Xã hội

Nguyên tổng GĐ công ty giám định Việt Nam thoát án tử hình

PN - Bị cáo Hoàng Lộc, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giám định, thẩm định Việt Nam được tuyên giảm án từ tử hình xuống còn chung thân

Vũ Quốc Hảo tươi cười với nhà báo dù bị tuyên y án tử hình.

Sáng 8/4, phiên xử phúc thẩm vụ “biến con tàu lặn từ 100 triệu đồng thành 100 tỉ đồng" xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã kết thúc với phần nhận định và tuyên án các bị cáo.

Sau hai ngày xét xử, Hội đồng xét xử TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo của bị cáo Vũ Quốc Hảo cùng 8 bị cáo khác.

Riêng hai bị cáo Hoàng Lộc (SN 1965, ngụ tại Q.3, TP.HCM, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giám định, thẩm định Việt Nam) và Lê Phúc Đức (SN 1976, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, nguyên Trưởng phòng Giám định kỹ thuật Công ty cổ phần Giám định, thẩm định Việt Nam) được chấp nhận kháng cáo, giảm một phần hình phạt.

Các bị cáo nghe tuyên án.

Theo đó, HĐXX đã tuyên giảm cho Lộc từ tử hình xuống chung thân; Đức từ chung thân xuống còn 20 năm tù.

Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng giám đốc ALC II) bị tuyên y án tử hình, 8 bị cáo còn lại bị tuyên từ 15 năm tù đến chung thân.

HĐXX Toà phúc thẩm nhận định, cấp sơ thẩm đã xét xử đúng tội danh của Vũ Quốc Hảo, hành vi của bị cáo Hảo là cực kỳ nghiêm trọng, nên cần giữ nguyên mức án tử hình đối với bị cáo Hảo.

Riêng hai bị cáo Lộc và Đức đã có hành vi cấu kết với các bị cáo khác giúp Hảo phạm tội, Hảo phạm tội gì thì Lộc và Đức phạm tội đó. Tuy nhiên, xét thấy hai bị cáo Lộc và Đức không trực tiếp phạm tội, cũng như không hưởng lợi gì, mà cấp sơ thẩm xử hai bị cáo tử hình và chung thân là nặng, nên cần giảm nhẹ mức án cho Lộc và Đức, cũng đủ tác dụng phòng ngừa, răn đe.

Trước đó, cấp sơ thẩm đã tuyên Vũ Quốc Hảo, Nguyễn Minh Tuấn (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Long Hải), Hoàng Lộc (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giám định, thẩm định Việt Nam) cùng mức án tử hình về tội "tham ô tài sản".

Đồng phạm với Hảo, các bị cáo Vũ Đức Hòa (nguyên Giám đốc Công ty Cát Long Hải), Lê Thị Minh Huệ (nguyên kế toán trưởng Công ty Cát Long Hải), Lê Phúc Đức (nguyên Trưởng phòng thẩm định, Công ty cổ phần Thẩm định, giám định Việt Nam), Nguyễn Văn Tài (nguyên Phó giám đốc ALC II) bị phạt tù chung thân. 3 bị cáo còn nhận mức án từ 15 đến 20 năm tù.

Theo án sơ thẩm, trong thời gian điều hành Công ty ALC II, bị cáo Hảo cùng một số người thành lập Công ty Cát Long Hải nhưng sau đó giao lại cho Tuấn và Hòa quản lý. Năm 2007, để giải quyết nợ xấu cho một số công ty đối tác, Hảo bàn với Tuấn, Hòa dùng thiết bị lặn Tinro 2 của Công ty Cát Long Hải để nâng khống giá rồi bán lại cho ALC II nhằm hợp thức việc giải ngân.

Do thiết bị này không có giấy tờ đăng ký, đăng kiểm về hàng hải nên Hảo bảo bị cáo Tuấn thuê tàu vận chuyển thiết bị này ra Hải Phòng và cố tình để hải quan bắt giữ. Thiết bị này sau đó bị tịch thu, bán đấu giá và chính Cát Long Hải mua lại với giá khoảng 100 triệu đồng.

Sau khi có giấy tờ hợp pháp, ông Hảo chỉ đạo Tuấn liên hệ với Hoàng Lộc nhờ thẩm định, nâng khống giá thiết bị tàu lặn lên 130 tỉ đồng để bán lại cho ALC II.

Cuối năm 2007, Hảo tổ chức họp với các lãnh đạo cấp dưới để thông qua phương án mua thiết bị lặn của Cát Long Hải rồi làm hợp đồng cho chính công ty này thuê lại nhằm giải ngân số tiền 130 tỉ đồng.

Có tiền, Hảo chỉ đạo mua lại hơn 86.000 m2 đất thuộc Trạm dừng chân Miền Tây tại Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) với giá gần 79 tỉ đồng; số còn lại dùng để chi sửa chữa, bảo hiểm cho thiết bị, trả nợ hợp đồng thuê tài chính của Cát Long Hải với ALC II…

PHAN HỒNG

www.phunuonline.com.vn

ALC II, ALC 2, Vũ Quố Hảo, cho thuê tài chính, tàu lặn Tinro, biến 100 triệu, tham ô


      © 2021 FAP
        807,553       1,152