PNO - Con tôi đang học lớp 1. Bữa nọ đón con về, thấy tóc được cột lại thẳng thớm, khác với kiểu vợ tôi cột thường ngày, tôi hỏi thì con gái bảo: “Cô cột lại đó ba! Vì tóc con bị sút”.
Con tôi đang học lớp 1. Bữa nọ đón con về, thấy tóc được cột lại thẳng thớm, khác với kiểu vợ tôi cột thường ngày, tôi hỏi thì con gái bảo: “Cô cột lại đó ba! Vì tóc con bị sút…”. Tôi trách yêu là con nghịch quá nhưng thấy vui vì cô giáo có sự quan tâm, chăm chút đến bé.
Niềm vui đó tiếp tục được nhân lên khi mới đây con tôi được chọn tham gia đội múa chuẩn bị lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo. Cô giáo yêu cầu phụ huynh mua áo thun màu đỏ, quần, giày và vớ trắng. Vợ chồng chúng tôi đi nhiều quầy mới mua đủ đồ cho con. Tôi cười nói với con: “Con múa có một chút xíu mà làm ba mẹ tốn tiền quá!”. Nhưng nhìn con gái hớn hở ôm túi đồ, tôi thấy xúc động vì sự quan tâm của cô giáo đã giúp con có niềm vui lớn…
Nguồn ảnh minh họa: sinhvienplus.vn |
Thực ra tôi vui vì cô giáo đã tạo cho con tôi một cơ hội thể hiện, góp sức mà chính bé đang hào hứng với điều đó. Trong sổ liên lạc của các con, dù ở mẫu giáo hay ở tiểu học, tôi thường ghi câu: “Mong cô tạo điều kiện cho cháu được tham gia các hoạt động của lớp, của trường”.
Tôi mong con tôi được tham gia nhiều sinh hoạt, phong trào trong lớp để vừa trải nghiệm, vừa học tập, vừa rèn luyện mà vừa được thể hiện mình nữa. Vì vậy, việc được tham gia một tiết mục múa hát dù rất đơn giản cũng là niềm vui với cả tôi và con tôi.
Nhớ lại buổi họp phụ huynh đầu tiên, cô giáo có những dặn dò rất kỹ về khá nhiều điều phụ huynh cần quan tâm để đảm bảo sức khỏe cho trẻ cũng như tạo điều kiện cho trẻ được học tập tốt nhất... Đến phần phát biểu, một phụ huynh đã “xin” rất nhiều ở các bậc cha mẹ như: chăm chút quần áo, vệ sinh cho trẻ thật tốt, chăm sóc sự học của trẻ thật tốt, theo dõi các biểu hiện của trẻ thật kỹ, hợp tác giáo giáo viên và nhà trường để cùng giáo dục trẻ hiệu quả, ủng hộ cô giáo trong một số biện pháp giáo dục…
Phụ huynh đó nói: “Tôi xin các phụ huynh quan tâm con mình như thế là để các cháu có được môi trường học tập và sinh hoạt tốt nhất, như vậy con tôi sẽ học tốt hơn, mà khi con chúng ta học tốt hơn thì các lớp khác trong trường cũng sẽ học tốt, nhiều trường như thế thì chúng ta sẽ có một thế hệ tốt hơn, đất nước sẽ phát triển hơn…”. Tôi có cảm giác anh nói bằng cả tình cảm và sự mong mỏi… Phụ huynh vỗ tay lớn. Phản hồi ngay sau ý kiến đó, cô giáo của con tôi đã xúc động rơi nước mắt.
Có lẽ hiếm khi có một phụ huynh nào không phiền hà, trách móc hay đòi hỏi nhà trường, giáo viên này nọ mà chỉ mong mỏi, thậm chí đòi phụ huynh; có lẽ trong suy nghĩ của cô, đó là một sự động viên, chia sẻ thực sự. Chính điều đó có thể tác động, thúc giục cô phải thực sự là người mẹ hiền của các cháu.
Thì bây giờ đây, con tôi và con nhiều phụ huynh khác từng ngày vẫn được sự quan tâm, chăm sóc của cô giáo, như một người mẹ hiền. Ở đâu đó, có thể có giáo viên ứng xử chưa phù hợp, có sự thiếu quan tâm, thậm chí có bạo hành, nhưng nhiều giáo viên khác, trong đó có giáo viên của con tôi, vẫn đang làm người mẹ hiền của một lớp học với hơn 50 trẻ.
- Xem toàn bộ diễn đàn "Giáo dục trong mắt tôi" tại đây. - Bài được đọc nhiều nhất trong diễn đàn. |
Ở nhà, với một hai đứa trẻ, là con ruột của mình, có khi chúng ta còn chưa làm người mẹ hiền, người cha hiền nhưng ta vẫn đòi hỏi cô giáo của ngần ấy học sinh làm người mẹ hiền, có phải là quá đáng không? Tôi nghĩ là không có gì quá đáng, bởi giáo viên được đào tạo chuyên môn, được rèn luyện trách nhiệm để làm việc đó, hẳn ý thức được thiên chức của một người làm công việc “trồng người”, hẳn có sẵn lòng yêu trẻ… Vậy nên, cô giáo phải như mẹ hiền…
Đó là một sự khẳng định mà cũng là một sự mong mỏi. Có điều, để cô giáo thực sự là mẹ hiền thì phụ huynh phải có xử sự đúng mực, phải thực sự tôn trọng người thầy; rồi xã hội phải thực sự chăm lo cho người thầy để họ có thể yên tâm công tác; rồi nhà nước phải có những chính sách phù hợp để phát huy năng lực, trách nhiệm của người thầy, đừng khiến họ cảm thấy bị thiệt thòi khi chọn nghề giáo…
Qua bài viết này, tôi xin trân trọng cảm ơn những “mẹ hiền” của các con tôi, của các con chúng ta! Các phụ huynh nên nghĩ về các nhà giáo như những người mẹ hiền thực sự và tạo điều kiện để họ trở thành mẹ hiền thay vì tạo áp lực, đòi hỏi quá đáng hoặc lơ là, xem chuyện đó không liên quan đến mình. Và, bản thân có là cha hiền, mẹ hiền của con mình thì mới có thể mong mỏi giáo viên là mẹ hiền của trẻ!
NGUYỄN MINH TÂM
Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy – trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy – học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn. Kính mời các bạn gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ: - Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút). Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc. |
cô giáo, thầy cô, mẹ hiền, diễn đàn giáo dục