PNO - Nghĩ lại thời học sinh, tôi chỉ ước mong rằng, quý thầy cô hãy đối đãi với học trò mình thật công bằng. Nếu không giúp đỡ được thì cũng đừng bêu riếu…
Tôi, một cô gái 26 tuổi, đã đi làm 4 năm. Nhớ lại thời học sinh, trong lòng tôi vẫn thấy ấm ức bởi nhiều vấn đề trong cách giáo dục của thầy cô, mà lúc đó, chỉ vì sợ bị đì, sợ bị giáo viên dành cho ác cảm nên tôi đã lặng thinh không dám nói, phải chịu đựng trong cảm giác rất bực mình.
Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: zing.vn |
Năm tôi học lớp 3, tôi đủ tự tin vào lực học của mình nên không đăng ký học thêm nhà cô giáo. Thế là, những bài làm của tôi đều có điểm thấp hơn những bạn học ngang bằng hoặc yếu hơn tôi. Hai bài toán cùng cách giải, cùng đáp số đúng nhưng bạn A được 10, còn tôi chỉ có 8. Hỏi thì cô giáo nói A trình bày đẹp hơn (trong khi tôi thấy A viết xấu hơn và có gạch xóa chứ không rõ ràng như bài của tôi). Một bài luận văn, độ dài tương đương nhau, đầy đủ ý nhưng bài của bạn B được 8 còn bài tôi chỉ có 6 điểm. Hỏi thì cô giải thích, B viết hay hơn (trong khi các bạn tôi ai cũng nói là bài của tôi súc tích hơn).
Tôi đem nỗi ấm ức trong lòng về nói với mẹ. Mẹ tôi chỉ mĩm cười bảo “Con học thêm vài tháng xem sao”. Quả nhiên, khi tôi học thêm ở nhà cô, điểm kiểm tra các môn của tôi đều cao hơn hẳn lúc chưa học thêm, và cuối học kỳ tôi được xếp hạng 4 trong lớp.
Trong trí óc non nớt của tôi lúc ấy đã nhận ra rằng cô giáo của mình không công bằng, và tôi mất lòng tin vào sự đánh giá của thầy cô.
Vào năm lớp 4, tôi lại gặp những việc còn đáng sợ hơn.
Nhà nghèo, đóng học phí chậm, tôi thường bị cô nêu tên trước lớp với thái độ không hài lòng, cứ như tôi phạm lỗi lầm gì ghê lắm vậy. Rồi khi thấy tôi dùng những trang giấy trắng còn thừa của năm ngoái, tự mình kết lại thành cuốn vở nháp để tính toán, để viết nháp bài luận văn thì cô tịch thu luôn và nói tôi phải mua hẳn một quyển tập mới tinh để làm... vở nháp! Cô không chấp nhận một cuốn vở nháp chắp nối bởi những trang giấy, màu giấy đậm nhạt khác nhau mà cô không hề nghĩ để thông cảm cho đứa học trò nghèo không phải lúc nào gia đình cũng sẵn tiền để đáp ứng cho tôi mọi thứ. Tôi cảm thấy tủi thân và thất vọng biết bao!
Xem toàn bộ diễn đàn "Giáo dục trong mắt tôi" tại đây. |
Lên cấp 2, tôi vẫn mang theo mặc cảm đó nên khi giáo viên chủ nhiệm đề bạt tôi làm lớp phó học tập, tôi đã từ chối, mặc cho các bạn hết lời động viên. Tôi nghĩ, mình không biết cách lấy lòng thầy cô, xét điều kiện kinh tế lại thua xa bạn bè nên tốt nhất là phải biết thu mình an phận.
Thật không ngờ, thầy chủ nhiệm đã không ngừng động viên và tạo mọi điều kiện để tôi tham gia các hoạt động phong trào của lớp, rồi còn chứng minh cho tôi thấy tôi đang sống ở một môi trường sư phạm, là nơi rất tốt để ươm mầm cho những ước mơ, nơi có thể đào tạo ra những nhân tài trẻ với nhân cách tốt.
Được yêu thương, được đối xử công bằng, tôi dần dần xóa hết trong đầu những thành kiến không hay về người thầy, và bắt đầu thấy phấn khởi, thấy niềm tin trở lại với mình. Tôi đã nỗ lực vượt lên chính mình để vào đại học. Tôi vừa học vừa làm để tự lo học phí cho mình và cuối cùng tôi đã thành công.
Nghĩ lại thời học sinh, tôi chỉ ước mong rằng, quý thầy cô hãy đối đãi với học trò mình thật công bằng. Hãy yêu thương và thông cảm cho những hoàn cảnh khó khăn của học sinh, nếu không giúp đỡ được thì cũng đừng bêu riếu, đừng để các em phải nghĩ rằng, tình cảm của giáo viên lệ thuộc những gì liên quan đến quyền lợi cá nhân mình, điều đó thật không hay!
THANH TUYỀN
Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy – trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy – học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn. Kính mời bạn đọc gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ: - Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút). Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc. |
diễn đàn giáo dục, công bằng giáo dục, thầy và trò