PN - Trong cuộc sống, thật hạnh phúc biết bao khi có một điểm tựa cho mình. Về tinh thần, đó là nơi ta có thể kể lể nỗi niềm, sẻ chia tâm sự, để được nghe một lời khuyên, hay đôi khi chỉ là một lời an ủi, sự cảm thông.
May mắn thay, ngay tại TP.HCM này, cán bộ Hội đã và đang là những điểm tựa của biết bao chị em phụ nữ.
BÊN NHỮNG TRẺ BỤI ĐỜI
Tại chân cầu Nguyễn Văn Cừ (P.Cầu Kho, Q.1), nhiều đứa trẻ có nhà nhưng chúng sống bơ vơ, lạc lõng, trượt dài theo những thói hư tật xấu. Chúng có nhiều cái tên được người đời gán cho: lũ trẻ hư, đồ con hoang, thằng mồ côi, bọn bụi đời… Nhưng trong tiềm thức, chúng vẫn hoài vọng về nơi chốn mình đã sinh ra, đã từng được ủ ấm, điều ấy thể hiện ở đôi mắt trong veo, lấp lánh, khát khao, chờ đợi một bàn tay ấm áp.
Chị Lê Thị Hà với những đứa con ở Đội bảo vệ Kim Đồng
* Nổi tiếng nhất trong xóm ấy là Nguyễn Ngọc Thùy Trang (16 tuổi). Hồi trước nó chỉ mới học lớp 4 nhưng nom như học sinh lớp 7. Làn da đen nhẻm, mái tóc cắt tém, đi đứng ngông nghênh. Tính cách nó như con trai, gan lì và đanh đá. Tuổi thơ của nó trôi qua thiếu tình thương của ba mẹ, buộc nó phải trân mình đối phó. Tưởng vậy là đã “ngon lành”, và cuộc đời nó thực sự rơi vào bi kịch khi ba mẹ nó bị HIV. Nó không biết đó là bệnh gì nhưng trên người ba mẹ nó chi chít ghẻ, ngày càng trơ xương.
Nó khóc nức nở, tiếng nấc phát ra từ trái tim bé bỏng bị tổn thương khi chính bà ngoại thì thầm “Ba mẹ con chỉ sống được vài năm nữa!”. Mỗi khi nghe thấy ai đó nói: “Đừng chơi với nó, ba mẹ nó bị HIV” hoặc “Đến gần nó sẽ bị lây HIV”… nó đứng nhìn bằng con mắt căm ghét. Nó tự thấy cần phải dữ dằn hơn, đanh đá hơn và bạo liệt hơn. Nó đánh nhau, ném đá vào bất kỳ ai có ánh mắt khinh miệt nó, đập bỏ mấy chậu kiểng của những nhà nó ghét, đi chơi thâu đêm suốt sáng…
* “Ba ơi mua bánh sinh nhật cho con”, trước mắt Nguyễn Thanh Thư (14 tuổi) là một cô bé đang nũng nịu với ba mình. Nghe giọng con bé mè nheo, khóe mắt nó bỗng cay xè. Bánh sinh nhật, ba… Những điều thiêng liêng, ngọt ngào nhưng xa lạ với nó. Ba và mẹ ly dị năm nó chỉ mới bốn năm-tuổi gì đó, rồi mẹ đi thêm bước nữa. Kể từ đó, bao nhiêu tình thương mẹ đều dành cho ba đứa em sau này. Mẹ theo dượng buôn bán, nó loáng thoáng nghe được là “nàng tiên trắng”.
Ngày dượng và mẹ bị bắt, người ta đến đòi nợ, đòi xiết nhà. Nó bị bạn bè xa lánh, miệt thị. Ông bà ngoại bị bệnh, nhưng vẫn phải đi bán suốt ngày đêm kiếm tiền trả nợ. Còn nó nghỉ học để chăm ba đứa em nheo nhóc. Công việc quá sức của đứa trẻ 12 tuổi. Thế là nó dẫn các em lang thang khắp xó xỉnh, làm đủ trò quậy phá, cốt để em nó không khóc ngằn ngặt đòi bà, đòi mẹ. Những tiếng khóc luôn cứa vào tim nó, vì nó không được khóc, mà phải dỗ dành em. Và đó là cách mà nó chọn để làm tròn nhiệm vụ được ông bà giao phó.
* Năm Trần Gia Huy 13 tuổi thì mẹ bỏ hai cha con nó về quê. Căn nhà lạnh vắng với người cha luôn say bét nhè. Từ đó, sau mỗi buổi tan học, nó lầm lũi đi nhưng vô định. Nó không muốn về nhà để thấy ba ngồi khề khà bên chai rượu, rồi quát mắng, đánh đập nó mỗi khi say. Tủi thân, nó nghỉ học và lang thang. Thấy vậy, một số người trong xóm mua bánh cho ăn, mua nước cho uống, rồi dụ dỗ nó: “Mày chỉ cần đem cái gói này chạy qua bên đường đưa cho người đó. Tao sẽ cho mày 100.000đ/ngày”. Mới đầu, nó sợ hãi, bỏ chạy, nhưng những người này kiên trì, cho đến một ngày nó phân vân… vì đói bụng, vì thèm ăn. Còn những người dụ dỗ nó thì ngày nào cũng tiếp cận, rủ rê…
Nhờ có Hội làm chỗ dựa, chị Nguyễn Thị Dung có thêm niềm tin trong cuộc sống
Sống cạnh những cảnh đời như vậy, hằng ngày phải chứng kiến chúng nó quậy phá, hư hỏng, nghiện ngập… một bà mẹ đơn thân có hai đứa con thấy lòng quặn thắt. Chị lại đang là bảo vệ tổ dân phố này. Trong mắt chị, trẻ con là những viên ngọc quý của trời ban tặng. Chị nghĩ: phải làm gì đó để đám trẻ ấy thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn bế tắc mà ba hoặc mẹ chúng đã từng.
Chị quyết tâm đi gom nhặt, mài giũa với niềm tin rằng những viên ngọc ấy sẽ có ngày sáng trong trở lại, như các bạn đồng trang lứa. Chị đã gọi Trang, Thư, Huy… đến thủ thỉ tâm sự: “Người lớn thì có tổ bảo vệ dân phố, đội bảo vệ Kim Đồng của tụi con sẽ bảo vệ cho các bạn, các em nhỏ, có được không”. Câu hỏi giản dị ấy đã làm chúng nó (Trang, Thư, Huy…) cảm thấy mình là những đứa trẻ có ích. Từ đó, “Đội bảo vệ Kim Đồng” ra đời.
Dù phải bươn chải với đủ thứ công việc như bán hành tỏi ở chợ, giữ xe, làm tạp vụ… để lo cho hai đứa con ăn học, chị vẫn dành thời gian mở một lớp học tại chốt bảo vệ để dạy chúng nó đọc, luyện chữ, học các phép tính cơ bản, các từ tiếng Anh thường dùng, học năm điều Bác Hồ dạy, học quy tắc giao thông và cả lẽ sống ở đời... Chúng nó gọi chị yêu thương: Mẹ! Thùy Trang bắt đầu tâm sự với chị những ước mơ, hoài bão.
Hằng đêm, Trang theo chị học chữ, ban ngày ra chợ phụ bán cá với ngoại. Rồi Gia Huy nhờ chị ngăn chặn kịp thời, không tiếp tay bọn xấu bán ma túy mà đăng ký đi học trở lại và hiện đang là một đoàn viên tiêu biểu tại khu phố... Còn Thanh Thư, nhờ chị dạy bảo mà nó biết cách chăm sóc em, cách nấu cơm, giặt đồ phụ giúp ngoại. Các em của Thư dần lớn, cũng được đưa vào đội bảo vệ Kim Đồng để chúng học chữ, trở nên ngoan, lễ phép…
Người đã cảm hóa những đứa trẻ cứng đầu, ngỗ nghịch, quậy phá, có nguy cơ sa vào tệ nạn thành những đứa trẻ ngoan, biết nghe lời, sống cho cộng đồng nhiều hơn; biến những hạt bụi thành viên ngọc của đời ấy chính là chị Lê Thị Hà (còn có tên thường gọi là Ngà, ngụ ở TK 4/1 Võ Văn Kiệt, P.Cầu Kho, Q.1). Hiện chị Hà là phó ban bảo vệ của phường, tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố, thành viên tổ cán sự xã hội, Chi hội phó Chi hội PN KP.6, Phó chủ nhiệm CLB Phòng chống tệ nạn xã hội phường, Phó chủ nhiệm Hội phòng chống AIDS Q.1…
BAO DUNG NHƯ “MẸ”
* Mấy mươi năm trước, có cô gái nghèo tên “H. đen” vì cô… rất đen, ngoại hình lại xấu, nên chị thường bị trêu ghẹo. Ba mẹ sống bên Lào, “H. đen” thui thủi làm tạp vụ trong xí nghiệp dược, nơi bà Phan Thị Minh Nguyệt (SN 1946, ngụ P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM) - người từng là nữ y tá chiến trường, là cán bộ phụ trách mảng y tế.
Bà Nguyệt (trái) chia sẻ niềm vui trong cuộc sống với bà Trần Thị Ngọc Mỹ, Chi hội trưởng, chi Hội PN KP2, P. Thạnh Xuân
Run rủi thế nào mà một ngày kia “H. đen” có thai. Thời đó, không chồng mà chửa là chuyện “động trời”. Biết mình khó kiếm chồng, cô gái ấy muốn giữ lại con để sau này bầu bạn sớm hôm, nhưng miệng thế gian và quy tắc cơ quan không cho phép. Nếu bị đuổi việc thì biết đi đâu, về đâu? “H. đen” tìm bà Nguyệt nói rõ tâm nguyện. Vậy là người nữ cán bộ y tế dang tay “đứng mũi chịu sào”. Bà làm đơn xin cơ quan xem xét giúp trường hợp “H. đen”. Bà khẳng định: “Đứa trẻ không có tội, nó cần được sinh ra, lớn lên và được yêu thương, trân trọng”. “H. đen” sinh khó phải mổ, bà Nguyệt đã kề cận chăm sóc và bảo bọc mẹ con chị bằng tình thương dung dị mà sâu sắc của một người mẹ.
Giờ, cô gái tên “H. đen” năm xưa đã có gia đình. Chồng chị là một thương binh khiếm thị. Cuộc sống của họ rất hạnh phúc. Và con của chị gọi bà Nguyệt bằng “mẹ”. Mấy năm nay, do cha mẹ chồng ở quê lâm bệnh nặng, “H. đen” phải cùng chồng con về Thanh Hóa lập nghiệp và chăm sóc ông bà, dù ở xa, họ vẫn liên lạc, thăm hỏi bà Nguyệt thường xuyên.
* Từ Bắc Giang, vợ chồng chị Nguyễn Thị H. dắt díu các con vào Q.12 ở trọ. Ngày ngày, vợ nhặt nhạnh ve chai, chồng làm công nhân. Cứ ngỡ miền Nam là vùng đất hứa, nhưng cuộc mưu sinh chốn này lại chẳng dễ dàng gì. Chị H. đi không kể trưa kể tối mà tiền kiếm được chỉ đôi ba chục ngàn một ngày. Kinh tế eo hẹp, tiền trọ, tiền điện, nước, sinh hoạt cứ quay mòng mòng. Mâu thuẫn bắt đầu từ vết rạn rất nhỏ về tiền chợ, tiền gạo, dần dần thành cái hố lớn. Chị H. bị chồng đánh như cơm bữa nhưng vẫn nín nhịn không hé răng với ai một lời bởi “xấu chàng hổ thiếp”. Hai con trai, đứa tám tuổi, đứa mới lên hai vừa sợ hãi, vừa ngơ ngác trước cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” của ba mẹ.
Đêm đó khu trọ chị H. ở nhốn nháo như cái chợ vì tiếng la chửi, tiếng khóc than. Hai đứa trẻ co ro, chị H. mặt mày sưng húp, chồng chị thì đang cơn thịnh nộ, sẵn sàng “hạ thủ”. Bà Nguyệt được “điều tới”. Bà không lấy tư cách cán bộ Hội Phụ nữ (PN) hay một cựu binh mà là “mẹ” để khuyên giải các con.
Ban đầu, người nín nhịn, người cãi bướng, bà vẫn kiên trì lui tới viếng thăm. Hôm nào hai vợ chồng “đổi tính” vui vẻ, cởi mở thì bà ngồi giữa khuyên, xa quê phải bảo bọc, chở che cho nhau mới phải. Mấy đứa con sẽ nhìn vào gương ba mẹ mỗi ngày. Nếu thương con thì hãy sống thuận hòa. Nhờ bà “lì” như vậy mà nay cảnh rùm beng trong nhà chị H. không còn nữa. Vợ chồng chị đang từng ngày xây đắp tổ ấm hạnh phúc. Bà Nguyệt vẫn tới nhà chị H., khi mang ít quà bánh, khi ít thuốc. Bà nói, cái tình, cái lý là lúc đầu, còn nghĩa thì sâu nặng trăm năm.
Chúng tôi ghé nhà bà Nguyệt vào một chiều se lạnh. Trong “không gian xanh”, vợ chồng bà đang cặm cụi chăm sóc mấy cây thuốc nam. Đó là người phụ nữ tóc hoa râm, gương mặt phúc hậu. Nụ cười của bà thì giòn tan như kiểu cười của những người còn rất trẻ, nhiệt thành và sôi nổi. Nói chuyện xưa chuyện nay, bà tâm đắc: “Chỉ cần làm gì đó cho chị em phụ nữ mình bớt khổ, thêm vui là không hối tiếc”. Ở tuổi gần bảy mươi, bà Nguyệt và chồng - ông Hoàng Ngọc Hải (SN 1941) dành phần lớn thời gian cho công tác xã hội.
Bà Nguyệt thường tư vấn về bệnh phụ khoa cho chị em, là chỗ dựa tinh thần tin cậy cho những chị từng bị bạo hành. Ông Hải hoạt động trong Hội Cựu chiến binh, vui vẻ, hoạt bát. Họ sống nghĩa tình, chòm xóm ai cũng thương. “Hồi còn ở Quân khu IV, bệnh nhân cứ gọi tôi là “chị cả”. Riết rồi cái tên đó theo mình đến tận giờ. Đôi khi, mình chỉ làm một việc nhỏ như luộc giúp mấy củ khoai, cho ngủ nhờ hay hướng dẫn điều trị bệnh… mà mọi người cũng viết thư bày tỏ sự trân trọng khiến tôi rất vui”, bà Nguyệt bộc bạch.
Lớp học tiếng Hàn Quốc dành cho đối tượng di trú kết hôn đầu tiên do Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình phối hợp với Tổ chức Di dân Hàn Quốc tổ chức
***
“Các chị cán bộ Hội với tôi như là chị em ruột thịt”, chị Nguyễn Thị Dung, sinh năm 1985, vợ của chiến sĩ Phan Văn Hạnh, người đã dũng cảm hy sinh ở đảo Tốc Tan C, quần đảo Trường Sa tháng 1/2014 trong khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ đảo tâm tình. Chị Dung là bảo mẫu của trường tiểu học Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, TP.HCM, còn chồng ở đảo xa, nên tan trường chị về ngay với con, không có thời gian tham gia hội họp. Thế rồi khi anh Hạnh hy sinh, không chỉ bạn bè, đồng nghiệp của chị, đồng đội của anh động viên an ủi, mà từ đó, bên cuộc đời của Dung còn có chị Lê Thị Nguyệt, chị Nguyễn Hương Thủy… những cán bộ Hội LHPN phường Cát Lái, Q.2 đồng hành, chia sớt. Chị Dung bùi ngùi xúc động “Hội đến ngay khi đời có sự biến, khi bỗng dưng chỉ còn lại một mình, lúc con đau, con ốm… khi mình chẳng phải là hội viên nên với tôi, tình cảm ấy quý trọng vô ngần”.
Không thể nào điểm hết những việc làm và gương cán bộ Hội nhiệt huyết, từ tâm đã được hội viên, phụ nữ yêu thương như chị, như mẹ. Rất nhiều chị đã ân cần giúp đỡ hội viên, phụ nữ nơi “địa hạt” mình phụ trách, từ trợ vốn, giúp nghề, cấp học bổng cho trẻ nhỏ khó khăn, cho đến trang bị kỹ năng nuôi dạy con, hỗ trợ kiến thức về luật pháp… và những việc làm ấy không chỉ là phong trào mà là chuyện các chị thức đêm thức hôm, trăn trở, đau đáu với từng mảnh đời khó khăn, bất hạnh…
Có thể nói, Hội LHPN TP đã liên tiếp dấn thân vào những việc khó: bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc hậu phương những người lính đang bảo vệ hải đảo, biên cương và mới đây nhất là khóa đào tạo tiếng Hàn dành cho đối tượng di trú kết hôn đầu tiên do Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình (thuộc Hội LHPN TP.HCM) phối hợp với Tổ chức Di dân Hàn Quốc (thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc) tổ chức…
Việc nào có cán bộ Hội góp tay thì lãnh đạo chính quyền các cấp đều cảm thấy yên tâm. Thành công đó có được là nhờ hàng loạt kế hoạch chỉ đạo sát sao từ cấp Thành đến cơ sở, là những mô hình, giải pháp vô cùng thiết thực, nhưng hơn hết, đó chính là Hội có những cán bộ ân cần như chị, bao dung như mẹ, luôn bên cạnh những mảnh đời bất hạnh, khó khăn, những phụ nữ lao động nghèo, công nhân nhà trọ…
Nói như bà Đinh Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM trong buổi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 07/NQ-TW của Ban chấp hành Hội LHPN Việt Nam khóa IX về một số vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái: “Phần việc chúng ta đã làm có sự nỗ lực, đạt những kết quả nhất định, nhưng chúng ta không chỉ hài lòng với kết quả đó. Vẫn còn phụ nữ và trẻ em có những vấn đề hay gặp khó khăn, bất hạnh đang chờ chúng ta. Quan điểm của Hội: Còn việc gì cần cho phụ nữ trẻ em, Hội của chúng ta vẫn còn phải làm”. Và những điểm tựa cho cuộc đời HV, PN như chị Lê Thị Hà, chị Lê Thị Nguyệt, chị Nguyễn Hương Thủy, bà Phan Thị Minh Nguyệt… luôn là một danh sách dài, là niềm tự hào và điểm son của Hội.
NGHI ANH - HOA LÀI - MẪN NHI
hoạt động Hội, hội phụ nữ, cán bộ hội, trẻ em, chỗ dựa, niềm tin, lấy chồng Hàn Quốc