PN - Câu chuyện về người em bà con bên vợ nài nỉ anh rể nhận nửa lá gan của mình để cứu vãn cuộc sống do xơ gan giai đoạn cuối… đã khiến các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy lẫn bác sĩ Hàn Quốc tham gia ca mổ vô cùng cảm kích.
Chạm vào cửa tử
Tuổi 40, khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, gia đình hạnh phúc, bất ngờ anh Nguyễn Công Thương (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) nhận được tin sét đánh: “Xơ gan giai đoạn cuối đã hết thuốc chữa. Cách duy nhất để giữ lại mạng sống là tìm bằng được người cho gan để ghép. Thời hạn kiếm gan chỉ trong ba tháng; nếu không thì… phải rời bỏ cuộc đời”.
Bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch mà vẫn chưa tìm được người cho gan, anh Thương chuẩn bị tâm thế để ra đi. Thế nhưng điều kỳ diệu cuối cùng đã đến khi người em bà con xa bên vợ muốn anh nhận nửa lá gan của mình, để tiếp tục sống. Bảy tháng sau mổ, da của anh không còn đen sạm mà dần hồng hào trở lại. Từ lúc trên bàn mổ chỉ có 42kg, giờ anh cân nặng đến 56kg.
Ngược về quá khứ, anh kể: Hơn 10 năm trước, em trai của anh chết ở tuổi 31 vì xơ gan cổ trướng do viêm gan siêu vi B. Lo sợ, anh tìm đến bác sĩ (BS) và phát hiện mình cũng bị viêm gan. Điều trị bốn năm ở Bệnh viện (BV) Y học cổ truyền TP.HCM, kết quả xét nghiệm cho thấy vi-rút viêm gan đã lui về “ngủ yên”.
Thế nhưng, với những cám dỗ thời trai trẻ, anh lại coi thường mạng sống: tự bỏ uống thuốc, ăn uống không điều độ, thường xuyên rượu, bia. Chỉ sau một năm, mắt anh bắt đầu ngả vàng và kết quả siêu âm cho biết anh có dấu hiệu xơ gan. Sức khỏe đã suy yếu, vậy mà anh cứ nghĩ, từ khi xuất hiện dấu hiệu xơ gan cho đến lúc xơ gan chắc còn tới mấy chục năm, không lo lắm! Thế nhưng chỉ vài tháng sau, sức khỏe anh xuống dốc trầm trọng.
Một buổi tối đầu năm 2014, anh liên tục đi tiêu ra phân đen lẫn máu nhưng không dám gọi vợ. “Kim đồng hồ đã chỉ 12 giờ đêm, nhìn qua thấy vợ ngủ ngon sau một ngày đi làm mệt nhọc nên dù đau đớn cũng cố gắng chịu, tôi nghĩ rồi trời sẽ sáng”. Vừa tới BV Đại học Y Dược, anh bắt đầu rơi vào lơ mơ, BS giải thích cho người nhà và khuyên nên chuẩn bị tâm lý để đưa anh về lo hậu sự. “Lúc đó tôi chỉ kịp nhìn thấy vợ mình khóc rất nhiều và nghĩ đến hai đứa con bé nhỏ rồi tôi hôn mê, không còn biết gì nữa”.
Các BS cho biết, hôn mê gan rất khó cứu, vậy mà các BS BV Đại học Y Dược TP.HCM, đứng đầu là PGS-BS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng phân khoa Gan mật đã “kéo” Nguyễn Công Thương ra khỏi cơn mê. Hai - ba tuần sau đó, trong một lần đi tắm biển ở Vũng Tàu với bạn bè, anh bắt đầu loạng choạng và rơi vào cơn mê lần hai. Một lần nữa, các BS lại kéo anh thoát khỏi cơn mê.
Nhưng lúc này một hung tin cũng đến với anh: “Nếu hôn mê thêm lần nữa, sẽ không cứu được. Bệnh của anh đã quá nặng. Phương án duy nhất là ghép gan. Thời hạn chỉ còn ba tháng, anh hãy nỗ lực tìm được người cho gan, nếu không sẽ khó qua khỏi”.
“Khi nghe BS tư vấn, tôi không thấy lo vì trong đầu cứ đinh ninh gia đình đông anh em, thiếu gì nguồn gan để xin. Thế nhưng, tất cả anh em ruột đã lớn tuổi và gan không còn tốt để cho. Vậy là mấy ông anh bên vợ cũng tình nguyện lần lượt lên Sài Gòn hiến gan nhưng đều bị BS từ chối vì lớn tuổi. Bí bách, tôi và vợ bắt đầu dò la những người bà con. Một tuần, hai tuần trôi qua, vẫn không thấy ai cho. Chúng tôi rơi vào bế tắc. Lúc đó, vợ tôi - Trần Cẩm Hồng đến gặp BS xin hiến gan cho chồng. Kết quả xét nghiệm đúng nhóm máu O nhưng các BS vẫn khuyên vợ chồng tôi tìm nguồn gan khác, vì vợ tôi không còn trẻ, hơn nữa nếu mổ hai vợ chồng cùng lúc, lỡ có rủi ro xảy ra, hai con còn nhỏ sẽ ra sao?”.
Ngồi kế bên, chị Hồng bùi ngùi: “Nhân đợt về quê mẹ ở Bạc Liêu đám giỗ, tôi lặng lẽ nhờ người thân tìm người hiến gan cho chồng. Ai cũng đồng cảm nhưng không thể cho gan được vì họ còn có gia đình. Một tháng đã trôi qua nhưng vẫn không có ai cho gan. Chúng tôi thật sự rất lo sợ”. Nhưng rồi bất ngờ chúng tôi nhận được cuộc gọi từ người em bà con xa bên vợ xin hiến gan cho anh. Người có tấm lòng cao cả này là Hoàng Minh, 28 tuổi (quê Bạc Liêu), là con trai duy nhất của gia đình.
Nhỏ mà… to gan
Để gặp được Minh, chúng tôi phải nhờ BS, cả gia đình anh Thương làm “tư tưởng” thì Minh mới chịu tiếp vì anh chỉ hứng thú bàn chuyện… đá gà. Sau nhiều giờ từ TP.HCM về Bạc Liêu gặp Minh, trước mặt tôi là một thanh niên với dáng người nhỏ con nhưng bề ngoài khá giống tay “anh chị”. Khắp người Minh toàn hình xăm trổ, lúc nào cũng đội mũ lưỡi trai, lại nuôi gà chuyên nghiệp để bán cho các đầu mối săn gà đá. Sau nhiều giờ nói chuyện về gà chọi, tôi mới “dám” chuyển sang hỏi lý do vì sao cho anh Thương nửa lá gan mà không hề đắn đo suy nghĩ.
Ôm con gà có bộ lông láng mượt, Minh trả lời gọn lỏn, đúng giọng miền Tây phóng khoáng: “Trời… có gì đâu! Ổng là anh rể mà, cho nửa lá gan chứ nhiêu. Tôi cũng còn nửa lá gan chứ phải bị cắt hết đâu. Gan cho đi thì nó cũng mọc lại à. Hơn nữa, những lúc tôi sa cơ do thất tình, rồi đàn gà giống chết hết vì dịch, công việc làm ăn không suôn sẻ, rồi quýnh lộn với người ta… chán quá tôi bỏ lên Sài Gòn chơi vài ngày. Mà lên Sài Gòn thì chỉ biết ghé nhà ông Thương chứ ai”.
Khi nghe tôi hỏi “lúc quyết định cho anh Thương thì gia đình hay bạn gái Minh có cản trở không”, Minh liền kéo áo lên để lộ ra một hình xăm màu đỏ bao quanh rốn, Minh hỏi ngược lại tôi: “Biết đó là hình gì không? Đó là quả cầu lửa, đốt ai cũng cháy. Tôi đã quyết rồi thì không ai cản được!”.
Lúc vợ anh Thương về quê tìm người cho gan, Minh đã chủ động đến xin cho gan nhưng bị chê ốm yếu. “Bả nói mày ốm vậy sao cho được. Tôi mới nhảy dựng lên “Chưa thử sao biết! Thử đi, máu O đó, được hay không rồi tính tiếp”. Thấy bả có vẻ chịu chịu, khỏi hỏi ý, mấy ngày sau tôi bắt xe đò lên Sài Gòn liền. Vậy mà xét nghiệm cái nào cũng ok hết trơn ông ơi. Xét nghiệm xong, BS còn nói tôi nhỏ mà gan bự” - Minh kể lại hết sức mãn nguyện.
Rồi Minh lắc đầu: “Tôi nghĩ người khác mà nhìn thấy anh Thương cũng sẽ cho gan như tôi thôi. Nhìn ổng lúc đó ghê lắm ông ơi, giống như người... sắp chết”. Đang kể giữa chừng, Minh lớn giọng: “Mà ông biết không, tôi ghét nhất là cái vụ đi xét nghiệm, làm gì làm lẹ cho rồi. Gan có sẵn chỉ mổ ra lấy thôi, có gì đâu mà xét nghiệm rườm rà từ bên BV Đại học Y Dược và cả BV Chợ Rẫy. Xét nghiệm liên tục từ sáng tới tối, từ ngày này sang ngày khác”.
Chia sẻ với tôi, anh Thương kể cảm động: “Cùng lúc với Minh, tôi cũng được một người em cột chèo (là con rể của ông cậu vợ) - tên Công Khanh (41 tuổi, ngụ ở Sài Gòn) cũng tình nguyện hiến gan. Kết quả xét nghiệm gan của anh Minh và Khanh đều phù hợp để cho, nhưng đến ngày trước khi mổ, phía BS Hàn Quốc (hỗ trợ BV Chợ Rẫy cho ca ghép gan) lại chọn Minh vì gan rất tốt, lại còn trẻ tuổi”.
Nhớ lại, Minh cũng làm anh Thương “hoang mang” vì gần đến ngày ghép gan, Minh nằng nặc đòi về quê lo cho… gà đẻ. “Nghe Minh nói mà tôi... run, không biết giờ chót Minh có thay đổi ý định không. Lúc đó đã 4g chiều, Minh nói cho em về, đảm bảo 8g sáng mai có mặt ở Sài Gòn. Tôi nghĩ, về Bạc Liêu ít nhất cũng mất sáu tiếng, nhưng không hiểu sao đúng 8g sáng ngày mai, đã thấy Minh ngồi ở phòng khách nhà tôi”.
“Cho gan không sợ nhưng cũng sợ mổ chứ?” - tôi hỏi thì Minh trố mắt: “Sợ gì! Té xe nằm BV chết lên chết xuống, cuối cùng cũng không chết. Rồi lúc đi làm thợ hồ cũng bị ong vò vẽ chích mấy chục mũi… có sao đâu”.
Trong suốt cuộc trò chuyện về cảm giác sau mổ thành công, tôi thấy Minh không hề đoái hoài đến bản thân mà cứ say sưa kể về anh rể. “Tỉnh dậy sau mổ, điều đầu tiên tôi nghĩ tới không phải là… mấy con gà mà là anh Thương. Ổng bị bệnh, không biết ghép gan có ổn không. Tôi được cách ly ở lầu 4. Dù mấy cô y tá không cho ra ngoài nhưng khi vừa tỉnh dậy là tôi lén đi tìm ổng. Cuối cùng thấy ổng nhưng còn nằm trong phòng cách ly ở lầu 10. Tui nhớ hai nữ BS người Hàn Quốc liên tục giơ một ngón tay biểu hiện số một, rồi nói một tràng tiếng Anh. Tôi hiểu chết liền, nên cứ trả lời “no…no…no” - rồi Minh cắt nghĩa “tức là không biết đó”. Hiểu ý, họ lấy điện thoại di động ra vừa gõ tiếng Anh thì phía bên dưới hiện ra tiếng Việt. Tôi đọc thấy dòng chữ: “Mới gặp người đầu tiên như anh; rất mạnh mẽ và bình phục sớm nhất. Nếu ở Hàn Quốc, anh sẽ là người số một”.
Tỉnh lại sau ca mổ, như được sống lại cảm xúc trong anh Thương rất khó tả. Anh chia sẻ: “Nhắm mắt lại thấy mất tất cả, mở mắt ra đã thấy có lại tất cả. Đó cũng là lúc anh bắt đầu thay đổi tâm tính nhiều lắm vì mình quá may mắn. Trên cuộc đời này hàng ngàn người bị xơ gan giai đoạn cuối nhưng không phải ai ghép gan cũng thành công, rồi người có tiền chưa chắc đã có người cho gan… và minh chứng nhất là em ruột của anh đã giã từ cuộc đời cũng vì xơ gan.
Anh lại suy nghĩ, tại sao mình phải sống những ngày ngông nghênh, coi thường cuộc sống, ứng xử chưa tốt với những người xung quanh”. Và anh nguyện sống để chuộc lại những lỗi lầm, sống tốt hơn để có thể giúp đỡ nhiều người khác. Ngày xuất viện trở về nhà, điều anh làm đầu tiên là ôm hai đứa con vào lòng. Mái ấm gia đình đang tiếp sức sống cho anh.
Trong suốt cuộc trò chuyện về cảm giác sau mổ thành công, tôi thấy Minh không hề đoái hoài đến bản thân mà cứ say sưa kể về anh rể. “Tỉnh dậy sau mổ, điều đầu tiên tôi nghĩ tới không phải là… mấy con gà mà là anh Thương. Ổng bị bệnh, không biết ghép gan có ổn không. Tôi được cách ly ở lầu 4. Dù mấy cô y tá không cho ra ngoài nhưng khi vừa tỉnh dậy là tôi lén lút đi tìm ông Thương. |
VĂN THANH
lá gan, giang hồ, ghép gan, bác sĩ, huyết thống, sự nghiệp, hạnh phúc