PN - Sáng 3/12, Báo Phụ Nữ đã tổ chức lễ trao một tỷ đồng cho 162 chị ở chín quận, huyện tại TP.HCM và huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Ông Nguyễn Hai, Giám đốc Công ty BHNT Prudential Việt Nam trao hợp đồng trợ vốn cho đại diện Hội LHPN các quận, huyện - Ảnh: Phùng Huy
“KHÔNG CÓ VỐN, CHẮC CON TÔI THẤT HỌC”
Tảo tần buôn bán ở chợ đầu mối Bình Điền hơn mười năm, là ngần ấy thời gian chị Nguyễn Thị Trang (Lý Chiêu Hoàng, P.10, Q.6, TP.HCM) phải chơi hụi, thậm chí vay “nóng” để duy trì vốn. Nhiều năm trước, việc buôn bán tại chợ ế ẩm, thức trắng đêm mòn mỏi chờ khách, bỏ con thơ nheo nhóc ở nhà, giấc mơ chuyển đổi công việc luôn canh cánh trong lòng chị Trang. Bận rộn buôn bán, thiếu kiến thức về kế hoạch hóa gia đình, anh chị sinh đến bảy đứa con. Càng chạy vạy kiếm tiền, chị Trang càng thấm thía nỗi khốn khổ của người thất học, nên quyết chí, dù thế nào cũng phải đầu tư cho các con ăn học. Tuy vậy, gia đình quá khó khăn, ba đứa con của anh chị phải nghỉ từ cấp I.
Năm 2012, được Báo Phụ Nữ trợ vốn năm triệu đồng, chị Trang mạnh dạn ngừng buôn bán ở chợ, mua gia cầm về làm sạch rồi giao tận nhà, các quán ăn, một số chợ. Do đã có mối trước đó, lại làm ăn uy tín nên công việc buôn bán của chị Trang ngày càng khấm khá. Nếu trước đây ngồi ngoài chợ, mỗi ngày chị bán được vài chục con gà, vịt thì bây giờ số lượng tăng lên hàng trăm con. “Năm đứa lớn đã lập gia đình, hai đứa nhỏ đang học cao đẳng. Nếu không có nguồn vốn trợ giúp kịp thời của Báo, chắc tui đã nghỉ bán và không thể nuôi các con trưởng thành”, chị Trang vui vẻ cho biết.
Chị Cao Thị Thu và chị Nhữ Thị Lang - hai trong số gương điển hình thoát nghèo từ chương trình hỗ trợ vốn
Gắn với nghề may hơn mười năm nhưng chị Phạm Thị Nhung (129F/138/62 Bến Vân Đồn, P.6, Q.4, TP.HCM) vẫn chưa thu hút được nhiều khách hàng. Hai đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn, đồng lương phụ hồ của chồng ít ỏi, không ít lần kinh tế gia đình chị Nhung gặp khó. Năm 2006, khi được Phường Hội cho vay nguồn vốn của Báo Phụ Nữ, chị “nâng tầm” sản phẩm của mình bằng cách đổi mới mẫu mã, kết thêm phụ liệu vào sản phẩm để tạo điểm nhấn, nhưng không tăng giá. Người này truyền tai người kia, số lượng khách đặt hàng ngày một đông.
Nhà nghèo, khi lấy chồng gia đình chỉ cho hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Anh (KP Trường Lưu, P.Long Trường, Q.9) miếng đất đủ cất cái nhà nhỏ che mưa che nắng. Biết được hoàn cảnh, Hội PN phường xét cho chị vay hai triệu từ chương trình trợ vốn của báo Phụ Nữ. Số vốn nhỏ, phải làm gì vừa thoát nghèo nhưng vẫn nằm trong số vốn được trao?
Chị Kim Anh đã suy nghĩ bài toán kinh tế: Thuê một miếng đất vừa trồng sen vừa nuôi cá. Mỗi ngày lấy búp sen đem bán rồi lấy tiền mua cám cho cá ăn. Nhờ kiên trì, lấy ngắn nuôi dài mà công việc nuôi cá trồng sen của chị đem đến thành công ngoài mong đợi. Không chỉ vực dậy kinh tế gia đình, chị còn tích lũy được một ít vốn để dành.
Qua năm sau, chị tiếp tục vay thêm hai triệu, cộng với số tiền để dành, chị mạnh dạn mua một con bò nghé. Nuôi bò được hai năm thì chị cho lên giống, thả nái. Nếu đẻ bò đực, chị nuôi lớn rồi đem bán, bò cái để lại gây giống. Nhờ vậy đàn bò của chị ngày một nhân lên. “Hiện tại tui có được năm con bò cái, ra Tết này sẽ có thêm được một con bò nghé. Tui vẫn đang thuê 1.500m2 đất trồng sen và 2.000m2 đất ruộng để nuôi cá. Sự thật là tui đã thoát nghèo” - chị Kim Anh rơm rớm nước mắt kể về chặng đường vượt qua cái nghèo, cái khó của cuộc đời mình.
Chị Nguyễn Thị Kim Anh - người thoát nghèo nhờ nguồn vốn nhỏ của Báo Phụ Nữ
NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH
Tính đến thời điểm này, chương trình trợ vốn của Báo Phụ Nữ đã có số vốn quay vòng 7,035 tỷ đồng, giúp 4.813 lượt hộ gia đình phụ nữ nghèo làm kinh tế. Nhiều chị không chỉ thoát nghèo mà còn có thể hỗ trợ cho chị em khác. Đó chính là nguồn động viên lớn, giúp những người làm chương trình nỗ lực hơn; đồng thời các nhà tài trợ cũng đồng hành bền bỉ với Báo để chia sẻ với chị em. Nhiều đơn vị, cá nhân gắn bó với chương trình ngay ngày đầu tiên như Công ty Vina USA, Công ty BHNT Prudential Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi, Công ty TNHH Quốc tế Quadrille & Vera, Ngân hàng thương mại Á Châu-ACB, Công ty Dệt Thái Tuấn, gia đình ông Trần Xuân Nở…
Phát biểu nhân dịp trao vốn lần thứ 20 của Báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Hai, Giám đốc Công ty BHNT Prudential Việt Nam cho biết: “20 năm qua, tập thể ban lãnh đạo, nhân viên của Báo đã dành nhiều công sức và thời gian để làm đầu mối tập hợp các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân để giúp đỡ phụ nữ nghèo. Đó là điều thật ý nghĩa, làm chúng tôi thấy rất vui. Dù tất bật lo cái ăn, cái mặc, học hành cho con cái, với hàng trăm thứ phải chi tiêu trong cuộc sống… nhưng các chị luôn nỗ lực vượt qua khó khăn. Chính các chị đã giúp chúng tôi có thêm động lực, hạnh phúc khi sẻ chia với cộng đồng”.
Dù đồng vốn vẫn còn khiêm tốn, nhưng đã kịp thời giúp nhiều phụ nữ thoát nghèo. Ông Phạm Văn Lũy, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, địa phương có 54 phụ nữ thoát nghèo từ năm 2003 đến nay cho biết: “Bên cạnh các nguồn vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo, các nguồn chính sách hỗ trợ nông dân, nguồn vốn của Báo Phụ Nữ đã góp phần giúp các gia đình hội viên, phụ nữ ở Tân Nhựt vượt khó khăn, nuôi con ăn học, xây dựng gia đình hạnh phúc. Bên cạnh việc trợ vốn, các cấp Hội cùng với Báo còn tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, tư vấn về hôn nhân gia đình, giúp phụ nữ tự tin, có thêm nghị lực vượt qua nhiều khó khăn. Sự chia sẻ thân tình và bền bỉ này của Báo đã cùng địa phương thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới theo chủ trương chung”.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chính ủy Lữ đoàn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa, nơi có 11 hội viên phụ nữ được tiếp nhận nguồn vốn của Báo Phụ Nữ, khẳng định: “Nguồn vốn của Báo đã kịp thời giúp những người vợ lính mở quầy tạp hóa, phát triển chăn nuôi… tăng thêm thu nhập. Nguồn động viên đó giúp những người lính ở Trường Sa thêm an tâm làm nhiệm vụ”.
Bà Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP phát biểu: “Giúp đỡ chị em phụ nữ thoát nghèo là một trong những nhiệm vụ mà Báo luôn đặc biệt quan tâm, dù số tiền còn khiêm tốn, nhưng rất ý nghĩa. Với đồng vốn đó, nhiều phụ nữ có thể mua vật liệu để kết cườm, se nhang, may thêu… tăng thu nhập, vượt qua cơn khốn khó, nuôi con ăn học. Qua mỗi năm, lại có nhiều chị hoàn vốn, thoát nghèo; điều này cho thấy tín hiệu vui của chương trình. Rõ ràng, hoạt động trợ vốn của Báo là một chương trình xã hội có độ dài và độ vang. Khi có một đồng vốn là các chị có một công việc, một phương tiện và các chị sẽ chủ động có được một cuộc sống độc lập để chăm lo bản thân, đời sống gia đình”.
HOA LÀI - HẠNH CHI
nguồn vốn Báo Phụ Nữ, hỗ trợ phụ nữ, thoát nghèo