Xã hội

Ôi môn văn của tôi!

PN - Tôi còn nhớ cách đây mấy năm, một người thầy lỗi lạc của tôi, đang giảng dạy môn văn ở một trường đại học (ĐH) tiếng tăm đã ngậm ngùi viết về thực trạng học trò bây giờ chán học văn, mệt mỏi vì học văn.

Thế mà bất ngờ sao, mùa tuyển sinh ĐH năm nay, môn văn trở thành môn thi được bổ sung vào rất nhiều khối thi tuyển hoặc xét tuyển vào ĐH. Trong đề án của trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ngoài khối D cũ đã gồm ba môn toán, văn, Anh, năm nay có thêm đến 15 ngành có dùng môn văn để thi tuyển.

Trường ĐH Sư phạm chắc quan niệm rằng người thầy phải có khả năng diễn đạt tốt, nên ngành vật lý cũng đưa thêm môn văn vào xét tuyển. Trường ĐH Đại Nam dùng môn văn (hai môn còn lại là toán, hóa) để tuyển ngành Dược và Kỹ thuật hóa học. Môn văn cũng được dùng để tuyển sinh vào các ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học và Công nghệ kỹ thuật cơ khí của trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu. Đỉnh điểm là cuộc tranh luận trong đó một quan chức chính phủ đã đề nghị bổ sung môn văn trong các khối thi tuyển vào trường ĐH Y Dược, lập luận rằng cần môn văn để các bác sĩ hay các chuyên viên cấp bộ viết báo cáo đúng ngữ pháp, chính tả hơn!

Nguồn ảnh: internet.

Ôi môn văn của tôi! Lúc bị rẻ rúng chỉ biết ngậm ngùi, mà khi “lên ngôi” cũng đầy chua xót. Bởi hỏi kỹ ra thì người ta bổ sung môn văn vào một số khối thi là để tăng khả năng tuyển sinh cho trường (chắc họ nghĩ điểm văn dễ cho rộng, thí sinh dễ kiếm điểm); bởi người ta lớn tiếng đánh giá môn văn chỉ qua khả năng chính tả, ngữ pháp và phục vụ mục tiêu viết báo cáo. Chẳng biết có ai trong họ còn nhớ cái định nghĩa ngắn ngủi nổi tiếng của Marxim Gorki: “Văn học là nhân học”.

Thôi thì, nói như một người bạn đang dạy văn ở trường huyện: cứ để cho môn văn được “lên đời giả” trong vài năm, biết đâu đó sẽ là động lực cho một cuộc “lên đời thật”. Cái thật/giả mà bạn nói ở đây, là bản chất của môn văn đang dạy học ở phổ thông, và môn văn mà các trường ĐH đang đưa vào các tổ hợp môn tuyển sinh. Đánh giá từ bên ngoài, đây là việc tích cực chứ: có thể xã hội đã nhận ra tầm quan trọng của môn học này, có thể các nhà đào tạo - tuyển dụng nhận thấy cần phải có những kỹ năng hình thành từ môn học này trong công việc, trong cuộc sống của con người…

Nhưng từ bên trong nghề dạy văn mà nhìn, mới thấy cái môn văn mà người ta kỳ vọng ấy có thể không giống với cái môn văn đang được dạy, được học trong trường. Nói khác đi, việc dạy học văn, việc ra đề chấm thi môn văn hiện tại vẫn còn nặng nề lắm, nặng và ngán như một món nợ, nên học trò học và trả bài như trả nợ, mấy ai đã quan niệm môn văn như một hành trang đắt giá, một sự giàu có của tâm hồn, mà người học, người dạy có thể mang theo trong suốt phần đời còn lại. Mà nếu hiếm hoi có những người thầy nghĩ vậy, cũng khó mà vùng vẫy cho được trong cái khung giờ, khung bài và cả cái khung điểm của đáp án chấm thi.

Đáng mơ ước biết bao nếu có nhiều ngành nghề của các trường ĐH chọn thi tuyển sinh môn văn, rồi trong suốt quá trình được đào tạo nghề nghiệp ở bậc ĐH, người ta vận dụng được những gì môn văn đã cung cấp, và đến sau này người ta dùng được môn văn trong cuộc sống, trong nghề nghiệp của mình. Tiếc là hiện tại chưa có. Các trường tuyển sinh bằng môn văn, nhưng trong chương trình đào tạo của ngành nghề đó chẳng hề có môn học nào có thể khai thác được môn học này để bồi dưỡng cho người học. Môn văn trở thành chiếc cầu mỏng manh bắc giữa hai cấp học, vừa qua khỏi cầu người ta liền rút ván không chút tiếc thương.

Không thể phủ nhận nhiều thay đổi, cải cách đã diễn ra với môn văn và người dạy văn trong mấy năm qua. Một trong những thay đổi ồn ào, được chú ý, là các đề thi văn đã mở hơn, bay bổng hơn. Dư luận chung vỗ tay khuyến khích, hy vọng môn văn “nhân văn” đang dần được định hình. Ít ai biết thầy chấm văn và trò thi văn với những đề thi ấy - những người trong cuộc, hầu hết đều “méo mặt”. Một đề thi văn càng mở, càng bay bổng chừng nào càng chết học trò chừng ấy, vì đội ngũ chấm văn không thống nhất được về quan điểm và không đồng đều về nhận thức. Thì khổ quá, bao nhiêu năm qua có dạy vậy đâu, có học vậy đâu mà giờ bắt phải thi như vậy!

Thay đổi phải diễn ra từ gốc - từ các trường ĐH sư phạm, các “cỗ máy cái” đào tạo giáo viên. Thay đổi ấy phải đồng bộ với những thay đổi về chương trình, thì may ra mới tạo ra những thay đổi trong các trường phổ thông trung học, từ đó, khi các trường ĐH đưa môn văn vào xét tuyển, người trúng tuyển mới đáp ứng được kỳ vọng của họ. Thế hệ trẻ hôm nay không mê học văn, nhưng họ vẫn khao khát viết và nói về con người, về cuộc sống - những điều cơ bản mà văn chương trang bị cho họ. Thêm vào đó, là sự chọn lựa môn văn cho cánh cửa vào các trường ĐH - có thể đây chỉ là sự trùng hợp ban đầu, nhưng đã trở thành một động lực đáng kể, để bắt đầu thay đổi cách dạy và học văn. Ôi môn văn của tôi!

HOÀNG GIANG

www.phunuonline.com.vn

môn văn, tuyển sinh, dạy và học văn


      © 2021 FAP
        840,224       849