PN - Sáng nay 11/2 (tức 23 tháng Chạp), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức tái hiện nghi lễ Thướng tiêu (dựng nêu) trong Hoàng cung - Đại Nội Huế.
Dưới thời Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản, thường vào ngày 23 tháng Chạp như là một dấu mốc cho sự ngừng nghỉ các công việc trong năm. Nêu được dựng trước dinh phủ, đình chùa, trước điện Thái Hoà và các miếu trong Đại Nội.
Lễ dựng nêu trang nghiêm và phải là viên quan hàm “Tam phẩm” trở lên mới được nhận chỉ dụ của nhà vua làm chủ lễ. Đặc biệt, cây tre dựng nêu là loại tre đực, cao, to và khoẻ. Trên ngọn nêu treo ấn tín, bút lông, đoản kiếm... nên phải cử lính canh cho đến ngày khai hạ.
Ngày dựng nêu lên, triều đình thường cho bắn súng lệnh từ Kỳ Đài để cáo với đất trời. Tiếng súng lệnh dứt, từ khắp các huyện, phủ và triều đình đều được nghỉ ngơi sau một năm lao động nhọc nhằn để ăn Tết, chơi Xuân.
Theo Vĩnh Cao, nhà nghiên cứu triều Nguyễn, trong thời quân chủ phong kiến triều Nguyễn, dưới các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, lễ dựng nêu được tiến hành vào ngày 25 tháng Chạp hàng năm. Từ các triều vua Tự Đức về sau, lễ dựng nêu được tổ chức vào ngày 30 tháng Chạp. Cũng với mục đích như trên, nhưng trong giai đoạn này, lễ dựng cây nêu còn mang ý nghĩa biểu trưng cho một vương quyền. Vì thế mà ta tìm thấy các ấn triện cũng được cất đựng trong chiếc giỏ lồng treo ở đỉnh nêu.
Lễ dựng nêu ngày Tết tại Đại Nội Huế là nghi lễ truyền thống tốt đẹp trong tâm thức của người Việt nói chung và trong văn hóa Huế nói riêng.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, chia sẻ: “Trong tiến trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Huế, ngoài việc bảo tồn các giá trị vật thể về các công trình kiến trúc thì việc khôi phục lễ dựng nêu ngày Tết cũng góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của vùng đất cố đô” .
Phong tục dựng cây nêu ngày Tết đã dần mất đi trong cộng đồng người Việt thời hiện đại, và được thay thế bằng việc chơi hoa đào, hoa mai, hoa cúc. Cây nêu chỉ còn được bắt gặp tại một số ít vùng quê, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Dựng nêu ngày Tết bao gồm trong nó cả các dụng ý để trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, trừ những điều xấu xa của năm cũ, chuẩn bị đón một năm mới an lành.
Năm nay, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế xây dựng một kịch bản có tính nghi thức về lễ Thướng tiêu trong chốn cung đình. Lễ dựng cây nêu tại Đại Nội Huế được tiến hành từ trục Hiển Nhơn đến Thế Miếu. bao gồm 2 phần chính: rước nêu; dựng nêu. Lễ hạ nêu được chọn là ngày 7 tháng Giêng của năm mới Ất Mùi 2015.
Cây nêu được chọn là tre đực, có nhiều cành to khỏe
Đội rước nêu trước giờ vào lễ
Đi trước đội rước nêu là tiểu nhạc
Chuẩn bị ấn vàng để treo trên cây nêu
Khi chiếc ấn này được treo trên cây nêu, mọi việc của triều đình trong năm cũ kết thúc
Đội rước nêu xuất phát từ cửa Hiển Nhơn
Đúng 9 giờ, đội xuất phát qua cửa Hiển Nhơn đến Thế Miếu
Đội rước là 10 lính đội nón mặc áo màu vàng, vác cây nêu
Đoàn rước nêu đi vào Đại Nội
Rước nêu qua sân phía sau điện Thái Hòa
Đoàn rước nêu đi ngang qua cổng Ngọ Môn tiến về Thế Miếu
Đưa cây nêu đến vị trí làm lễ
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế làm lễ Thướng tiêu
Ấn được treo vào đầu ngọn cây nêu có nội dung Phú Thọ Khang Ninh
Đội lính dựng cây nêu lên
Cây nêu được dựng cạnh Thế Miếu cho đến ngày 7 tháng Giêng mới hạ xuống.
THUẬN HÓA
Tái hiện, nghi lễ dựng nêu, Đại Nội Huế, lễ thướng tiêu, cây nêu ngày tết, cung đình Huế, cố đô Huế