Xã hội

Sài Gòn đâu chỉ lộng lẫy…

PN - Lòng vẫn chưa thôi nhớ hình ảnh một con bé quê mùa, lơ ngơ giữa bến xe Miền Đông ồn ào, đông đúc. Nhớ lời anh tài xế hướng dẫn lúc còn ngồi trên xe “cứ ra trước cổng,

Ảnh: Ngọc Hồ.

Lòng vẫn chưa thôi nhớ hình ảnh một con bé quê mùa, lơ ngơ giữa bến xe Miền Đông ồn ào, đông đúc. Nhớ lời anh tài xế hướng dẫn lúc còn ngồi trên xe “cứ ra trước cổng, bên kia đường có một con hẻm, vào đó tìm nhà trọ”. Sài Gòn đã chào đón tôi như thế, chào đón những ước mơ lấp lóa chờ mong những ngày mai xán lạn hơn.

Mùa thi đại học năm 1995…

Chưa hết hồi hộp sợ người đối diện không hiểu giọng Quảng, đã nghe một giọng miền Nam cất lên, ngọt như mía lùi “vào đây con, ở lại đây, nhà cô nhỏ nhưng ít người”. Mẹ dặn trước ngày đi thi “phải luôn cảnh giác với người lạ”, nhưng khuôn mặt phúc hậu đó, giọng nói chân tình đó, chắc chẳng bao giờ là người xấu được. Thế là vào ở.

Thế là có một chỗ ngủ đường hoàng để chuẩn bị cho kỳ thi. Có những bữa cơm nóng sốt. Có ly sinh tố, cái hột vịt lộn khi giữa khuya còn thức ôn bài. Có hình ảnh cả hẻm ùa ra, đầy bận tâm, chỉ để hỏi “làm bài thế nào rồi con?”. Có cả những lời hẹn gặp khi kết thúc mùa thi, chia tay ra về. Sài Gòn đã trao cho tôi món nợ ân tình như thế.

Sài Gòn mùa thi bây giờ phủ đầy các chiến dịch “tiếp sức”, đã không còn những lơ ngơ dáo dác xa lạ giữa bến xe xô bồ nữa. Thấp thoáng giữa phố xá đông đúc những bóng áo xanh tình nguyện, ngồi phía sau là những khuôn mặt với ánh mắt quyết tâm. Tôi, kẻ mang ơn Sài Gòn lại thấy mình rưng rưng muốn khóc khi nhìn những hình ảnh ấy. Sài Gòn vẫn thế và luôn luôn như thế, dang tay ra với biết bao phận người. Đầy hào sảng, chẳng tính toán thiệt hơn.

Tuần trước, căn nhà xinh xinh, có giàn hoa giấy đỏ rực đầu hẻm, bỗng trưng ra cái bảng hiệu “cơm chay, giá 8.000đ”. Gọn hơ. Mỗi chiều đi về, con hẻm đông vui hơn hẳn. Trong cái nhập nhoạng tối sáng, không còn cảnh hắt hiu, bữa cơm chiều của những sinh viên, công nhân, của những người ve chai, vé số mỏi bàn chân sau ngày dài bôn ba, đã ít dần áp lực. Tôi biết, để duy trì được quán cơm này, có đóng góp của rất đông người.

Chị hàng xóm nhà tôi, phụ miễn phí ở quán cơm những việc đi chợ, nấu bếp, mặt lúc nào cũng tươi rói, gặp tôi ngoài chợ, chị nói như phân bua “còn nhiều người khổ hơn mình em ơi, giúp người ắt có ngày người sẽ giúp mình”. Giọng nói ấy đậm chất Sài Gòn, rộng lòng và hào sảng.

Sài Gòn, đâu chỉ lộng lẫy xa hoa…

ĐOÀN TÂM

Dù sinh sống đã lâu hoặc chỉ ngụ cư, mới đến Sài Gòn trong thời gian ngắn, nhiều người có chung cảm nhận, Sài Gòn, tự nó đã là niềm lưu luyến.

Những câu chuyện, những cảm xúc của các bạn sẽ góp phần khắc họa Sài Gòn ở nhiều góc độ khác nhau, nhằm thể hiện tình cảm sâu đậm về một vùng đất năng động mà nghĩa tình…

Bài vở cộng tác chuyên mục Thành phố - Tình yêu & nỗi nhớ, xin gửi về: saigontoiyeu@baophunu.org.vn.

www.phunuonline.com.vn

Sài Gòn, tình yêu và nỗi nhớ, 40 năm, giải phóng miền Nam


      © 2021 FAP
        807,663       878