân (P.Tây Thạnh) đã được Hội PN phường vận động tham gia. Chị Vân nói: “Quán bán cả ngày với số lượng các món ăn phong phú, nhưng từng quả chanh, củ tỏi đều chính tay tôi chọn. Tất cả nguyên liệu dù đã lấy mối ở chỗ quen nhưng khi phát hiện không đạt yêu cầu, tôi phản ứng ngay để họ giao nguyên liệu tốt hơn”.

Theo chị Tuyết Vân, khâu chọn thực phẩm là quan trọng nhất. Nguyên liệu tươi sống, hợp vệ sinh sẽ đảm bảo chất lượng món ăn, không ảnh hưởng xấu sức khỏe người dùng. Nguyên liệu sau sơ chế được bảo quản phù hợp. Tại quán, có hai nguồn nước: nước máy dùng để nấu sôi, sơ chế thực phẩm, nước giếng dùng để chùi rửa chén bát, lau dọn quán xá. Nhân viên ở quán đều khám sức khỏe định kỳ, được hướng dẫn kiến thức về VSATTP.

Quán cơm gà của vợ chồng chị Thu, anh Tùng kinh doanh với phương châm “Sức khỏe của khách cũng là của mình”

Nói không với thực phẩm bẩn

Chúng tôi đến quán cơm gà trên đường Tây Thạnh (P.Tây Thạnh) của vợ chồng chị Nguyễn Thanh Thu, anh Nguyễn Anh Tùng vào xế trưa, khi anh Tùng đang luộc gà chuẩn bị bán buổi chiều. Chị Thu niềm nở: “Không chỉ thức ăn đảm bảo vệ sinh mà nơi bán cũng phải sạch. Mọi thứ đồ dùng như chén đĩa, bàn ghế, dụng cụ làm bếp phải thường xuyên được chùi rửa, thay mới. Quán ngay mặt tiền đường nên không tránh khỏi khói bụi, nếu không chịu khó dọn vệ sinh, khách sẽ không dám vào…”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Liễu - Chủ tịch Hội LHPN P.Tây Thạnh cho biết, Hội PN phường thường xuyên phối hợp với các chi, tổ Hội rà soát các quán ăn, cơ sở kinh doanh thực phẩm để tuyên truyền, vận động tham gia mô hình.

Được biết, tất cả 11 phường tại Q.Tân Phú đều có mô hình “Thực phẩm sạch - tiêu dùng sạch”. Đến nay, có trên 50 tiểu thương, hộ kinh doanh ngành hàng ăn uống đăng ký tham gia, được cấp giấy chứng nhận VSATTP. Mỗi năm các cấp Hội PN đều có các đợt thanh tra ngẫu nhiên đối với các hộ đã đăng ký để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời nếu có trường hợp vi phạm.

Thời gian qua, các cấp Hội không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, PN về cách sản xuất - chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn; cách phát hiện và xử lý trường hợp ngộ độc thực phẩm. Việc nhân rộng mô hình “Thực phẩm sạch - tiêu dùng sạch” nhằm kêu gọi “mỗi PN hãy là người kinh doanh chân chính, là người tiêu dùng thông thái khi cương quyết nói không với thực phẩm không an toàn”.

“Cùng với các mô hình như “Vườn rau sạch”, “Tổ PN nói không với túi ni lông”, xây dựng “Gia đình năm không, ba sạch”… mô hình “Thực phẩm sạch - tiêu dùng sạch” góp phần thực hiện cuộc vận động “PN thực hiện VSATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng” do Trung ương Hội phát động”, chị Phạm Thị Tuyết - cán bộ chuyên trách Hội LHPN Q.Tân Phú chia sẻ.

 VIỆT PHƯƠNG

www.phunuonline.com.vn

sức khỏe cộng đồng, mô hình hoạt động Hội


      © 2021 FAP
        769,965       39