Xã hội

Từ 9/3, đổi giấy phép lái xe qua tổng đài 1081

PN - Bắt đầu từ 9/3, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM chính thức triển khai dịch vụ đăng ký số thứ tự để cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) qua tổng đài 1081, giúp rút ngắn thời gian chờ đợi, tiết kiệm công sức và giảm chi phí đi lại

Giảm hơn nửa thời gian chờ đợi

Thay vì đến các điểm cấp, đổi GPLX lấy số thứ tự và chờ đợi có khi hàng giờ mới đến lượt thì với dịch vụ đặt số thứ tự để cấp, đổi GPLX qua tổng đài, người dân chỉ cần gọi điện cho (08) 1081 cung cấp các thông tin gồm: họ tên người đổi GPLX; số chứng minh nhân dân (CMND), ngày cấp, nơi cấp; ngày, tháng, năm sinh và điện thoại để liên hệ.

Sau đó, nhân viên sẽ hướng dẫn tận tình những giấy tờ cần mang theo, ví dụ người dân cần mang theo hai ảnh 3x4 (chụp theo kiểu CMND), GPLX gồm bản chính và bản sao (không cần công chứng) và đơn đề nghị cấp, đổi GPLX (tải từ mạng).

Ngoài ra, nếu các thông tin trên CMND và GPLX khác nhau, khách hàng cần mang theo hộ khẩu để đối chiếu. Nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký qua tổng đài 1081 là 252 Lý Chính Thắng, Q.3.

Cước điện thoại qua tổng đài là 2.000đ/phút đối với điện thoại bàn, 3.000đ/phút đối với di động và điện thoại bàn các tỉnh, riêng mạng Viettel là 4.000đ/phút.

Hiện nay, theo quy định mới của Bộ GTVT, từ ngày 15/2/2015, người dân không cần nộp giấy khám sức khỏe khi đổi GPLX bằng giấy sang thẻ nhựa nếu đó là GPLX hạng A1(xe máy dưới 175cm3), hạng A2 (xe máy từ 175cm3 trở lên), hạng A3 (xe ba bánh gắn máy). Trường hợp người có GPLX bằng giấy hạng A4 (xe máy kéo dưới 1 tấn) và B2 (ô tô dưới 7 chỗ) thì giấy phép phải còn thời hạn sử dụng trên ba tháng mới không phải nộp giấy khám sức khỏe.

Theo ông Nhân, dự kiến mỗi ngày trụ sở 252 Lý Chính Thắng có thể giải quyết 80 hồ sơ cấp, đổi qua tổng đài. Sau thời gian thí điểm từ hai-ba tháng, nếu thấy ổn, dịch vụ này sẽ được triển khai rộng rãi đến sáu cơ sở còn lại của Sở GTVT.

Vẫn triển khai cấp, đổi GPLX qua mạng

Tuy triển khai việc cấp, đổi GPLX qua tổng đài nhưng ông Nhân khẳng định Phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX vẫn đang hoàn tất cơ sở hạ tầng, máy móc, cố gắng đầu quý III/2015 sẽ triển khai tiếp dịch vụ cấp, đổi GPLX qua mạng theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đây được xem là dịch vụ nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi và giải quyết cấp, đổi GPLX ngay trong ngày cho người dân.

Cũng theo ông Nhân, so với việc cấp, đổi GPLX qua tổng đài, thời gian chờ đợi để được nhận GPLX mới qua mạng vẫn tương đương. Cụ thể, khi tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi GPLX qua mạng trong thời gian năm ngày, nhân viên sẽ sưu tra hồ sơ gốc, nếu thấy đảm bảo đủ điều kiện sẽ hẹn người dân ngày, giờ cố định để đến chụp hình và cấp GPLX mới ngay trong ngày.

Riêng việc cấp, đổi GPLX kiểu truyền thống và qua tổng đài như hiện nay, sau khi người dân đặt lịch hẹn đến chụp hình thì năm ngày sau sẽ có GPLX. Ngoài ra, nếu tiếp nhận hồ sơ qua mạng, mỗi ngày một cơ sở có thể giải quyết 100 hồ sơ trong khi hiện nay mỗi ngày một cơ sở có thể giải quyết từ 200 - 300 hồ sơ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau Tết, người dân bắt đầu đổ xô đến các điểm cấp, đổi GPLX khiến lượng hồ sơ tăng vọt từ 1.000 hồ sơ/ngày trước Tết lên 1.500 hồ sơ/ngày. Tại một số điểm như 111 Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú và 51/2 Thành Thái, Q.10, mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm hồ sơ, người dân cũng phải chờ đợi từ một-hai giờ mới được cấp giấy hẹn.

Theo quy định của Bộ GTVT, lộ trình chuyển đổi GPLX bằng giấy sang vật liệu nhựa có thời hạn đến hết ngày 31/12/2015, riêng GPLX mô tô bằng giấy có lộ trình chuyển đổi dài hơn, nếu còn thời hạn đến năm 2020 vẫn được sử dụng bình thường. Thống kê của Sở GTVT cho thấy, TP quản lý khoảng hai triệu GPLX ô tô, đến nay đổi được gần 600.000 GPLX, số còn lại phải đổi trong năm 2015.

 HỒNG NGUYÊN

www.phunuonline.com.vn

Giấy phép lái xe, cấp đổi, đổi bằng lái, tổng đài, 1081, đường bộ, lưu thông


      © 2021 FAP
        857,659       747