PN - Ông Nguyễn Bá Hùng (46 tuổi, trú tại xóm 5, xã Liên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) vừa đào được một củ khoai vạc (khoai mỡ) trong vườn nhà với hình thù kỳ lạ, có trọng lượng gần 50kg.
Củ khoai vạc khổng lồ có hình thù kỳ quái nặng gần 50kg.
Ông Hùng bên củ khoai vạc khổng lồ vừa đào được trong vườn.
Rất nhiều người hiếu kỳ đến xem và cho biết chưa từng thấy củ khoai vạc nào to như thế này.
Ông Hùng cho biết, vào khoảng tháng 2/2014, vợ ông là bà Nguyễn Thị Vy (45 tuổi) có đi chợ Vẹo và mua được mấy củ khoai vạc về làm giống.
Đến ngày 25/2/2015 (mồng 6 Tết), ông Hùng ra vườn khơi đất ở gốc khoai lên xem thì phát hiện phần trên của củ khoai vạc to bất thường nên cả gia đình đã đào lên để xem.
Qua cân và đo đạc thì củ khoai có chiều cao khoảng 65cm, chiều dài 80cm và có trọng lượng gần 50kg.
Trước đó, vào ngày 21/2/2015 (mồng 3 Tết), gia đình ông Hùng cũng đã đào lên một củ khoai vạc trong vườn nặng khoảng 6kg.
“Chúng tôi sẽ không bán hay nấu củ khoai mà xem đó như là “lộc” đầu năm và sẽ trưng bày ở sân cho mọi người đến xem”, ông Hùng nói.
XUÂN LÊ
Khoai mỡ (Dioscorea alata Linn) là một loài thuộc chi củ nâu Dioscorea. Đây là loại dây leo cho củ được trồng nhiều ở Ấn Độ, Malaysia, Châu Phi. Ở Việt Nam, khoai mỡ còn có tên khác là khoai tím, khoai vạc, củ cái, củ mỡ, củ cầm, củ đỏ, củ tía, khoai tía, khoai ngà, khoai long, khoai bướu, khoai trút, khoai ngọt... Đây là loại khoai được trồng làm cây lương thực rất lâu đời. Một số loài khác của Dioscorea cũng được con người trồng, hoặc khai thác từ cây dại để sử dụng như một loại lương thực như: D. esculenta Burk. (khoai từ), D. hispida Dennt. (củ nần), D. pierrel Prain. (củ từ nước), D. bulbifera Linn. (khoai dai)… Trên thế giới, khoai mỡ được xem là một trong những loại cây lương thựcquan trọng. Khoai mỡ có thể dùng trong nhiều món ăn quen thuộc như luộc, chiên, hay nấu canh, hấp bánh và mang lại khá nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, khoai mỡ là một nguồn dồi dào kali, giúp duy trì huyết áp ổn định. Trên thế giới, cây khoai mỡ được trồng ở 3 vùng chính: Tây Phi, khu vực biển Thái Bình Dương (kể cả Nhật Bản) và các nước trong vùng biển Caribê. Tại Việt Nam, khoai mỡ cũng được trồng làm cây lương thực ở khá nhiều nơi trong đó tỉnh Long An là một trong những nơi có diện tích khoai mỡ lớn và tập trung nhất. Khoai mỡ là loại dây leo, thân mềm, có sức sống tốt. Tại Việt Nam, củ mỡ có nhiều giống như củ mỡ bò, củ mỡ đỏ, củ mỡ năm, khoai mỡ tía, củ mỡ tím, củ mỡ trắng, mỡ trắng nhẵn… Một số giống thuộc loài Dioscorea alata cũng được gọi là củ từ như các giống củ từ rắn, củ từ canh, củ từ trắng, củ từ tía hoặc được gọi là củ vạc như các giống vạc ngà, vạc vồng. (Theo WikiPedia) |
khoai vạc, khoai mỡ, khoai tía, củ khoai khổng lồ, đột biến gen