Xã hội

Đón Tết ở hai bờ thương nhớ

PN - Ở nơi đầu sóng ngọn gió, những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở các đồn biên phòng, hải đảo cũng hân hoan đón mùa xuân của đất trời…

XUÂN BIÊN CƯƠNG VÀ NIỀM VUI NHÀ MỚI

Lãnh đạo Thành hội chia vui cùng vợ chồng anh Sơn trong ngôi nhà mới

Tay thoăn thoắt xới đám rau, trung úy Dương Văn Sơn, đồn biên phòng Tân Thắng, H.Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận cho biết: “Tết này đơn vị mình “ấm” lắm rồi. Hội LHPN TP.HCM rất chu đáo, năm nào cũng mang quà xuân biếu chiến sĩ bánh kẹo, trà mứt…”.

Từ 20 tháng Chạp, ở đồn biên phòng Tân Thắng, nơi trung úy Sơn công tác đã ngập tràn không khí xuân. Màu tim tím của các giò lan nghinh xuân chớm nở, thơm ngát một góc vườn. Thi thoảng lại có khách ghé thăm đồn. Đó là các đoàn lãnh đạo, những đơn vị kết nghĩa từ tỉnh Bình Thuận và TP.HCM, có khi là các bác ngư dân tạt vào biếu vài con mực, con cá đánh bắt được ven bờ biển La Gi…

Nếu ở đồn, anh Sơn và đồng đội chia sẻ với nhau niềm vui được mọi người động viên thăm hỏi, thì ở nhà, chị Nguyễn Thị Nguyên vợ anh lại vui vì đứa con gái duy nhất trước đây nay ốm mai đau đã vượt qua “đốt” ba tuổi, hết suy dinh dưỡng, còi xương. Chị Nguyên vui lắm, vì đây là mùa xuân đầu tiên sau 5 năm theo chồng vào sống ở miền Nam, chị được đón Tết trong ngôi nhà của mình. Ngôi nhà này được báo Phụ Nữ cùng Hội LHPN Q.10 hỗ trợ kinh phí xây dựng; bàn giao cho vợ chồng anh chị từ tháng 5/2014. Vợ chồng chị Nguyên - anh Sơn quê gốc Hà Trung, Thanh Hóa. Năm 2011, chị theo anh vào Bình Thuận khi anh chuyển công tác.

Chị Nguyên dạy môn lịch sử ở trường THCS Tân Thắng, huyện Hàm Tân. 25 Tết này, chị được nghỉ theo lịch chung của ngành giáo dục. Hàng chục công việc đang chờ chị: quét dọn nhà, trang trí sân vườn, tỉa mấy khóm hoa, làm dưa kiệu, gói bánh chưng… Chị cười: “Vất vả nhưng thu vén cho nhà cửa tươm tất, để mấy ngày Tết, anh Sơn rời ca trực tạt về thì thấy ấm áp hơn”.

NẤU BÁNH TÉT Ở ĐẢO LÀM QUÀ TẶNG ĐẤT LIỀN

Anh Hoán (đứng phát biểu) trong buổi tiếp đón lãnh đạo huyện Cần Giờ ghé thăm đơn vị

Khác với nhịp sống thường ngày, xã đảo Thạnh An (H.Cần Giờ, TP.HCM) vào những ngày cuối năm nhộn nhịp những chuyến đò. Khi thuyền cập bến, người ta lại thấy những người mẹ, người vợ thắc thỏm, trông ngóng chờ đón chồng, con đi xa trở về. Thi thoảng, ngang qua vài căn nhà, nghe tiếng trẻ con ê a tập thuộc lòng những câu chúc Tết; từ đầu ngõ đã trông thấy màu trắng của củ kiệu, màu tím đỏ của dưa hành phơi đầy trước sân… Tiếng cười nói hòa lẫn cả những giọt nước mắt trong ngày đoàn viên trên xã đảo, thấy xuân đang gần lắm.

22 tháng Chạp, anh Trịnh Văn Hoán - Chính trị viên phó đồn biên phòng Thạnh An cùng các anh em chuẩn bị mọi thứ để đón Tết. Vài hôm trước, mấy chậu mai đã được lặt lá. Tầm 27, 28 Tết là mọi người chuẩn bị nguyên liệu để nấu bánh chưng, bánh tét. Người vo nếp, đãi đậu; người cắt lá, gói bánh… rồi thay nhau nhóm lò, canh lửa thâu đêm. Anh Hoán khoe: “Coi vậy chứ lính nấu ăn ngon lắm đấy, bữa cơm ngày Tết năm nào cũng đủ thịt muối dưa hành, rồi thịt kho tàu, giò chả nữa… do anh em tự làm hết”.

Mấy hôm nay, anh Hoán cùng mọi người đến nhà dân xung quanh để phụ một tay. Nhà nào dột, tường vôi bong tróc thì anh em lợp giúp mái tôn, quét vôi, sơn phết lại cho sạch sẽ, khang trang.

“Anh em chẳng nề hà gì, trái lại còn thấy hạnh phúc vì được góp sức để bà con đón Tết an vui”, anh Hoán tâm sự. Cuộc sống bà con ở xã đảo tuy còn nhiều thiếu thốn, nhưng cái tình, cái nghĩa giữa quân và dân thì luôn đầy ắp. Vào đêm giao thừa, mọi người tụ họp, cùng chia miếng mứt, mời nhau chén trà nóng, gửi nhau các câu chúc đầu năm… rồi cùng đàn hát. Người thì tranh thủ gọi điện về quê chúc Tết ông bà, cha mẹ, động viên vợ con ngay thời khắc sang năm mới; người thì sốt sắng chuẩn bị quần áo để sớm mai kịp lên chuyến đò đầu tiên, trở về sum họp gia đình…

Năm nay, lần đầu tiên sau nhiều năm, anh Hoán được hai ngày phép Tết ngắn ngủi với gia đình. Anh “bật mí” sẽ mang ít bánh chưng, bánh tét, thịt kho do mình “trổ tài” về làm quà cho vợ.

Chị Lê Thị Quỳnh Hoa và hai con

Cùng ngày 22 tháng Chạp, ở căn nhà nhỏ số 66 đường HT 06, Q.12, chị Lê Thị Quỳnh Hoa, vợ anh Hoán vẫn chưa hay tin “bí mật quân sự” chồng sẽ về phép Tết hai ngày.

Sáng hôm ấy, chị Hoa vẫn dẫn xe đưa con gái vào lớp 1, rồi đến trường THCS Nguyễn Hiền dạy học như lệ thường. Cậu con trai nhỏ, chị gửi ở nhà cho ông bà ngoại giữ. Căn nhà của chị vẫn chưa có không khí Tết bởi chị đang “toan tính” một kế hoạch dành bất ngờ cho chồng: đưa hai con xuống đảo Thạnh An ăn Tết với cha. Chị Hoa cười bẽn lẽn: “Lấy chồng lính mà, ít có thời gian bên nhau. Chồng đâu vợ đấy, coi như nhà có Tết”. Nói có vẻ đơn giản nhưng khóe mắt chị Hoa cứ đỏ hoe.

Ông Lê Văn Lam, ba của chị Hoa nói: “Thương cho vợ chồng nó. Hiền lành vô cùng. Thằng Hoán không hề biết rượu bia chi cả, lại chu đáo với gia đình. Năm nào Hoán cũng đón xuân xa nhà nên có khi nó lì xì mừng tuổi cho ba mẹ vợ từ cả tháng trước Tết”.

XUÂN NÀY NHÀ CÓ THÊM NHÂN KHẨU MỚI

Trên vách căn phòng nhỏ của gia đình bà Đoàn Thị Thành (ngụ tại 552/7 Lê Đức Thọ, P.16, Q.Gò Vấp, TP.HCM) vẫn còn đầy những bông hoa, giấy kim tuyến mừng đám cưới cậu con trai đầu lòng. Căn phòng nhỏ xinh này là phòng khách chung của gia đình, bên cạnh là những căn phòng sát liền nhau, chỗ vợ chồng con gái, vợ chồng con trai và của vợ chồng bà. Tuy nhỏ bé, nhưng căn phòng nào cũng có cành hoa tươi, được trang trí, bày biện gọn gàng.

Bà Thành rất vui sau khi nghe lời con trai lớn thuyết phục, cả gia đình bà cho thuê căn nhà nhỏ ở mặt tiền đường Lê Đức Thọ, chuyển đến thuê ngôi nhà ở con hẻm gần đó. Tiền để dành dự tính xây nhà, vợ chồng bà đã mang đi mua một nền đất ở Bình Dương. Bà Thành mỉm cười sung sướng: “Tháng trước tôi mới cưới con dâu, tháng này, con trai lớn báo tin vui rồi. Khi thằng Út về mới biết mặt chị dâu và còn đón cháu”.

Cậu Út của bà Thành là chiến sĩ Nguyễn Văn Khá (sinh năm 1993), đang làm nhiệm vụ ở đảo Đá Đông C của quần đảo Trường Sa. Đây là cái Tết đầu tiên cậu Út xa nhà. Nhưng bà Thành vững lòng lắm. Bà kể: “Học cấp II, thấy gia đình khó khăn quá, Khá xin mẹ học nghề thợ điện.

Từ năm 16 tuổi, Khá bắt đầu đóng góp cho gia đình, chăm chút phụ bố mẹ từng bữa cơm, phụ chị trông coi cháu những khi rảnh rỗi. Kế hoạch gia đình chuyển sang phòng trọ, mua đất để sau này xây nhà khang trang hơn đều có Khá tham gia… Thăm con ở quân trường Cam Ranh trở về, thấy con cứng cỏi, mạnh mẽ hẳn lên, chúng tôi yên lòng lắm. Khi nghe tin Khá ra đảo làm nhiệm vụ, chồng tôi bảo, biển đảo sẽ vun bồi tình yêu đất nước của con”.

Bà Đoàn Thị Thành (trái) nhận quà Tết do báo Phụ Nữ tặng

Ở nhà, bà Thành cùng chồng và các con bắt tay vào những kế hoạch lớn của gia đình… Nghe tin mọi nỗ lực của gia đình thành hiện thực, ở nơi hải đảo, Khá mừng rơi nước mắt. Đêm ấy anh ra biển, ngồi cả tiếng đồng hồ trong niềm vui sướng hân hoan của gia đình mình.

Sáng hôm sau, anh lại dạo quanh bờ biển nhặt về mấy vỏ ốc mới, bỏ vào bộ sưu tập để ngày xuất ngũ mang về tặng cháu gái, cô bé vẫn hay thỏ thẻ hát tặng cậu mỗi lần Khá gọi điện thoại thăm nhà. Căn phòng Khá có một cửa sổ nhìn ra biển. Ở góc đó, có hàng trăm chiếc vỏ ốc đủ dạng hình do Khá sưu tập khi ngưng đợt huấn luyện hoặc lúc xuống biển bắt cá, tôm. Đó là niềm vui nho nhỏ của anh cùng nhiều chiến sĩ đóng quân ở đảo.

Tết ở đảo Đá Đông C của Khá cũng rộn ràng, có hoa quả, bánh mứt, bên đồng đội cùng đàn hát những bài hát mừng Đảng, mừng xuân… với dạt dào hạnh phúc.

 NGHI ANH - VIỆT PHƯƠNG

www.phunuonline.com.vn

tết, xuân biên cương, hải đảo, người lính, hải quân, bộ đội Trường Sa, chủ quyền biển đảo


      © 2021 FAP
        859,108       53