Xã hội

‘Nông cụ hết thời’ vào quán cà phê

PN - Quán trưng bày che ép mía bằng gỗ (còn gọi là che bò), giỏ cần xé, giạ đong lúa, thúng da bò... và nhiều dụng cụ làm nông nay đã lui vào dĩ vãng, nhường chỗ cho máy móc hiện đại.

Bộ che ép mía gồm một ống che đực và hai ống che cái, máng mâm, khẩu, trụ.

Quán rộng khoảng 50m2 , trưng bày 2 bộ che bò cùng những vật dụng như thúng da bò, giỏ cần xé, giạ đong lúa, yên ngựa, nài che, chum chát, cán lao…

Chủ quán cà phê là ông Cao Thành Tuấn (43 tuổi). Ông Tuấn kể, vùng này là xứ sở mía đường. Trước đây, người dân dùng che (còn gọi là xe) bằng gỗ ép mía rồi nấu đường cát, đường đen (đường trầm). Che ép mía làm từ gỗ cây xay, một loại cây rừng rất cứng. Sau một thời gian, máy ép mía ra đời, rồi nhiều nhà máy đường mọc lên, những bộ che ép mía bỏ xó.

Dây nài nối với đòn gánh mắc vào vai trâu bò.

“Cách đây 15 năm, có lần tôi đi chơi, thấy nhà một người ở thị trấn La Hai bỏ lăn lóc bộ che sau hè, lâu ngày đất đá lấp gần nửa, tôi hỏi mua về” - ông Tuấn nói. Sau đó năm năm, ông lên huyện Krông Pa (Gia Lai) cũng thấy bộ che ép mía bằng gỗ, chủ nhà bỏ cạnh chuồng bò, ông hỏi mua về, có cả dây nài.

Bộ che gồm một ống che đực và hai ống che cái, máng mâm, khẩu, trụ, dây nài và đòn gánh. Phần trên của che đục đẽo thành những khớp răng gọi là tai che (nhông) để xoay tròn, ép nước mía.

Phần trên của che đục đẽo thành những khớp răng gọi là tai che (nhông) để bám vào, xoay tròn.

Kỹ thuật đục đẽo ra bộ nhông thật khớp đòi hỏi người thợ có tay nghề cao, làm ròng rã cả năm trời. Hai ống che cái gồm một ống che cây và ống che bã. Trên đầu ống che đực nhô cao hơn hai ống che cái, nơi ấy gắn dây nài nối với đòn gánh mắc vào vai trâu bò. Máng là phần dưới của ba ống che hứng nước mía chảy ra chỗ lu chứa, khẩu là nơi “kẹp cổ” ba ống che.

Ngày trước, mỗi năm, sau tháng 2, người dân Đồng Xuân cất chòi che để nấu đường. Chòi che thường được cất trên một đám đất trống gần những đám mía. Phía trong chòi che đặt che ép mía, ở đó lúc nào cũng có ba người: người đánh trâu bò đi xoay tròn, hai người kia châm mía kiêm luôn khâu rút bã. Còn lò che là nơi nấu đường, thường dùng ba chảo.

Cái giạ lúa “đầu to, đít túm” làm bằng năm miếng gỗ có hình thang. 

Về cấu trúc lò che, một đầu lò có cửa nhỏ để thông khói, đầu kia là cửa hình chữ nhật dùng để đưa chà hay bã mía khô vào chụm. Thời đó nấu hai loại đường, đường đen (gọi là đường trầm) và đường cát.

Cánh đồng Phú Yên là vựa lúa của miền Trung. Ngày trước, người làm thuê được chủ thuê trả bằng lúa, đong bằng giạ. Cái giạ lúa “đầu to, đít túm” làm bằng năm miếng gỗ có hình thang. Một giạ lúa cân nặng khoảng 8kg. Cái quạt lúa có khung làm bằng tre, phất giấy bên ngoài.

Giỏ cần xé và thúng da bò.

Ngày mùa thu hoạch, phụ nữ bưng thúng làm từ da bò phơi khô vê lúa, còn đàn ông quạt tạo gió cho bay lúa lép, lúa lừng. Cái giỏ cần xé là để ngựa thồ lúa khô về nhà.

Quạt giấy dùng để quạt tạo gió cho bay lúa lép, lúa lừng.

Ông Tuấn cho hay, trước đây có người đến hỏi mua bộ tam nông này nhưng ông không bán.

Yên ngựa.

Cán lao và kèn sừng trâu.

“Lớp trẻ bây giờ không ai biết giạ lúa, bộ che. Che ép mía được xem là “tổ tiên” nghề làm đường mía. Tôi sưu tập, trưng bày ở quán cà phê để lớp trẻ đến xem và hình dung được phần nào công việc vất vả của nhà nông quê mình từ những năm 1980 trở về trước ” - ông Tuấn giải thích.

LA HAI

www.phunuonline.com.vn

nông cụ, che ép mía, lò mía, quán cà phê, trưng bày, hiện vật, đồ cổ, đồ cũ


      © 2021 FAP
        858,442       200