PN - Từ vụ “con ruồi 500 triệu đồng” trong chai nước cho đến vụ ổ bánh mì này, đều cho thấy: người tiêu dùng đang bị đối xử như những thượng đế ngây ngô, sự bảo vệ đang mang tính hình thức, thiếu thực tế và do đó thiếu hiệu quả.
Ảnh minh họa: tiệm bánh mì Phượng nổi tiếng ở Hội An. |
Món bánh mì dân dã, có thể gặp bất cứ xe bánh mì đứng đầu bất kỳ con hẻm nào đó, từ thành phố lớn cho đến vùng xa, đã trở thành món ăn quen thuộc, gần gũi với người lao động, nay trở thành món ăn mang màu sắc văn hóa của một dân tộc, là niềm tự hào bình dị mà lớn lao của tất cả mọi người.
Thì cũng một ổ bánh vậy thôi, mà từ sáng sớm đến giữa đêm khuya, từ chay đến mặn, từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng… nó trở nên gắn bó thân thuộc với đời sống đô thị rộn ràng vội vã, với cuộc đời chịu thương chịu khó của người cần lao.
Người bán bánh mì cũng trong mấy thứ bày trước mặt mình mà chiều khách, từ đầy đủ rau hành, đồ chua, đến cay hay không cay, chan nước tương hay nước thịt. Ổ bánh mì từ tay người bán đến người mua không hề cách biệt, không “công nghiệp”, nên cũng không quá xa vời…
Vậy mà cũng mới đây thôi, tòa án của một thành phố đã đòi hỏi người mua ổ bánh mì ở tiệm nọ phải cung cấp được hóa đơn mua ổ bánh mì đó, thì mới chứng minh được tiệm phải chịu trách nhiệm về món ăn mà mình đã bán ra! Yêu cầu này xuất hiện sau khi 173 người ăn bánh mì từ tiệm này bị ngộ độc thực phẩm - danh sách do cơ quan có trách nhiệm lập hẳn hoi.
Trong 173 người đó, có 22 người đã khởi kiện và được hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh hỗ trợ về mặt pháp lý. Kết quả xét nghiệm của trung tâm y tế dự phòng tỉnh xác định mẫu trong thịt heo, patê gan, chả lụa lấy từ tiệm này đều nhiễm vi khuẩn E.coli và Coli form.
Chừng ấy chứng lý vẫn không đủ, vẫn thiếu một tờ hóa đơn mua ổ bánh mì! Nhiều người đã lắc đầu, cười bảo rằng không khéo khi có được tờ hóa đơn hiếm hoi kia, sẽ thêm yêu cầu cần phải xem mã số ghi trên tờ hóa đơn có trùng với một cái mã nào đó đã được chạm khắc trên ổ bánh mì, mà lỡ người ta nuốt mất cái mã số đó vào bụng rồi, thì đành chịu thua!
Không ai mua một ổ bánh mì mà nghĩ đến chuyện sau đó sẽ khởi kiện người bán. Trong số rất nhiều người kiện kia, có người chỉ đòi bồi thường tổng cộng 148.000đ! Họ không nhắm tới tiền bồi thường, mà nhắm tới lòng tin đã bị mất. Các bà nội trợ mỗi buổi sáng chở con đi học, dừng lại bên xe bánh mì quen thuộc, sự ngon miệng, tiện lợi sẽ bị thay thế bởi cảm giác lo âu: biết ổ bánh có an toàn không. Đó mới là gốc của vụ kiện này.
Vậy mà nỡ nào hành xử máy móc đòi một tờ hóa đơn, trong khi chứng cứ về vệ sinh an toàn thực phẩm đã rành rành ra đó. Ổ bánh mì là nhỏ, một lời xin lỗi, một lời hứa, một cam kết giữ an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng có thể làm yên lòng cả đôi bên. Nhưng thực tế điều đó đã không xảy ra, dù tiệm bánh mì này không nhỏ.
Vụ việc “hóa đơn mua ổ bánh mì” nằm trong bối cảnh chung nhiều vụ lùm xùm về an toàn vệ sinh thực phẩm đang xảy ra và cũng nhiều vụ đã dẫn đến những hành xử lạ đời. Từ vụ “con ruồi 500 triệu đồng” trong chai nước của Công ty Tân Hiệp Phát, cho đến vụ này, đều cho thấy: người tiêu dùng đang bị đối xử như những thượng đế ngây ngô, sự bảo vệ đang mang tính hình thức, thiếu thực tế và do đó thiếu hiệu quả.
Trong trường hợp chai nước, Công ty Tân Hiệp Phát đã chưa nghĩ thấu đáo về trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giữ gìn hình ảnh “sạch” của sản phẩm. Trong trường hợp ổ bánh mì, sự im lặng của tiệm bánh và những đòi hỏi máy móc của cơ quan xét xử đã phớt lờ nhu cầu và sự an toàn thực sự của người tiêu dùng.
Đáng nói là trong cả hai trường hợp, thanh tra an toàn thực phẩm hay kết quả xét nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm đều không được cả hai bên tin cậy, công nhận, trong khi người tiêu dùng bị kẹt ở giữa, trong thế đã bị phải dùng những sản phẩm kém chất lượng, kém an toàn kia.
Những nguyên đơn trong vụ kiện ổ bánh mì đã tuyên bố họ sẽ theo đuổi đến cùng vụ kiện, đến khi lẽ phải được công nhận. Cuộc kiện tụng chắc nhiều tốn kém, nhưng họ vẫn quyết tâm. Vì sao? Bởi việc đòi một tờ hóa đơn là quá vô lý trong thực tế. Mong cả bên bán ổ bánh mì và cơ quan luật pháp xử vụ kiện bánh mì, đều thấy rõ sự máy móc vô lý này.
Và hơn nữa, mong họ sẽ nghĩ đến hình ảnh ổ bánh mì Việt Nam trong danh sách 10 món ăn đường phố đặc sắc của thế giới, được bình chọn là ngon nhất, được khuyến cáo là nhất định phải nếm thử. Giá của một ổ bánh mì không lớn, nhưng hãy nghĩ đến giá của một hình ảnh đã được cộng đồng công nhận, trước khi làm cho vụ việc trở nên nhiêu khê, không thể giải quyết…
LẬP PHƯƠNG
ổ bánh mì, thượng đế, người tiêu dùng, an toàn thực phẩm, con ruồi trong chai, có ruồi