Xã hội

Khi cô năn nỉ trò... mua báo

PN - Đã khá muộn nhưng cô giáo chủ nhiệm của con trai nhắn tin. Tôi giật mình, tưởng có chuyện gì không hay. Hóa ra nội dung là “nhờ phụ huynh hỗ trợ cô việc đặt mua báo NĐ”.

Nguồn ảnh minh họa: internet.

Việc các trường bán lịch, bán sách, bán báo, truyện tranh, kêu gọi đi tham quan những nơi vô bổ, tôi đã… “đụng” nhiều lần, từ khi con tôi còn học mầm non. Đem trao đổi chuyện này với một người chị, tôi được biết trường tiểu học của cháu tôi bên Q.1 cũng đang “ép phụ huynh đặt báo NĐ”. Chị nói: “Làm ngành phát hành, chị biết nhà trường hưởng hoa hồng từ 20 - 50% khi đưa sách báo vào. Nhưng con đi học cả ngày ở trường, ở bên cô còn nhiều hơn bên mẹ. Cô yêu cầu gì cũng “chiều”, đâu dám để cô có ác cảm”.

Nhớ lại một số diễn đàn trên mạng xã hội, tôi bật cười vì cái kết luận “sợ nhất giáo viên bán hàng đa cấp, bảo hiểm”. Hồi con tôi học mầm non, cô chủ nhiệm của con mới lập gia đình, có con nhỏ, cuộc sống trở nên khó khăn hơn nên cô xoay xở bằng cách bán túi xách, mỹ phẩm cho… phụ huynh. Dù không dùng nhưng chúng tôi cũng thường mua ủng hộ cô vài món. Số tiền không nhiều, chỉ vài trăm ngàn nên tôi xem như một cách giúp cô cải thiện thu nhập, chẳng đáng là bao so với phụ huynh lớp bên cạnh phải ký cái hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cả chục triệu vì… “cô năn nỉ dữ quá!”.

Tôi cũng nhớ cảnh các cô giáo mầm non thường kéo phụ huynh ra một góc sân trường, thì thầm, giả lả nhờ mua giùm một món đồ, mắt nhìn chung quanh đầy cảnh giác. Phụ huynh nào “ngài ngại” thì mua, phụ huynh “mặt lạnh” thì thôi. Có điều, những hình ảnh đó luôn khiến tôi nhói lòng, vì môi trường sư phạm - nơi con tôi đang học về các thang giá trị, đã không còn đẹp nữa. Có thể thời điểm mà các cô bước vào nghề đã không hề nghĩ đến cái ngày rơi vào hoàn cảnh phải chào mời chính phụ huynh của học trò mình mua hàng hóa. Nhưng quả thật, cuộc mưu sinh đầy khốn khó đã làm tắt tất cả những gì các cô muốn giữ cho nghề.

Nhưng đó có thể xem là chuyện cá nhân của vài giáo viên, còn hiện tôi hết sức khó chịu với cách “ép” công khai của nhà trường khi “bổ đầu” lớp, bổ đầu giáo viên để giao chỉ tiêu. Mỗi lớp 5 tờ báo, mỗi khối trên 10 lớp, cả trường tiểu học có thể tiêu thụ được ít nhất 250 tờ. Nếu vài chục, vài trăm trường bắt tay với đơn vị phát hành, số báo tiêu thụ sẽ… như mơ trong thời buổi thị trường xuất bản phẩm thoái trào. Chúng tôi cũng chắc chắn giáo viên không có “xơ múi” gì ở đây, chỉ người đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ sách báo với đơn vị phát hành biết rõ mình lợi lộc gì.

Cách nay hai tháng, con trai tôi mang về một tờ rơi mời mua sách của nhà trường. Sáu cuốn sách được giới thiệu là cần thiết cho học sinh tiểu học, đồng giá 25.000/cuốn. Nhìn cái tên nhà xuất bản khá tai tiếng, tôi tá hỏa, vì biết chắc đây là sách đầu nậu đưa vào, chẳng rõ nội dung có được kiểm duyệt hay không nên kiên quyết lắc đầu với con.

Sau khi điện thoại cho giáo viên trao đổi về việc con tôi không có thời gian đọc báo NĐ vì cháu đã quá bận rộn với lịch học chính, học thêm, tôi được nghe giáo viên chủ nhiệm giãi bày gần một tiếng đồng hồ rằng cô giáo trong trường không hề muốn làm những việc ngoài chuyên môn giảng dạy, nhưng vì sợ bị trừ thi đua, bị phê bình nên đành “xuôi”. Cô còn kể, có giáo viên năm ngoái đứng lên ý kiến về việc “áp” chỉ tiêu bán sách báo, lịch cho các lớp đã bị hiệu trưởng “soi” không thương tiếc.

Quá bối rối trước những chia sẻ của giáo viên chủ nhiệm, tôi không còn cách nào khác ngoài việc đưa con trai hơn ba trăm ngàn để cháu đặt báo NĐ từ nay tới hè, dù biết con tôi chẳng có thời gian mà ngó ngàng tới tờ báo…

 HỒNG HẠNH (Q.Tân Bình, TP.HCM)

www.phunuonline.com.vn

cô năn nỉ trò, học sinh mua báo, phong trào


      © 2021 FAP
        840,203       635