Xã hội

Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân: không chữa hết bệnh ung thư!

PN - Những ngày qua, khá nhiều bệnh nhân ung thư từ khắp nơi trên cả nước tìm đến hai bệnh viện Trung ương Huế và Ung Bướu Nghệ An đăng ký điều trị ung thư bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân với tâm thế ngập tràn hy vọng.

Song song đó, báo Phụ Nữ cũng nhận được nhiều thắc mắc của bạn đọc quanh vấn đề này: Đây có phải là phương pháp mới, phương pháp này sẽ điều trị dứt hẳn ung thư, đặc biệt là ung thư vú? Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã trao đổi với PGS-TS Nguyễn Đình Tùng, Phó giám đốc Trung tâm ung bướu BV Trung ương Huế, Ủy viên tư vấn phản biện Hội Ung thư Việt Nam.

Ông cũng là chủ nhiệm đề tài nhánh cấp nhà nước "Nghiên cứu quy trình hóa trị liều cao và ghép tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú di căn" về các thông tin này.

Chỉ là thành công của một công đoạn

* Thưa ông, hiện nay có rất nhiều bài báo khẳng định: Việt Nam đã chữa trị thành công ung thư (UT) bằng phương pháp ghép tế bào gốc (TBG), đây có phải là thông tin chính xác?

- Tôi cũng đã đọc những thông tin đó trên mạng, nhưng thực tế thì quá vội vàng khi các thầy thuốc Việt Nam công bố đã chữa trị thành công UT bằng phương pháp ghép TBG tạo máu tự thân khi chỉ mới điều trị vài ba trường hợp UT, và cũng chưa có đủ thời gian để theo dõi đánh giá về khả năng tái phát di căn của những bệnh nhân (BN) này. Thật khó thuyết phục giới chuyên môn với kết luận như vậy.

TBG tạo máu tự thân là những tế bào có trong tủy xương và trong máu của chính BN. Bằng một số phác đồ đặc hiệu, chúng ta có thể huy động tế bào này từ tủy xương ra ngoài máu với số lượng đủ để thực hiện ghép mà không cần phải lấy tủy của người cho. Bản chất của phương pháp điều trị này là sử dụng một lượng TBG tạo máu tự thân thích hợp để giúp BN thoát khỏi tình trạng suy tủy không hồi phục khi điều trị UT vú bằng hóa trị liều cao.

Nói một cách chính xác thì hóa trị liều cao và ghép TBG tạo máu tự thân là một công đoạn của quy trình điều trị đa mô thức trên BN UT vú bao gồm cả phẫu thuật, xạ trị, hóa trị liều chuẩn, hóa trị liều cao, điều trị đích và nội tiết, miễn dịch. Như vậy, thành công của phương pháp ứng dụng TBG tạo máu tự thân trong điều trị UT vú thực chất là thành công về phương diện ghép tủy khi các chỉ số trong máu trở về bình thường, là thành công của một công đoạn trong quy trình điều trị UT vú chứ không phải là chữa lành bệnh UT vú.

Bản thân TBG tạo máu tự thân có thể giúp cơ thể tạo ra những tế bào máu bình thường về mặt số lượng và chất lượng nhưng không thể tiêu diệt được tế bào UT vú cũng như không thể sửa chữa được tế bào UT vú vốn có nguồn gốc từ ống dẫn sữa trở về một tế bào bình thường.

* Có thông tin cho rằng, ghép TBG mở ra một hướng điều trị tích cực vì triệt bỏ được tận gốc tế bào UT trên cơ thể thay vì chỉ xạ trị, hóa trị (chưa triệt bỏ được tận gốc tế bào UT). Như vậy, đồng nghĩa với việc có thể bỏ qua xạ trị, hóa trị và tiến hành thẳng bước ghép TBG, thưa ông?

- Đến thời điểm này tôi vẫn chưa tin rằng TBG sẽ mở ra một hướng điều trị tích cực vì triệt bỏ được tận gốc tế bào UT trên cơ thể thay vì chỉ hóa trị, xạ trị. Ghép TBG tạo máu tự thân không phải là hướng đi mới trong điều trị UT vú hiện nay trên thế giới. Trên thực tế kỹ thuật này đã được tiến hành tại nhiều nước như Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Mỹ vào cuối năm 1980 và những năm 1990, 1993-1994.

Đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu được công bố nhưng tóm tắt có 14 công trình lớn, có những công trình chỉ nghiên cứu ở một quốc gia, những công trình khác là liên kết đa trung tâm ở nhiều quốc gia. Những công trình này đều nghiên cứu trên hàng trăm BN với quá trình theo dõi 5-7 năm, thậm chí trên 10 năm. Mỗi công trình có đối tượng chọn bệnh và phác đồ điều trị riêng.

Tuy nhiên có hai đối tượng được quan tâm, đó là hóa trị liều cao và ghép TBG tạo máu trên BN UT vú giai đoạn sớm và hóa trị liều cao kèm ghép TBG cho BN UT vú có nguy cơ cao, UT vú giai đoạn IV và xuất hiện di căn xa như phổi, não, xương...

Cụ thể kết quả: Đối với BN UT giai đoạn sớm: hóa trị liều cao và ghép TBG tạo máu không cải thiện thời gian sống thêm toàn bộ (Overall Survival) so với điều trị chuẩn (tức là phương pháp điều trị như hiện nay), còn đối với BN UT vú giai đoạn tiến triển và di căn xa: hóa trị liều cao và ghép TBG tạo máu tự thân mang lại kết quả khác biệt có ý nghĩa về thời gian sống thêm không bệnh (Disease Free Survival) nhưng không khác biệt về thời gian sống thêm toàn bộ.

Cần hiểu rằng, những tổn thương di căn của BN được xóa bỏ là kết quả của xạ trị và hóa chất liều cao chứ không phải do ghép TBG. TBG tạo máu tự thân đóng vai trò là một tác nhân điều trị bổ trợ giúp BN thoát khỏi tình trạng suy tủy không hồi phục khi sử dụng hóa trị liều cao trong điều trị UT vú. Đây không phải là vấn đề thời sự trong điều trị UT vú hiện nay trên thế giới.

Có thể nói, công trình nghiên cứu về hóa trị liều cao và ghép TBG tạo máu được công bố gần đây nhất trong một hội nghị chuyên đề UT vú quốc tế tại San Antonio 2011 là công trình của DA Berry nghiên cứu trên 6.210 BN UT vú của 15 trung tâm tại Hoa Kỳ. Cho đến nay, Viện UT quốc gia Hoa Kỳ vẫn xem đây là một thử nghiệm lâm sàng chứ không phải là một phương pháp điều trị chuẩn.

Theo tôi, không nên ngộ nhận về khả năng chữa khỏi bệnh UT vú của TBG tạo máu tự thân mà bỏ qua các quy trình điều trị kinh điển.

BN ung thư vú di căn não, phổi, xương đã được điều trị bằng gama knife, hóa trị liều cao và ghép tế bào gốc tự thân

Không nên ngộ nhận

* Theo thông tin các báo đưa, hiện nay số BN đăng ký chữa trị bằng phương pháp này rất đông. Vậy ông có thể cho biết rõ những BN nào có thể đủ điều kiện để áp dụng phương pháp này (điều kiện về sức khỏe, giai đoạn bệnh…) và BN phải trải qua những bước nào trong quá trình ghép TBG?

- Căn cứ vào đề cương của đề tài khoa học cấp nhà nước đã được Bộ Khoa học công nghệ cho phép thực hiện từ năm 2013, chúng tôi có tiêu chuẩn chọn bệnh là những đối tượng sau: BN có chẩn đoán giải phẫu bệnh là UT biểu mô ống xâm lấn có độ tuổi từ 30 - 55, cân nặng trên 45kg, chỉ số Karnofsky 80-100%; giai đoạn IIIB hoặc IV hoặc UT vú thể viêm theo phân loại của Tổ chức Phòng chống UT quốc tế; hoặc bất kỳ giai đoạn nào nhưng xuất hiện di căn hạch nách trên bảy hạch; hoặc bất kỳ giai đoạn nào nhưng xuất hiện di căn xa (gan, phổi, não, xương); đã trải qua điều trị ban đầu bằng phẫu thuật cắt u hoặc cắt vú triệt để cải biên có hay không có xạ trị kèm theo; test hóa mô miễn dịch: ER(±), PR(±), HER2neu (±), test Fish (+) nếu HER2neu (++); không mắc các bệnh mạn tính (tim mạch, đái tháo đường, các bệnh về máu); BN tự nguyện tham gia nghiên cứu.

Sau khi chọn lọc BN theo tiêu chuẩn trên, chúng tôi tiến hành các thủ tục cần thiết như giải thích cho BN về lợi ích cũng như những rủi ro của người tham gia vào chương trình, BN viết cam kết tự nguyện tham gia vào nghiên cứu. BN được truyền hóa trị chuẩn đủ liều và đặt buồng tiêm tĩnh mạch trung ương, sau đó dùng thuốc để huy động TBG tạo máu ra máu ngoại vi.

Thu thập TBG thường được tiến hành hai lần trong hai ngày liên tục. Sau mỗi lần thu thập, TBG tạo máu được lưu giữ trong nitơ lỏng -1960C. Bước tiếp theo, BN được vào lưu trú trong phòng vô trùng để truyền hóa chất liều cao và ghép TBG. Thời gian truyền hóa chất liều cao bao lâu phụ thuộc vào phác đồ lựa chọn từ trước. Những loại hóa chất được chọn lựa trong phác đồ hóa trị liều cao là những hóa chất có tác dụng trực tiếp lên tế bào UT vú chứ không nhằm vào mục đích diệt tủy. Đây là điểm khác biệt cơ bản trong quy trình hóa trị liều cao và ghép TBG giữa bệnh UT vú và bệnh lý huyết học.

* Sau khi thực hiện ghép TBG bao lâu và kèm theo những điều kiện gì thì được gọi là “khỏi bệnh” thưa ông?

- Về nguyên tắc, BN ổn định sau ghép sẽ được kiểm tra lại xem tế bào UT còn lưu hành trong máu không bằng một hệ thống labo sinh học phân tử, nhưng hiện nay ở Việt Nam chưa trang bị được. BN sau ghép cũng được theo dõi và đánh giá thời gian sống thêm không tái phát di căn 5 năm, 10 năm mới được xem là khỏi bệnh.

Những ai có kiến thức về UT học đều hiểu rằng, thật nông nổi nếu duy trì nhận thức chữa lành UT vú chỉ đơn thuần bằng việc ghép TBG tạo máu tự thân. Nếu bất cứ BN UT vú nào cũng chỉ được dùng thuốc “điều kiện hóa” để diệt tủy chỉ trong vòng một tuần rồi ghép TBG tạo máu tự thân, đến khi các xét nghiệm máu trở về bình thường mà tuyên bố đã chữa lành UT vú thì chắc không một ai trên thế giới này chết vì UT vú do đã có phương pháp điều trị vô cùng đơn giản này. Đó là chưa kể những rủi ro có thể xảy ra với phương pháp này là suy gan, suy thận, viêm phổi... thậm chí tử vong.

* Thưa ông, sau điều trị người bệnh cần được tái khám như thế nào và có cần uống thêm thuốc gì không?

- Tái phát và di căn sau hóa trị liều cao và ghép TBG là vấn đề thường gặp. Tỷ lệ này thấp hơn so với những BN không sử dụng phương pháp này. Những BN sau ghép vẫn tiếp tục theo lịch hẹn của bác sĩ, tiếp tục điều trị nội tiết, điều trị thuốc chống di căn xương... nếu có chỉ định. Khi BN xuất hiện tái phát di căn trở lại thì tùy theo thể trạng và mức độ tổn thương để chọn ra những phác đồ hóa chất, xạ trị hoặc nội tiết thích hợp cho người bệnh.

Dĩ nhiên BN vẫn có thể sử dụng lại liều TBG đã lưu trữ trước đây trong trường hợp BN rơi vào tình trạng suy tủy. Ở nước ngoài, một BN có thể ghép rất nhiều lần. Tại bệnh viện Trung ương Huế thì mỗi BN đều được dự trữ hai liều TBG đủ tiêu chuẩn để ghép và khi cần có thể sử dụng lại liều đã dự trữ đó. Đối với các loại UT mô đặc, ngoài UT vú và buồng trứng, thế giới đang tiếp tục nghiên cứu ứng dụng phương pháp này để điều trị bổ trợ trong UT phổi, UT tinh hoàn, UT phần mềm...

* Chi phí cho điều trị là bao nhiêu? Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả được những gì và tỷ lệ chi trả thế nào, thưa ông?

- Chi phí điều trị lên đến hằng trăm triệu đồng nhưng BN có thể điều trị được là do sử dụng kinh phí nghiên cứu (chỉ năm trường hợp được hưởng). BHYT chỉ chi trả đối với các công đoạn điều trị chuẩn như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị liều chuẩn, nội tiết và 50% chi phí điều trị đích nhưng không chi trả chi phí cho hóa trị liều cao, huy động TBG tạo máu và ghép tủy.

 THU MAI thực hiện 

Bản chất phương pháp ghép tế bào gốc không phải để điều trị ung thư

Theo GS-TS Nguyễn Bá Đức - nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, điều trị UT trên thế giới vẫn phải dựa trên ba phương pháp kinh điển là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Trong trường hợp bệnh nhân (BN) bị UT giai đoạn muộn, phương pháp hóa trị thông thường không hiệu quả, bác sĩ có thể “dấn” lên bằng cách sử dụng hóa chất mạnh với hy vọng tiêu diệt triệt để tế bào UT.

Tuy nhiên, lúc này, cơ thể con người sẽ phải đối diện với nguy cơ tổn thương tế bào máu, gây suy tủy và dẫn đến tử vong. Để khắc phục tình trạng này, phương pháp ghép TBG được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ. “Bản chất sử dụng TBG ở đây là tạo lại máu, chống biến chứng suy tủy khi phải sử dụng hóa chất mạnh chứ không phải điều trị UT. Vì vậy, nếu nói chữa bệnh UT bằng phương pháp TBG là không chính xác, làm BN hiểu sai”, GS phân tích.

Việc sử dụng TBG trong quá trình điều trị bệnh UT, theo GS Đức, phải được chỉ định rất chặt chẽ bởi đây là phương pháp không chỉ tốn kém mà còn hết sức nguy hiểm. Trong trường hợp ghép TBG tự thân, TBG được lấy từ máu của BN rồi cất trữ. Nói cách khác, TBG được “sơ tán” khỏi cơ thể để BN gần đến trạng thái suy tủy, sau đó được đưa trở lại cơ thể để tái tạo máu.

“Phương pháp này chẳng khác nào đưa BN đến mức cận tử rồi kéo lại. Có những trường hợp thành công nhưng có những trường hợp không cứu vãn được”, GS Đức nói.

Ngoài ra, khi lấy TBG từ máu của BN, rất dễ xảy ra tình trạng bị dính cả tế bào UT nên khi đưa TBG trở lại, các tế bào UT theo đó phát triển mạnh. Thậm chí, với nhiều trường hợp, phương pháp ghép TBG chỉ chống được suy tủy nhưng tế bào UT vẫn quay trở lại phát triển và di căn do hóa chất không thể điều trị được tận gốc.

Tại Mỹ, các nhà khoa học đã nghiên cứu và sử dụng phương pháp này hơn 20 năm nhưng tới nay vẫn không phải là phương pháp thường quy và vẫn đang trong quá trình tiếp tục nghiên cứu. GS-TS Nguyễn Bá Đức khuyến cáo: “Đây là phương pháp rất nguy hiểm và tốn kém nặng nề nên các BN UT cần phải hiểu rõ, không tùy tiện lạm dụng để tránh “tiền mất, tật mang”.

 H.ANH

www.phunuonline.com.vn

tế bào gốc, tạo máu, ung thư, tế bào tua, miễn dịch, điều trị, xạ trị, bệnh nhân


      © 2021 FAP
        857,290       263