Xã hội

Đào tạo nghề: chưa thật sự thu hút học viên nghèo

PN - Nhằm giúp hội viên, phụ nữ có nghề nghiệp cải thiện kinh tế gia đình, các cấp Hội đều nỗ lực phối hợp với trường dạy nghề mở lớp đào tạo.

Những chiếc “cần câu cơm”

Trụ sở Hội LHPN Q.4 có một bảng hiệu “Hớt tóc, gội đầu, làm móng, trang điểm” khá to. Nhìn cảnh ra vào tấp nập, không ít người nghĩ đây là nơi chăm sóc sắc đẹp. Thực chất đây là CLB dạy nghề của Hội LHPN Q.4.

CLB dạy nghề của Hội LHPN Q.4 là nơi giúp đỡ và chăm lo cho PN nghèo, chủ yếu dạy cắt may, uốn tóc, trang điểm; giới thiệu việc làm cho chị em. Ngoài ra, CLB còn dạy theo nhu cầu: lớp phục vụ bàn, nấu ăn, cắm hoa… Sau khi ra nghề, học viên (HV) được cấp chứng nhận. Với những HV có hoàn cảnh khó khăn, CLB sẽ miễn giảm học phí. Quận Hội còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề Hướng Dương để giới thiệu việc làm cho chị em. Trung bình mỗi năm, CLB đào tạo từ 100 - 200 PN.

CLB Năng khiếu dạy nghề của Hội LHPN Q.6 mở khá nhiều lớp học từ thêu, làm bánh, cắm hoa, nấu ăn, trang điểm đến Anh văn, vi tính, nhiếp ảnh… Bà Huỳnh Kim Hoa - Chủ nhiệm CLB cho biết: “Mục tiêu của CLB là để HV kiếm sống được bằng nghề đã học nên chúng tôi luôn khảo sát thị trường, tìm những môn đang “hot” để chiêu sinh và mời giáo viên từ các trường nghề, cao đẳng, đại học về dạy. Đa số HV môn nữ công ra nghề đều có việc làm ổn định với thu nhập từ hai - bốn triệu đồng/tháng. Những năm qua, CLB đã dạy miễn phí 324 HV có hoàn cảnh khó khăn, giới thiệu việc làm ổn định cho gần 5.000 lượt chị".

Không chỉ phối hợp với Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng mở các lớp “Dịch vụ chăm sóc gia đình” cho HV nghèo, Hội LHPN Q.2 còn phối hợp với trường ra mắt “Tổ liên kết dịch vụ chăm sóc gia đình” với 30 thành viên. Các chị trong tổ tham gia đưa rước học sinh, đưa người đi khám bệnh, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa… Để chị em có thêm kỹ năng, Hội PN quận cũng thường xuyên mở các lớp hướng dẫn sử dụng máy giặt, lò viba, máy rửa chén, máy hút bụi…

Cắm hoa là bộ môn “hot” nhưng nhiều học viên nghèo không đủ điều kiện học vì nguyên vật liệu quá đắt

Chưa thu hút được học viên nghèo

Bà Võ Thị Thanh Phượng - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN Q.2 trăn trở: “Mặc dù quận mở các lớp học nghề miễn phí nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều HV. Nguyên nhân: đời sống chị em còn khó khăn, có chị là lao động chính nuôi sống gia đình. Nếu đi học nghề thì phải tạm ngừng làm việc. đối tượng có đủ điều kiện đi học đa phần là các chị đã lớn, từ 40 - 50 tuổi, nếu ra nghề thì lại khó tìm việc làm do tuổi tác”.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thúy Hằng - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN Q.4 cho biết thêm: “Rất ít chị đăng ký học, với lý do đường xa, nhà không có kinh phí để trang trải việc học suốt hai năm. Tại CLB dạy nghề của quận, rất nhiều người chỉ học một thời gian lại nghỉ để ra ngoài làm thợ phụ vì có học nữa thì cũng không có kinh phí mở tiệm. Với các đợt dạy nghề miễn phí, số lượng HV chỉ đếm trên đầu ngón tay vì các chị đều bận bịu mưu sinh".

Bà Huỳnh Kim Hoa nói thêm: “Học phí tại CLB luôn thấp hơn so với các trung tâm dạy nghề. Thù lao cho giáo viên cũng không cao. Do đó, mời được giáo viên giỏi mà chịu gắn bó với CLB là điều không dễ".

 HOA LÀI

www.phunuonline.com.vn

dạy nghề, đào tạo nghề, phụ nữ nghèo


      © 2021 FAP
        808,166       1,266