Xã hội

Thương những cây cầu

PN - Hồi còn đi học, có lần nhỏ bạn cùng lớp rủ qua nhà chơi ở khu Cư xá Ngân hàng. Đến nhà bạn phải đi qua cầu Tân Thuận. Lúc đó đang học cấp II, đứa nào cũng lọc cọc xe đạp,

Hồi còn đi học, có lần nhỏ bạn cùng lớp rủ qua nhà chơi ở khu Cư xá Ngân hàng. Đến nhà bạn phải đi qua cầu Tân Thuận. Lúc đó đang học cấp II, đứa nào cũng lọc cọc xe đạp, gò lưng đạp lên dốc cầu vừa dài vừa cao, nhưng không thấy đuối mà vẫn hăm hở, nhí nhố cười đùa rôm rả.

Trường tôi học gần Thảo cầm viên nên bạn bè thường tập trung ở khu Bà Chiểu, Gia Định. Cứ lần lượt đến nhà từng đứa, tôi được biết thêm nhiều cây cầu, quen thuộc nhất là cầu Thị Nghè, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Có đứa nhà ở cầu Bông, trên đường Đinh Tiên Hoàng, tôi thắc mắc, sao tên cầu Bông mà chớ hề thấy một… cái bông nào? Nhỏ bạn nguầy nguậy lắc đầu bảo, ai mà biết!

Cầu Chữ Y hiện nay.

Hồi đó, sao mà rảnh rang thế! Tan học không về nhà ngay, mà cứ xe đạp tung tăng rong ruổi. Nhờ lang thang như vậy tôi mới có dịp biết đến mặt mũi những cây cầu có tên buồn cười, lạ lẫm như cầu Mống, vốn từng là nơi tập trung mua bán thú cưng, chim, chuột, cá cảnh; hay cầu Chà Và, Chữ U, Nhị Thiên Đường…

Lấy cớ ôn thi, một mình một xe đạp, tôi xách bài vở lên chùa “nghiên cứu”, thường là chùa Vĩnh Nghiêm, ở chân cầu Công Lý, nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi. Thi thoảng ghé qua chùa Kim Cương hay Pháp Hoa gần cầu Trương Minh Giảng, nay là cầu Lê Văn Sỹ.

Cô chủ nhiệm bệnh, cả lớp đi thăm. Nhà cô ở chung cư Thanh Đa, gần cù lao Bình Quới, đi qua cầu Sơn, cầu Kinh. Thi học kỳ xong, lớp lại… hô hào rủ nhau đi bơi, cắm trại dã ngoại. Đi hồ bơi An Phú, Thảo Điền, hay Suối Tiên, Lồ Ồ, hoặc núi Bửu Long, đều phải “nhờ cậy” cây cầu Sài Gòn. Chúng tôi còn hăng hái phóng lên Lái Thiêu… ăn măng cụt.

Tôi lấy chồng, ra ở riêng. Mẹ tôi chẳng tỏ vẻ gì hồ hởi phấn khởi khi nghe chúng tôi thông báo đã mua được nhà. Bởi vì cái nhà mà tôi mua được tít mãi bên kia cầu Chữ Y, đường dẫn xuống vùng Nhà Bè, nơi những người quen sống nơi phố thị nội thành như mẹ vẫn cho là quá xa xôi, hẻo lánh. Mà hẻo lánh thật.

Gì mà mới sáu giờ chiều, nhà nào nhà nấy đã đóng cửa im ỉm, tiếng ếch nhái kêu ộp oạp. Nước máy không có, điện cũng không, phải câu nhờ hàng xóm. Chỉ có con trai là phấn khởi, vì ngày ngày đi học nó thấy trên sông, thật ra là con kênh Tẻ, nhộn nhịp xà lan, ghe thuyền, không thấy bánh xe mà sao vẫn “chạy” ào ào.

Năm 1997, một phần Nhà Bè được “nâng cấp” thành Q.7. Những con đường đất gập ghềnh lổn nhổn được ủi phẳng phiu. Nhiều cây cầu mới được xây dựng. Tôi tin chắc không chỉ có mỗi mẹ con tôi thở phào vì không còn phải “lụy” những chuyến đò hồi hộp trước kia nữa. Cầu Chữ Y không còn là lối đi độc đạo. Nơi tôi ở cũng không còn là một ốc đảo xa xôi. Từ nhà ngoại ở Chợ Lớn có thể chạy sang nhà tôi bằng cầu Nguyễn Tri Phương, hay cầu Kênh Tẻ. Nội ở Q.1 có thể bon bon qua thăm thằng cháu bằng cầu Ông Lãnh, Khánh Hội, hoặc Nguyễn Văn Cừ.

Vẫn còn nhiều lắm những nhịp cầu từng ngày hòa theo nhịp thở của thành phố, là chứng nhân lịch sử nhiều biến động, thay da đổi thịt hoặc lặng lẽ biến mất, nhường chỗ cho những thành viên khác.

Cầu Rạch Ông là “công viên” cho buổi sáng mọi người đi bộ tập thể dục, buổi chiều ngồi hóng gió, chuyện trò hay đơn giản chỉ là im lặng, suy tư, nhìn ngắm như cầu Phú Mỹ, Thủ Thiêm là “quảng trường”, dù bất đắc dĩ, để những phút chờ đợi giao thừa hay dịp lễ hội, mọi người đến để ngắm những chùm pháo hoa rực rỡ. Người ta đứng ngắm chiều tà trên sông, chiêm ngưỡng vẻ xinh đẹp của thành phố thân yêu của mình, tận hưởng hương vị hạnh phúc, hy vọng về một tương lai tươi sáng…

VIÊN DUNG

Những câu chuyện, những cảm xúc của các bạn sẽ góp phần khắc họa Sài Gòn ở nhiều góc độ khác nhau, nhằm thể hiện tình cảm sâu đậm về một vùng đất năng động mà nghĩa tình…

Bài vở cộng tác chuyên mục Thành phố - Tình yêu & nỗi nhớ, xin gửi về: saigontoiyeu@baophunu.org.vn.

www.phunuonline.com.vn

Sài Gòn, những cây cầu, mùi Sài Gòn, người Sài Gòn, đường phố Sài Gòn, tình yêu, nỗi nhớ


      © 2021 FAP
        807,317       425