PNO - Đã và đang có quá nhiều cải tiến thụt lùi đầy rối rắm, thiếu nhất quán, lãng phí và ngớ ngẩn.
Đó chắc chắn chưa phải là điểm dừng, bởi đã và đang có quá nhiều cải tiến thụt lùi đầy rối rắm, thiếu nhất quán, lãng phí và ngớ ngẩn.
Rối như cải cách
Tại một số trường của TP.HCM, dù chưa học được gì từ bảng tương tác, nhưng học sinh vẫn phải đóng phí hàng tháng. |
Đầu tiên, phải kể đến chương trình tiếng Anh tiểu học. Việc đưa tiếng Anh vào dạy ở cấp học này là điều gây tranh luận dai dẳng. Dạy theo giáo trình nào, từ lứa tuổi nào, bắc buộc hay khuyến khích…
Vì sự nhập nhằng đó mà phụ huynh rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Có đến bốn chương trình dạy tiếng Anh khác nhau: tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh theo đề án của Bộ GD-ĐT, tiếng Anh Cambridge. Dĩ nhiên, mỗi chương trình có mức học phí khác nhau. Điều đáng nói là giữa các chương trình đào tạo có chuẩn khác nhau nên chắc chắc có khác biệt về lượng kiến thức khi các em bước vào cấp học kế tiếp.
Vì sự khác biệt đó mà yêu cầu đặt ra đối với người đứng lớp cũng khác. Trên lí thuyết, giáo viên ngoại ngữ phải đạt chứng chỉ FCE nhưng thực tế có rất ít người vượt qua kì sát hạch này. Đòi hỏi cao nên thầy cô vẫn phải vừa dạy vừa hồi hộp, cố gắng ôn luyện để đạt chuẩn. Kể cả khi đã đủ chuẩn thì vẫn nơm nớp vì chưa biết nay mai lại có thêm chuẩn mới nào khác.
Cải cách sách giáo khoa thật sự là câu chuyện dài nhiều tập. Cải cách liên tục, cuốn sau cao hơn và dày hơn cuốn trước về kích cỡ lẫn giá tiền. Đã gọi là cải cách thì đi liền với đổi mới nhưng đổi mới về nội dung sách giáo khoa lại đi liền với rối rắm và khó hiểu.
Thời tôi đi học, các khái niệm hay định nghĩa, thậm chí là nội dung bài học rất dễ hiểu, có thể thuộc nằm lòng đến tận nhiều năm sau. Ngày nay, qua mấy lượt cải cách của các nhà biên soạn, câu chữ trở nên trừu tượng, nặng tính hàn lâm khiến học sinh khó tiếp thu. Tệ hại hơn, thơ văn bị chỉnh sửa vô tội vạ, cả người dạy, người học lẫn phụ huynh phải dở khóc dở cười. Bài thơ “Thương ông” trong chương trình lớp Hai là ví dụ điển hình.
Cái vòng lẩn quẩn do mấy nhà quản lý giáo dục tạo nên chẳng những không có lối ra mà cứ dấn sâu vào bế tắc. Chỉ riêng chuyện có nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp Một hay không cũng làm phụ huynh lẫn giáo viên đau đầu. Mấy ông quản lý mạnh miệng bảo “KHÔNG” nhưng thưa các ông, hãy kiểm chứng điều đó bằng cách trực tiếp đứng lớp thì sẽ có câu trả lời chính xác nhất. Vả chăng, khi tuyên bố hùng hồn thì con cháu các vị đã thảnh thơi nơi trường quốc tế.
- Xem toàn bộ diễn đàn "Giáo dục trong mắt tôi" tại đây. - Bài được đọc nhiều nhất trong diễn đàn: Dạy toán hay là đánh bẫy học sinh? |
Khối kiến thức nặng nề trong phân bố chương trình buộc người thầy phải chạy đua với thời gian để tránh “cháy” giáo án. Để theo kịp chương trình, học sinh buộc phải học thêm, mài sức lực ở các giờ tăng tiết hoặc trung tâm bên ngoài. Kiến thức thì muốn nhồi cho nhiều nhưng hiệu quả mang lại chẳng được bao nhiêu. Chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp” xảy ra.
Xin đừng đổ lỗi cho người thầy về điều đó, bởi ngày nay chuyện để học sinh ở lại lớp là khá hy hữu. Dù muốn dù không, họ vẫn phải nhắm mắt xuống tay “cấy” vào những điểm số vừa vặn để hoàn thành chỉ tiêu từ cấp trên giao xuống.
Mới đây thôi, thông tư 30 ra đời áp dụng cho bậc tiểu học. Nội dung thông tư quy định bỏ việc chấm điểm, thay vào đó, giáo viên phải đánh giá từng bài, từng em, từng ngày. Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng điểm số là cái mốc phấn đấu cụ thể của từng học sinh. Đánh giá theo tiêu chuẩn “đạt” hay “chưa đạt” không khác mấy tư duy cào bằng sẽ làm mài mòn động lực học tập ở các em. Người thầy bị biến thành cái máy chấm “nhận xét” mà chuyện này vất vả hơn nhiều so với chấm điểm.
Thử làm một phép tính đơn giản: số môn học mỗi ngày nhân với khoảng 50 học sinh mỗi lớp thì nhận xét bấy nhiêu bài. Thời gian đâu để đầu tư cho bài giảng, rồi thì còn đánh giá theo tuần, theo tháng, phối hợp với phụ huynh để tìm ra phương pháp giúp học sinh tiến bộ.
Thiếu nhất quán
Thi tốt nghiệp hay xét tuyển, môn tốt nghiệp là bắt buộc hay tự chọn, thi đại học kiểu “3 chung” hay mỗi trường tự tổ chức… đến giờ vẫn là đề tài nóng khi kết thúc mỗi năm học.
Việc xét tuyển nhằm tránh lãng phí thời gian và tiền bạc tổ chức kì thi tuyển hàng năm, nhưng xét về thực chất thì việc xét tuyển chỉ mang tính hình thức. Xét tuyển, đồng nghĩa với việc biến kì thi cuối năm mỗi cấp học thành kì thi tốt nghiệp không chính thức. Áp lực sẽ giảm đi nhưng tiêu cực sẽ tăng lên vì chuyện điểm số. Chuyện “cấy điểm” đã có ở cấp học dưới thì lên trung học sẽ càng nguy hiểm hơn. Bởi lẽ, điểm số do mỗi trường tự quyết thì “sản phẩm đầu ra” có chất lượng thế nào tùy thuộc vào chỉ tiêu thành tích của từng trường. Cách này thì khác gì tiếp tay với tiêu cực. Bệnh thành tích vốn đã trở thành mãn tính, không riêng gì trong ngành giáo dục.
Kì thi đại học, bước ngoặt cuộc đời của mỗi học sinh là mối quan tâm của toàn xã hội. Xét tuyển (lại xét tuyển), thi tuyển theo mô hình “3 chung” kiểu truyền thống, hay mỗi trường sẽ tự tổ chức thi theo cách thức vào tiêu chí tuyển chọn riêng.
Bằng hình thức xét tuyển thì chắc chắn sẽ có sự bùng nổ số lượng sinh viên đại học. Hàng loạt trường đại học ra đời, tuyển sinh ồ ạt dù chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Thầy sẽ lại nhiều hơn thợ. Kì thi đại học vốn bị xem là lãng phí, vậy thì với cách làm kiểu “thả đầu vào, siết đầu ra” sẽ gây lãng phí gấp bội cho mấy năm đại học mà không thể ra trường khi trình độ sinh viên có hạn.
Người học có quá nhiều sự lựa chọn, thậm chí càng về sau này, điểm chuẩn đầu vào cứ thấp dần. Sinh viên sẽ tiếp thu được gì với học lực chỉ đạt 12 điểm/ 3 môn thi tuyển. Phổ cập đại học đang là tương lai rất gần với những cử nhân “học đại”.
Lãng phí và ngớ ngẩn
Đầu năm học này, đề xuất trang bị máy tính bảng cho học sinh tiểu học lại một phen bị phản ứng từ phía phụ huynh. Dự án có giá 4.000 tỉ đồng này rồi cũng phải gác lại sau khi cân nhắc nhiều thứ. Tuy nhiên, một lãng phí khác mà các bậc phụ huynh phải gánh sau khi bị đặt vào thế đã rổi là khoản đóng góp chi phí mua bảng tương tác.
Mỗi cái máy trị giá hàng trăm triệu nhưng thực chất hiệu quả của nó là gì thì chưa có câu trả lời cụ thể. Giáo viên, người trực tiếp sử dụng máy cũng chỉ hiểu biết mù mờ về công năng của nó. Tại một số trường, chuyện “trùm mền” máy tương tác để chờ chuyên gia hướng dẫn là có thật. Thụ hưởng kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng số tiền thu hàng tháng để khấu hao máy thì vẫn phải đóng đều đặn và liên tục.
Đó là chưa kể những chủ trương ngớ ngẩn kiểu “cộng điểm thi đại học cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng”…
Vẫn biết để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay không thể là chuyện một sớm một chiều, nhưng nếu cứ tạo ra liên tiếp những “nút thắt” mới thì giáo dục Việt Nam mãi chỉ cứ lẩn quẩn vì những cải tiến thụt lùi.
ĐÀM CHÂU SONG THUẬN (TP.HCM)
Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy – trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy – học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn. Kính mời các bạn gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ: - Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút). Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc. |
diễn đàn giáo dục, cải cách giáo dục, chương trình học, sách giáo khoa